Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 18:59

Nhớ anh mỗi độ xuân về

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi vào những trang sử hào hùng, không thể nào quên và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, biển Đông quần đảo Trường Sa vẫn in đậm trong mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào lẫn trăn trở.

Minh họa: Hữu Phương

Hàng triệu, hàng triệu người con của Tổ quốc hy sinh trong 5 cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, biển Đông quần đảo Trường Sa. Những người con ấy đa số được đưa về các nghĩa trang liệt sĩ để đồng bào, đồng chí đến thăm viếng, thắp nhang. Có những phần mộ có tên, tuổi nhưng còn rất nhiều phần mộ chưa tìm được danh tánh và hàng ngàn anh em nằm rải rác nơi rừng sâu, núi cao, bưng biền, chưa được quy tập.

Tôi từng tham gia 3 cuộc chiến tranh (chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc) và bị thương 11 lần. Từ năm 1982, tôi cùng đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cố gắng tìm kiếm được hơn 200 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 88, đưa về miền Bắc và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 88 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được an táng tại Nghĩa trang Củ Chi (TP.HCM), Nghĩa trang Phước Bình (tỉnh Bình Phước), Nghĩa trang Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Nghĩa trang Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Nghĩa trang Tân An (Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh), Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Thạnh, Mộc Hóa (tỉnh Long An). Hầu hết hài cốt đều chưa xác định được danh tánh, duy nhất chỉ có Trung tá Nguyễn Văn Ty - Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Trung đoàn trưởng eBB 88, hy sinh ngày 05-02-1972, được quy tập về Nghĩa trang Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) có tên, tuổi.

Còn nhớ, mùng 1 Tết năm 1970, Tiểu đoàn 7/eBB 88 cùng các đại đội trực thuộc do chưa quen thuộc địa hình, hành quân trên kênh 62, gần kênh Ngang, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An (ngày nay) không xóa hết dấu vết nên bị lộ. Trận đó, có 240 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh và bị trọng thương.

Bà con xã Vĩnh Đại cùng đơn vị an táng cán bộ, chiến sĩ tại trận địa, trên đất ruộng lúa nhà ông Bảy Quang (ba vợ Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay). Người còn sống duy nhất trong trận đó là Tiểu đoàn phó - Trần Duy Quang, quê ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Năm nay, ông 74 tuổi.

Sau năm 1975, đại đa số hài cốt của các anh được đưa về Nghĩa trang Mộc Hóa, Tân Thạnh và còn một số chưa tìm được. Ông Bảy Quang hiến hơn 3.000m2 đất trong khu vực chôn cất để xây dựng khu tưởng niệm các đồng chí hy sinh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An chấp thuận xây bia tưởng niệm tại kênh 62, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng.

Từ năm 1975 đến nay, hàng năm, người dân xã Vĩnh Đại lấy ngày 27/07 làm ngày giỗ chung cho các anh. Ngày này, cán bộ, chiến sĩ và Trung đoàn BB88 Sư đoàn BB302 Quân khu 7 có mặt để dâng hương. Tưởng nhớ các anh, người dân Vĩnh Đại vẫn khẳng định “Phần mộ vẫn có tên anh, các anh là người con của nhân dân Việt Nam anh hùng”.

48 mùa xuân đi qua, từ ngày các anh hy sinh ở nơi đây, một số mộ được xác định tên, tuổi, còn lại vẫn chưa tìm được danh tính. Mỗi dịp tết đến, trên khắp nẻo đường đất nước, nhiều gia đình, người thân của các anh từ miền Bắc vào cùng với chúng tôi dâng hương, tưởng niệm. Nơi xa nào đó, mong các anh ấm lòng, vì bên các anh luôn có đồng chí, đồng đội và tấm lòng thương yêu của người dân địa phương./.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7

Chia sẻ bài viết