Tiếng Việt | English

01/07/2015 - 10:54

Nhớ bạn tôi - nhạc sĩ Phan Nhân

Tôi và nhạc sĩ Phan Nhân vốn có nhiều “duyên nợ”. Chúng tôi thân nhau từ hồi anh về Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau khi chị Phi Điểu (vợ anh) từ Đoàn Văn công Nam Bộ chuyển về làm Phát thanh viên của Đài thì chúng tôi càng thân nhau hơn. Không hẹn mà nên, những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn An và tôi được phân công trực chiến và trực làn sóng phát thanh ở Hà Nội, cuối tháng được bổ sung thêm hai biên tập viên Phan Nhân và Triều Dâng, để có người thu thanh các tiết mục ca nhạc phục vụ thời sự.

Ngày 21/1/1973 một “Đài TNVN thu nhỏ” được lệnh đi sơ tán, trong đó có chị Phi Điểu và tôi. Đến giữa năm thì nhạc sĩ Phan Nhân gửi cho chị Phi Điểu cuộn băng ghi âm bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, có kèm theo thư Phan Nhân gửi khoe với tôi về tác phẩm ấy. Thật xúc động khi nghe giọng ca vàng Trần Khánh thể hiện ca khúc này. Và từ đó tên tuổi của Phan Nhân càng quen thuộc hơn với thính giả cả nước.


Nhạc sĩ Phan Nhân

Dưới tầm bom B52 hồi đó chúng tôi thường nằm với nhau cùng căn hầm của khu nhà hai tầng phía sau số 58 phố Quán Sứ, sát với phố Bông Nhuộm. Đêm đêm chúng tôi làm chương trình, sáng tác và trò chuyên…

Phan Nhân kể: Hồi còn nhỏ, mình yêu thích thơ văn hơn cả âm nhạc. Lúc 12 tuổi, còn tập họa thơ theo thể Đường luật “Thất ngôn bát cú” cực kỳ nghiêm khắc về vần điệu, niêm luật. Lớn lên đi bộ đội đánh Pháp, mình bắt đầu yêu thích âm nhạc và tập sáng tác. Một hôm ở bưng biền kháng chiến, bên cạnh bờ kinh xáng Rạch Giá, Hà Tiên, lúc đó ở tuổi 20, hứng chí thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu con cóc với cây đàn mandoline mượn bạn để sáng tác bài “Hành khúc Đoàn quân Long Châu”. Vốn liếng âm nhạc hồi đó quá ít, khi sáng tác “2 phần dũng cảm, 8 phần liều”. Bài viết ra chẳng ai chịu đàn, chịu hát trừ phi tác giả.

Nhạc sĩ Phan Nhân quê ở Bình Đức, Long Xuyên, An Giang nhưng lớn lên và trưởng thành ở Cần Thơ. Hoạt động âm nhạc từ trong kháng chiến chống Pháp, ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông, có một đỉnh cao đó là ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.

Trong 12 ngày đêm rực lửa ấy, Phan Nhân đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến quyết liệt và hào hùng của quân dân thủ đô Hà Nội đánh trả máy bay B52 của địch đang điên cuồng dội bom hòng khuất phục nhân dân ta. Trời Hà Nội đỏ lửa, vang rền tiếng bom đạn, những mảnh vụn B52 cháy rực, lả tả rơi... tạo cho ông cảm xúc mạnh mẽ viết nên ca khúc nổi tiếng Hà Nội niềm tin và hy vọng.


Nhạc sĩ Phan Nhân và vợ - nghệ sĩ Phi Điểu.

Khi đặt bút sáng tác bài này, Phan Nhân đã nghĩ đến ca sĩ, người mà mình sẽ gửi gắm đứa con tinh thần sắp ra đời. Ông nhớ đến ca sĩ Trần Khánh. Ngay sau khi được ca sĩ Trần Khánh giới thiệu trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát ấy đã nhanh chóng phổ biến trong cả nước và vang vọng mãi trong lòng quần chúng hơn 40 năm qua.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phan Nhân sáng tác ca khúc “Tình ca đất nước”. Khác với phần lớn các sáng tác viết trong dịp này có giai điệu hùng tráng, sôi động, Phan Nhân chọn cách thể hiện của riêng mình là viết theo giai điệu chậm rãi, sâu lắng nhưng lại rất tự hào. Chỉ có 4 câu, nhưng với 4 lời, ông nói lên khá hay tình yêu đất nước nay lại càng thêm thắm thiết, sâu đậm trong niềm vui đại thắng. Từ 1975, Phan Nhân trở lại miền Nam, lập nghiệp tại TPHCM, ông vẫn tiếp tục đi và viết. Nhiều tác phẩm mới lại ra đời, ví như: “Trên quê hương Minh Hải”, “Nhớ về Pác Bó”...

Ở “Nhớ về Pác bó” giai điệu và tiết tấu mang đậm âm hưởng dân ca Tày của vùng đất Cao Bằng. Đó là bài hát nói về nơi tận cùng phía Bắc của đất nước, còn bài hát nói về nơi chót mũi phía Nam đất nước của Phan Nhân chính là bài “Trên quê hương Minh Hải”.

Đây là vùng đất Bạc Liêu, Cà Mau, cũng là nơi Phan Nhân từng lăn lộn suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sau giải phóng, liên tục suốt 3 tháng trong mùa mưa 1979, ông đi khắp U Minh, Cái Nước, Rạch Tàu, Xóm Mũi, lúc thì tàu đò, lúc thì vỏ lãi. Và kết quả sau cùng là bài hát ấy ra đời, nhạc ngắn, nhưng có đến 6 lời. Bà con địa phương rất yêu thích bài này. Chính quyền địa phương đã kịp thời khen thưởng tác giả.

Phan Nhân đã viết về cực Bắc và cực Nam của đất nước, nhưng không quên thành phố Hồ Chí Minh nơi ông đang sống. Có hàng trăm ca khúc viết về thành phố anh hùng này, nhưng bài “Thành phố mang tên Bác”, Phan Nhân sáng tác năm 1981 cũng có nét độc đáo riêng. Cấu trúc bài hát ngắn gọn, chỉ có 4 câu và 1 câu kết (coda) với 5 lời. Câu và đoạn không theo luật cân phương một cách cứng nhắc, mà được sắp xếp một cách sáng tạo bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể tác phẩm. Qua bài hát, cảm xúc của cái “tôi” đã hòa quyện, gắn bó hữu cơ với cái “chung” trong tình yêu thành phố mang tên Bác. Giai điệu tự sự sâu lắng thiết tha nhưng lại không kém phần nhiệt thành.


Nhạc sĩ Phan Nhân ra đi để lại nhiều tiếc thương cho người hâm mộ âm nhạc nước nhà. (Ảnh: Zing)

Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, Phan Nhân cũng có nhiều bài cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích. Năm 1990, Phan Nhân có tặng tôi một tuyển tập nhạc thiếu nhi photocopy, ngoài bìa ghi “Nhà xuất bản tại gia” dùng để coi chơi. Trong đó có 15 bài hát thiếu nhi, trước 1975 có 12 bài, sau 1975 có 3 bài. Trước 1975 có mấy bài được thiếu nhi yêu thích như Chú ếch con (1967), Chú cừu Mộc Châu (1968), Em là bông lúa Điện Biên (1968), Hàng cây ơn Bác (1969)… Sau 1975, có một bài khá nổi tiếng là Vườn cây của ba (1978 - thơ Nguyễn Duy)…

Hôm qua (29/6/2015) nghệ sĩ Phi Điểu gọi điện báo tin chẳng lành cho tôi trong tiếng nức nở. Tôi cũng lặng người, nước mắt chạy vòng quanh không nói nên lời… Thế là tôi mất thêm một người bạn đồng nghiệp. Giới nhạc sĩ vắng thêm một hội viên. Hình ảnh anh hát cho tôi nghe “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Tình ca đất nước” và “Chú ếch con”… cứ văng vẳng bên tai tôi và cả bộ điệu rất “Nam Bộ” thật khó quên. Phan Nhân ơi, vĩnh biệt bạn thân yêu!./.

Nhạc sĩ Dân Huyền/VOV.VN

Chia sẻ bài viết