Tiếng Việt | English

28/01/2019 - 09:29

Nhịp sống mới trên quê hương anh hùng

Trở lại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên vùng quê cách mạng. Màu xanh của lúa, đậu phộng, hoa màu cùng với sự sầm uất các công ty, xí nghiệp, khu thương mại - dịch vụ,... minh chứng cho sự năng động của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong chung tay xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới (NTM).

Mốc son lịch sử chói lọi

Nhắc đến Đức Hòa Thượng, mọi người nghĩ ngay đến Di tích lịch sử cấp tỉnh Vườn nhà ông Bộ Thỏ, ngụ ấp Bình Hữu 2. Nơi đây chính là minh chứng cho biết bao thăng trầm cuộc sống của dân làng, gieo mầm hạt giống cách mạng khi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn được thành lập.

Đường vào khu di tích đã được nâng cấp, nhựa hóa khang trang. Mỗi năm, nơi này chào đón hàng ngàn đoàn viên, thanh, thiếu nhi trong và ngoài huyện tìm về lịch sử cách mạng. Dù cảnh vật có đổi thay nhưng cây khế, cái ao ngày nào vẫn còn đó như “chứng nhân” cho mốc son lịch sử chói lọi. Ông Ngô Văn Đức (87 tuổi) - người dân địa phương, không giấu được niềm tự hào: “Nơi đây, vào ngày 06/3/1930, đồng chí Võ Văn Tần chủ trì cuộc họp bí mật với 7 đảng viên, thống nhất chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Đức Hòa do ông làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Sậy làm Phó Bí thư”.

Vườn nhà ông Bộ Thỏ được xây dựng khang trang

Vườn nhà ông Bộ Thỏ được xây dựng khang trang

Sau khi thành lập, chi bộ ra Nghị quyết đầu tiên lấy Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung tuyên truyền và phương hướng hoạt động của Đảng ở địa phương. Dù phong trào cách mạng ở Đức Hòa có từ rất lâu nhưng khi thành lập Chi bộ Đảng, phong trào yêu nước của người dân nơi đây bước sang trang mới, thời kỳ có sự lãnh đạo của Đảng. Điều này thể hiện qua cuộc biểu tình kéo dài  cả ngày lẫn đêm của hơn 5.000 nông dân đấu tranh chống áp bức, chống thuế. Dù cuộc biểu tình bị đàn áp nhưng buộc địch phải xuống lệnh giảm thuế,...

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim cho biết: “Năm 1994, UBND huyện đầu tư xây dựng tại Vườn nhà ông Bộ Thỏ một bia tưởng niệm sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn. Khu di tích được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 01/02/2000. Hiện, khu di tích được trùng tu, tôn tạo lại các hạng mục khu nhà chính bia, hầm và hình tượng các đảng viên tham dự trong cuộc họp bí mật,... góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào của dân tộc”. 

“Vào các dịp lễ, tết, Huyện đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về đây dọn dẹp, thắp hương để tỏ lòng tri ân. Đồng thời, Huyện đoàn chủ động phối hợp Hội Cựu chiến binh, Ban Tuyên giáo huyện, tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng  về khu di tích cho thế hệ trẻ, cũng như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện với các hình thức thuyết trình, viết, có nhiều câu hỏi đề cập đến Vườn nhà ông Bộ Thỏ” - Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Tiến Quí chia sẻ.

Sức sống mới

Về Đức Hòa Thượng hôm nay, chúng tôi ngỡ ngàng trước được sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê cách mạng từng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Các tuyến đường: Đường tỉnh 824, 825, hương lộ Gò Mối - Tua Một, Gò Mối - Mỹ Hạnh đi ngang qua xã đều được nhựa hóa, kết nối hệ thống đường liên xã, ấp, tạo thành hệ thống huyết mạch, rất tiện lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim phấn khởi: “Ước tính thu nhập bình quân đầu người trong xã trên 40 triệu đồng/năm. Với tiềm năng về đất đai, nguồn lao động, kinh tế của địa phương ngày càng phát triển đa dạng, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa, cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh những cây trồng chính: Lúa, đậu phộng, rau màu thì người dân còn chủ động canh tác xen canh, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả: Bắp giống, bắp lai, đậu phộng giống, bò sữa, bò nền,... Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều công ty, xí nghiệp, khu thương mại - dịch vụ đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết lao động cho địa phương”.

Giao thông nông thôn ở Đức Hòa Thượng được láng nhựa, tạo sự khởi sắc ở vùng quê cách mạng

Giao thông nông thôn ở Đức Hòa Thượng được láng nhựa, tạo sự khởi sắc ở vùng quê cách mạng

Tết này, gia đình bà Lê Thị Ngạch (57 tuổi), ngụ ấp Hậu Hòa, đón năm mới đầm ấm, sung túc hơn mọi năm. “Nhà không có đất sản xuất, tôi thường xuyên bị bệnh nên cuộc sống gia đình những năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Nay, được địa phương hỗ trợ bò giống, tôi sản xuất hiệu quả, cuộc sống dần ổn định, đón tết đủ đầy hơn” - bà Ngạch bộc bạch.

Tháng 3-2016, xã Đức Hòa Thượng được công nhận đạt chuẩn xã NTM. Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt nhưng hiện nay xã còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những tiêu chí thiếu bền vững: Môi trường, an ninh, trật tự, văn hóa,... “Thời gian tới, ngoài nâng chất các tiêu chí còn “non”, xã chú trọng tổ chức lại sản xuất, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nhiều ngành nghề. Qua đó, góp phần làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao” - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim thông tin.

Tiếp bước truyền thống cách mạng, Đức Hòa Thượng ngày càng vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, củng cố vững chắc các tiêu chí xã NTM, ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết