Tiếng Việt | English

30/08/2018 - 19:32

Nhiều phương thức, thủ đoạn trong buôn lậu, gian lận thương mại

Hiện nay, phương thức cũng như thủ đoạn của đối tượng buôn lậu (BL) ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Vì vậy, các lực lượng chức năng trong tỉnh Long An tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kìm giảm hoạt động BL trên địa bàn.

Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Phương thức, thủ đoạn mới

Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Lê Minh Đức thông tin, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động BL trên tuyến biên giới tỉnh tiếp tục được kiểm soát và kiềm chế. Các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, chốt chặn tại một số luồng tuyến, địa bàn là điểm nóng về BL. Mặt hàng nhập lậu qua biên giới vẫn là thuốc lá, hình thức hoạt động là sử dụng xe ôtô loại 4-7 chỗ để vận chuyển.

Theo báo cáo của lực lượng công an các địa phương, hiện nay, ngoài các đối tượng BL thuốc lá bằng xe ôtô, một số đối tượng sử dụng hình thức ký gửi hàng hóa. Hàng hóa được đóng gói, dán kín rồi thuê hoặc gửi dịch vụ vận tải vận chuyển đến địa điểm theo địa chỉ ghi bên trên (bên trong là thuốc lá ngoại nhập lậu). Trên đường vận chuyển, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì rất khó để xử lý người vận chuyển (do người vận chuyển không biết bên trong là hàng hóa gì và không được quyền mở kiểm tra hàng hóa của khách) và cũng không tìm được chủ sở hữu hàng hóa đó. Đây là một trong những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng BL hiện nay.

Tiếp tục kiểm soát

Từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra gần 12.000 vụ, phát hiện 2.080 vụ vi phạm, trong đó có 873 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu; 59 vụ hàng kém chất lượng; 21 vụ hàng giả; 1.127 vụ gian lận thương mại. Các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật, số tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, phạt và truy thu thuế nộp ngân sách hơn 151 tỉ đồng.

Theo đó, trong hoạt động thương mại, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, phát hiện 9 trường hợp kinh doanh hàng hóa (phân bón) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; 1 vụ kinh doanh hàng giả nhãn hiệu, 3 trường hợp kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) không đạt tiêu chuẩn công bố áp dụng, 12 trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa và một số vi phạm khác.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra 4 đơn vị sản xuất, 87 đơn vị kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 1 trường hợp vi phạm về điều kiện, 1 trường hợp kinh doanh phân bón giả, phạt tiền 38 triệu đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, các đơn vị trực thuộc kiểm tra phát hiện, xử lý 24 vụ vi phạm, phạt tiền 353,9 triệu đồng, phạt bổ sung, truy thu thuế 1.031 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: Khai và nộp hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định, khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan, vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm gia công dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khai thiếu số tiền thuế phải nộp.

Lực lượng công an các địa phương tuần tra, kiểm soát, phát hiện 77 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu, thu giữ 191.728 gói thuốc lá ngoại, 1.750kg đường cát, 18 tấn linh kiện điện tử (đã qua sử dụng); tạm giữ 15 xe ôtô, 35 xe môtô, 3 xuồng máy là phương tiện vận chuyển. Các cơ quan chức năng khởi tố 6 vụ/7 đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, tang vật thu giữ gồm 41.040 gói thuốc lá ngoại; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 17 đối tượng, xử phạt 3 vụ/17 đối tượng với số tiền 117 triệu đồng.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng cuối năm 2018, đồng thời thực hiện thanh tra chuyên ngành, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của ngành. Trong đó, chú trọng và tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Riêng Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát, nắm chắc diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn. Trong đó, xác định rõ luồng tuyến, địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn, đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các mặt hàng trọng điểm: Thuốc lá, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...; các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ hàng hóa,... để xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả. Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về BL, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn quản lý./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết