Tiếng Việt | English

13/08/2018 - 16:39

Nhiều giải pháp phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến cùng các bộ, ngành có liên quan.

Dự phiên chất vấn có Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển.

Tại Long An, Trưởng Đoàn ĐBQH - Trương Văn Nọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cùng một số sở, ngành dự.

Đại biểu tham gia dự phiên chất vấn tại Long An

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội xoay quanh các nhóm vấn đề: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế,…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc ít người sinh sống thành cộng đồng tại 51 tỉnh, thành phố, 458 huyện và 2.566 xã trong cả nước. Trong đó có 5 dân tộc có số dân trên 1 triệu người, 16 dân tộc dưới 10.000 người và 4 dân tộc đặc biệt ít người là Mảng, Cống, Cơlao và La Hủ có dưới 1.000 nguời, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.

Các dân tộc anh em ở nước ta luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Đảng và Nhà nước luôn xác định đại đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược. Trong những năm qua, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị quan tâm đầu tư nguồn lực, hạ tầng, bảo đảm sinh kế, y tế, giáo dục,... nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay, vùng dân tộc thiểu số vẫn là vùng chậm phát triển, thiên tai, đói nghèo, lạc hậu vẫn đang là một thách thức lớn.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có 13 nhóm chính sách phân công cho 14 bộ chủ trì. Các bộ có trách nhiệm đôn đốc còn địa phương tập trung triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư cho vùng đồng bào thiểu số, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị có nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng chính sách tổng thể nhằm giúp 14 triệu đồng bào có đời sống tốt hơn. Nếu tích hợp được các chương trình đầu tư cho dân tộc miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Tăng cường liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp để giải quyết việc làm được các đại biểu tham gia chất vấn và trả lời chất vấn quan tâm. Theo đó, có thực trạng, hiện nhiều thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm việc. Giải pháp được đưa ra, bên cạnh thực thi chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề, địa phương cần tăng cường liên kết các trường nghề với doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm. Tại Hà Giang đã triển khai chương trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, học sinh, sinh viên sau khi học xong chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp. Tức là đào tạo theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp nhận ngay từ đầu.

Một trong những vấn đề khác được đại biểu quan tâm là chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhưng số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 52,6%, thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm,... Giải pháp được đại biểu đưa ra nhà nước tăng cho vay ưu đãi, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện nhằm giảm nghèo bền vững.  

Ngoài các giải pháp trên, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để người dân tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số,... 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cụ thể, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác. Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản còn khó khăn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết