Tiếng Việt | English

15/03/2016 - 09:51

Tân Thạnh-Long An:

Nhiều lợi thế phát triển du lịch

Huyện Tân Thạnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười, nằm trên các trục Quốc lộ 62 tuyến Tân An - cửa khẩu Bình Hiệp, Đường tỉnh 837 nối với tỉnh Đồng Tháp, Đường tỉnh 829 nối với tỉnh Tiền Giang, do đó thuận lợi cho việc xây dựng các tour du lịch. Tân Thạnh còn là vùng kháng chiến xưa với nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh như: Gò Giồng Dung ở xã Hậu Thạnh Tây là căn cứ đóng quân của Thiên Hộ Vương thời chống Pháp, Cổ Miếu Tân Hòa, Cánh đồng 41 xã Tân Hòa, Khu vực kinh Bùi xã Tân Ninh nơi xuất hiện bài hát "Con kênh xanh xanh" thời chống Pháp... Đặc biệt, tại xã Nhơn Hòa Lập có khu di tích lịch sử quốc gia gọi là Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ (giai đoạn 1946-1949) hiện đang được xây dựng.

HĐND tỉnh Long An khảo sát tiến độ xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch thuộc Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ (1946-1949)

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Thạnh, mặc dù huyện có nhiều tài nguyên du lịch nhưng hiện nay kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch vẫn còn rất sơ khai, nhất là đường vào các khu du lịch di tích lịch sử. Phần lớn các di tích đã xuống cấp, chưa được trùng tu. Huyện cũng không có kinh phí tham gia các hoạt động, sự kiện, hội chợ, triển lãm và quảng bá du lịch; chưa thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong việc phát triển du lịch.

Thị trấn Tân Thạnh là đầu mối giao thông, tuy nhiên kết cấu hạ tầng chưa tương xứng. Toàn huyện mới có 4 nhà nghỉ, chưa đáp ứng nhu cầu khi có đoàn tham quan đông người và chỉ có 2 nhà hàng. Huyện cũng chưa có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, không có khu vui chơi giải trí, bán quà lưu niệm và các dịch vụ khác thu hút khách du lịch.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đến nay, việc thi công xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch thuộc Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ (1946-1949) mới hoàn thành 11 hạng mục với tổng số vốn đầu tư hơn 18 tỉ đồng. Toàn bộ dự án có kinh phí gần 130 tỉ đồng, xây dựng trên khu đất diện tích gần 3ha, thuộc dự án nhóm B, năm 2017 sẽ hoàn thành. Đây là điểm nhấn quan trọng trong kết nối khu di tích với các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến với Đồng Tháp Mười nhằm phát triển du lịch sinh thái, kết hợp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, bảo vệ cảnh quan môi trường, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực Đồng Tháp Mười phát triển.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án, các hạng mục như: Nơi ở của đồng chí Lê Duẩn, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én đã hoàn thành, dự kiến nghiệm thu trong tháng 3-2016.

Hạng mục Nhà in Nam bộ, Phòng Bào chế y dược, nơi ở của đồng chí Phạm Văn Bạch, đồng chí Trần Văn Trà, hạng mục nhà truyền thống, nhà trưng bày, kè bảo vệ đang thi công đạt trên 80% giá trị hợp đồng. Các hạng mục đường giao thông và điện chiếu sáng bắt đầu thi công.

Ngoài ra, đang chuẩn bị thi công nhiều hạng mục khác, đặc biệt, hạng mục cầu bắc qua kênh Dương Văn Dương khởi công vào tháng 6-2016 sau khi xin ý kiến của Cục Giao thông đường thủy phía Nam. Đây là công trình góp phần giúp người dân hai bên bờ kênh Dương Văn Dương lưu thông thuận lợi hơn.

Hy vọng trong thời gian không xa, Tân Thạnh sẽ là điểm đến của các đoàn khách du lịch trong, ngoài nước, thúc đẩy tour du lịch sinh thái kết hợp viếng thăm di tích lịch sử của vùng Đồng Tháp Mười, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên, lịch sử ban tặng./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết