Tiếng Việt | English

01/03/2020 - 12:38

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Trước thực trạng tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Long An vẫn diễn biến phức tạp, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Long An đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 973 vụ/1.557 bị cáo trong các vụ án hình sự  sơ thẩm và 184 vụ/253 bị cáo trong các vụ án hình sự phúc thẩm

Năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Long An đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 973 vụ/1.557 bị cáo trong các vụ án hình sự 
sơ thẩm và 184 vụ/253 bị cáo trong các vụ án hình sự phúc thẩm

Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp 

Theo VKSND tỉnh, năm 2019, VKSND 2 cấp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Năm 2019, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết 1.564 tin báo tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự đối với 1.494 vụ/1.923 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đối với 947 vụ/1.505 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 973 vụ/1.557 bị cáo trong các vụ án hình sự sơ thẩm và 184 vụ/253 bị cáo trong các vụ án hình sự phúc thẩm. Qua công tác kiểm sát điều tra, Viện Kiểm sát đã ban hành 17 kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra và 11 kiến nghị phòng ngừa tội phạm; các phòng nghiệp vụ đã ban hành 8 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Còn thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, VKSND 2 cấp đã ban hành 17 kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm, 2 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, kháng nghị phúc thẩm 39 vụ/55 bị cáo, báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm 11 vụ/14 bị cáo và ban hành 9 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ. Ngoài ra, VKSND 2 cấp cũng thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, các vụ việc hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những vụ việc khác theo quy định của pháp luật. Cùng với nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử, Viện KSND 2 cấp cũng đã chú trọng công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự, dân sự.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, theo Phó Viện trưởng VKSND tỉnh - Nguyễn Công Pha, tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng năm vẫn còn cao hơn so với năm 2018. Trong năm, có một số vụ án phức tạp phải tiến hành điều tra, xác minh nhiều đối tượng, liên quan đến nhiều địa phương nên phải kéo dài, gia hạn điều tra. Đồng thời, qua tổng kết cho thấy, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự của 2 cấp vẫn còn bộc lộ một số tồn tại đáng lưu ý. Trong đó, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa sơ thẩm còn để Tòa án tổ chức nhiều phiên tòa và ra bản án vi phạm pháp luật nhưng chưa được phát hiện, bị cấp trên kháng nghị phúc thẩm, thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị tương đối nhiều. Một số địa phương còn để án bị cải sửa, hủy án và án có vi phạm bị rút kinh nghiệm do lỗi của kiểm sát viên,… Theo VKSND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên một phần do lượng án phát sinh ngày càng lớn, nhiều vụ án có tính chất phức tạp. Bên cạnh đó, hiện nay một số quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự chưa rõ ràng cũng như trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp của một bộ phận kiểm sát viên chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Ngoài những nguyên nhân đã được chỉ ra, hiện nay công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cũng gặp những vướng mắc khách quan nhất định. Theo đó, trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đối với những vụ án vật chứng là thuốc lá điếu nhập lậu chưa tìm được bị can, hiện nay vẫn chưa có biện pháp xử lý vật chứng nên xảy ra tình trạng quá tải tại kho vật chứng và gây lãng phí, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do thời gian tạm giữ quá lâu. Đối với việc áp dụng khoản 3, Điều 29 Bộ luật Hình sự, có nơi trong giai đoạn giải quyết tin báo do phía bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại có đơn yêu cầu miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có nơi cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, có nơi ban hành quyết định khởi tố vụ án nhưng không khởi tố bị can, sau đó ra quyết định đình chỉ, có nơi lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó đình chỉ dẫn đến không đồng bộ giữa các địa phương. Ngoài ra, cũng vận dụng khoản 3, Điều 29 Bộ luật Hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định đình chỉ đối với nhiều vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trong công tác kiểm sát các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật, tại Điều 7 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát theo quy định của bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát”. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành quy định này có rất nhiều khó khăn do việc phối hợp giữa UBND, Tòa án nhân dân, các cơ quan Thi hành án cũng như các cơ quan khác liên quan trong việc xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ, định giá quyền sử dụng đất,… còn thiếu chặt chẽ. Đối với việc thu thập, cung cấp chứng cứ, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ chứng cứ cho Tòa án nhưng trên thực tế việc người dân đi lấy thông tin từ kho lưu trữ của các cơ quan quản lý nhà nước về các tài liệu có thể chứng minh cho việc khởi kiện của mình gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả thẩm phán trực tiếp đi thu thập chứng cứ cũng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Đây là một trong số những lý do chính dẫn đến việc giải quyết các vụ án kéo dài, án bị cải sửa hoặc bị hủy nhiều do phát sinh những tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm. Và đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng kháng nghị của Viện Kiểm sát bởi Viện Kiểm sát không thể kịp thời thu thập chứng cứ để làm cơ sở thực hiện quyền kháng nghị và bảo vệ kháng nghị. 

Bên cạnh đó, trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự có trường hợp bên thắng kiện chỉ thắng trên bản án nhưng không thể thu hồi được tài sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do hiện nay quy định về tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo Điều 24, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, cho, tặng, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết án, đương sự bị kiện biết mình có thể có nghĩa vụ phải thi hành án nên đã tiến hành chuyển dịch hết số tài sản hiện có cho người thân. Do đó, khi bản án có hiệu lực thì bên bị kiện không còn tài sản nào để thi hành án. Đây chính là một trong số những bất cập trong áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp hiện nay,…

Trước thực tế đó, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh - Nguyễn Công Pha cho rằng, VKSND Tối cao sớm có hướng dẫn các biện pháp tác nghiệp để thực hiện những quy định mới của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự như việc quản lý và giải quyết án hình sự tạm đình chỉ, nhập vụ án do bị can, bị cáo thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau, sớm có biện pháp xử lý vật chứng là thuốc lá điếu nhập lậu trong các vụ án nhưng chưa tìm được bị can; áp dụng thống nhất Khoản 3, Điều 29 Bộ luật Hình sự để áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Song song đó, VKSND Tối cao cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu gắn với thực tiễn tranh chấp phát sinh trong thực tế để tăng cường kỹ năng, năng lực, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ cũng như tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ theo từng lĩnh vực tranh chấp./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích