Tiếng Việt | English

08/09/2017 - 15:38

Nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý phân bón kém chất lượng

Việc kiểm tra, xử lý đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do vướng các quy định của pháp luật.


Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh – Trương Văn Nọ phát biểu tại cuộc làm việc

Ngày 08/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Công Thương.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường tổ chức chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, thị xã và thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.037 vụ, lấy thử nghiệm 577 mẫu phân bón, phát hiện 120 mẫu vi phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường phát hiện 37 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố trong tổng số 103 mẫu gửi cơ quan chức năng thử nghiệm.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2012 đến nay, đoàn thanh tra của Sở và Thanh tra chuyên ngành Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra 2.980 lượt cơ sở trên địa bàn tỉnh, phát hiện 355 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính với số tiền trên 2,1 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện kinh doanh, hàng hóa không có trong danh mục và mức chất lượng sản phẩm chưa đạt so với đăng ký chất lượng công bố.

Mặc dù việc tiến hành thanh tra, kiểm tra của 2 sở được thực hiện thường xuyên nhưng qua thực tế, công tác kiểm tra, xử lý đối với các mặt hành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương – Nguyễn Tấn Vĩnh, trong kiểm tra chất lượng phân bón, lực lượng thanh tra, kiểm tra không thể niêm phong lô hàng khi lấy mẫu phân bón kiểm tra chất lượng, vì nếu kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng, cơ sở sẽ yêu cầu bồi thường; nhưng nếu có kết quả không đạt thì lúc đó cơ sở cũng đã bán hết lô hàng, gây thiệt hại cho nông dân.

Mặt khác, theo quy định hiện nay, các cơ sở kinh doanh phân bón có quyền đề nghị phúc kiểm lần 2 và thông thường kết quả phúc kiểm luôn đạt tỷ lệ cao so với kiểm nghiệm lần đầu…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh – Trương Văn Nọ khẳng định, qua thực tế khảo sát sẽ là cơ sở để đánh giá những kết quả, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp cũng như việc đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã trực tiếp khảo sát tại một số công ty sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, một số hợp tác xã tại 4 huyện: Tân Thạnh, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích