Tiếng Việt | English

09/10/2016 - 04:52

Nhiệt điện “đốt cháy” tâm can người dân ĐBSCL

Phải chăng đã đến lúc Quy hoạch điện VII điều chỉnh phải được rà soát lại các nhà máy điện vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Nhân dân tỉnh Trà Vinh bức xúc với các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải vì đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường; tự ý thay đổi công nghệ ướt sang công nghệ khô; không đưa ra được các phương án xử lý xỉ than... và nhà máy nhiệt điện Duyên Hải đặt hệ thống xả ngầm ra biển.

Cách trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải khoảng chục km, 2 ống khói khổng lồ cao hơn 200 mét sơn màu đỏ - trắng sừng sững áp tới trời. Những đám mây đục trắng liên tục được phun ra bao phủ cả một vùng trời rộng lớn.

Bải xỉ than ngày càng nhiều hơn nhưng chưa có giải pháp sử dụng.
Nhà ông Trần Văn Khiếu ở huyện Duyên Hải - cách nhà máy nhiệt điện vài cây số cho biết, từ tháng 8 Âm lịch đến tháng Giêng, khi mùa gió chướng hoạt động, bụi từ nhà máy bay mịt mù, đóng thành lớp, đen ngòm. Dù đã làm đủ mọi cách để chống bụi, bảo vệ gia đình nhưng ông Khiếu bất lực, đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm khói bụi.

"Sau này nhà máy hoàn thành 2 tổ máy nữa người dân sẽ không biết sống thế nào. Chất thải của nhà máy ra môi trường lớn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm cho bà con nuôi tôm cá bị thất bại. Các ngành chức năng cũng vào cuộc nhưng loay hoay hoài”, ông Khiếu than thở.

Theo ông Đào Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, người dân xã này thực sự lo lắng về Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến môi trường sống và sản xuất của bà con.

“Khi gió lớn xoáy và hút bụi ở đây làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh, bụi bám vào nhà cửa, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì nhà máy sử dụng số lượng than quá lớn”, ông Chính bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thực hiện giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên HảiÔng Nguyễn Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết, khói bụi của nhà máy nhiệt điện chẳng bao lâu nữa sẽ xoá sổ nghề làm muối truyền thống của xã này.

“Xã có nghề làm muối truyền thống nhưng khi nhà máy vận hành, gây thải khói bụi, làm cho muối bị đen. Bên cạnh đó, đa số người dân nơi đây làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Khi nhà máy xả thải không theo quy trình nghiêm ngặt hay có trục trặc gì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân”, ông Tâm cho hay.

Trung tâm điện lực Duyên Hải được xây dựng cặp mé biển ở ấp Mù U, xã Dân Thành, Thị xã Duyên Hải với 4 nhà máy, có công suất 600 MW/tổ máy. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đi vào hoạt động, lượng xỉ than thải ra khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Bãi đổ xỉ 100 ha có khả năng đáp ứng trong 2,5 năm, đến nay, đã sử dụng gần 1/2 diện tích. Nếu 4 nhà máy cùng đi vào hoạt động, chắc chắn, sẽ không còn đủ mặt bằng để chứa tro xỉ.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh băn khoăn, lượng tro, xỉ ngày càng nhiều nhưng dùng vào việc gì vẫn chưa có phương án cụ thể.

“Đoàn kiểm tra liên ngành cho rằng, xỉ than này không thể sử dụng vào việc gì. Vừa qua có 4 doanh nghiệp trình bày quy trình công nghệ sản xuất gạch nung từ tro xỉ, nhưng cả 4 doanh nghiệp chỉ muốn sử dụng tro bay, tỷ lệ tro xỉ chỉ chiếm từ 4-5%”, ông Dũng ái ngại.

Tổ hợp máy tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải.

Đáng chú ý, theo thiết kế ban đầu, nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ xỉ ướt, nhưng khi vận hành chính thức, không hiểu sao lại biến thành công nghệ xử lý xỉ khô.

Ông Lư Phước Hiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản không đồng ý về việc chuyển đổi này, nhưng Nhà máy Duyên Hải 1 vẫn cố tình lờ đi ý kiến đó.

Nghiêm trọng hơn, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải lại xả thải ngầm ra biển. Nhân dân và Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát xả thải như vậy là rất khó khăn, không thể quan sát bằng mắt thường. Ông Lư Phước Hiệp yêu cầu nhà máy phải có giải trình thoả đáng vì việc xả ngầm ra biển không được phê duyệt.

“Nhà máy sử dụng hệ thống làm mát và xả ngầm không có trong phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Phần này nhà máy phải có giải trình thỏa đáng và phải để cộng đồng giám sát theo quy định trước khi đưa ra môi trường. Bên cạnh đó, phải có hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải”, ông Hiệp lưu ý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến thời điểm này, Trung tâm Nhiệt điện Duyên hải vẫn chưa gửi cho bộ này báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo quy định. Các công trình phụ cũng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường dù nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 1/2016. Đây là vấn đề Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rút kinh nghiệm.

Lý giải về việc dù đã đi vào vận hành mà vẫn chưa có báo cáo về tác động môi trường, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện cho biết, đặc thù của hoạt động nhà máy nhiệt điện là chỉ có thể đánh giá được tác động khi đã đưa vào vận hành. Mặt khác, vào tháng 3/2016, nhà máy đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng do trùng hợp với sự cố môi trường Formosa ở Hà Tĩnh nên phải.... tạm gác lại.

“Đây là đặc thù của dự án vì đến tháng 1/2018 mới là thời điểm hoàn thành toàn bộ công trình, cả về hồ sơ cũng như công trình thực tế với hệ thống công nghệ và thiết bị. Tại thời điểm nhà thầu hoàn thành, đo tất cả thông số về môi trường, đặc tính và hoàn thành tất cả công tác nghiệm thu cho công trình mới xác nhận là hoàn thành. Hiện tại nếu dừng máy để tiến hành các thủ tục khác thì đó là sự lãng phí lớn cho nền kinh tế”, ông Dũng cho biết.

Cụm công trình tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải – Trà Vinh

Tuy nhiên, sau hoạt động giám sát bất thường theo đề nghị của nhân dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh về tình trạng ô nhiễm không khí, nước xả thải đang diễn ra rất phức tạp ở đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, lý do như vậy là chưa thuyết phục.

“Chúng ta đưa nhà máy vào vận hành trong khi chưa có báo cáo hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường. Lập luận và lý do nhà máy đưa ra là chưa thuyết phục. Nhà nước đã quy định, giai đoạn chạy thử chỉ 6 tháng trở lại trước khi chạy chính thức sẽ đủ điều kiện để nộp báo cáo về đánh giá tác động môi trường, không phải là chạy chính thức rồi mới đo đếm. Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị Bộ cho ý kiến việc này. Đối với chỗ cửa xả xuống biển cần có cơ chế giám sát, yêu cầu là phải để ngoài hàng rào để mọi người dân có thể thấy được”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Cũng theo hướng này, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường, Bộ tài nguyên và Môi trường cũng không đồng tình với giải trình này của Ban quản lý dự án Nhiệt điện Duyên hải.

“Thông tư 27 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định, trước khi vận hành chạy thử, chủ đầu tư phải gửi công văn cho các cơ quan quản lý về kế hoạch chạy thử tối đa 6 tháng. Nếu có trục trặc, phải thông báo ngay với cơ quan chức năng. Sau khi hoàn thành chạy thử thì báo cáo xác nhận hoàn thành. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cho rằng có đặc thù. Tuy nhiên, nếu có đặc thù thì phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước", ông Đồng nhận xét.

Dù các nhà máy nhiệt điện than ở dọc sông Hậu được cho là xây dựng với các công nghệ tương đối mới, giảm thiểu phát thải hơn so với các nhà máy trước đây nhưng trước tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước đang hiện hữu, tâm can người miền Tây dường như đang bị "đốt cháy". Bà con không thể yên tâm, nhất là khi nhiều nhà máy đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ và thiết bị không thật sự tiên tiến do Trung Quốc cung ứng.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới điều chỉnh gần đây (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ĐBSCL sẽ trở thành khu vực có công suất nhiệt điện than lớn nhất cả nước vào năm 2030 (dự kiến vào khoảng 18.000 MW) với 14 nhà máy tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải rà soát lại quy hoạch điện này./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL 

Chia sẻ bài viết