Tiếng Việt | English

17/03/2018 - 15:44

Nhớ cố soạn giả Trọng Nguyễn

Vì cuộc sống và hoàn cảnh, hơn 10 năm, tôi không gặp anh Tám - Trọng Nguyễn, người đồng nghiệp chúng tôi yêu mến lẫn kính phục, một trong những “cây đại thụ” viết vọng cổ. Anh Tám về với Tổ nghiệp vào những ngày đầu năm 2018, để lại sự tiếc nuối trong lòng người mộ điệu.

Tôi mến mộ anh từ sau ngày giải phóng qua một số bài vọng cổ nổi tiếng của anh được phát trên nhiều đài phát thanh: Ơn Đảng (nghệ sĩ (NS) Hoài Thanh ca), Trở lại Mỹ Tho (NS Phương Bình - Mỹ Châu ca), Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn (NS Minh Cảnh - Phượng Liên ca),... 10 năm sau, tôi trở thành tác giả mới vào nghề và có dịp gặp gỡ thần tượng của mình. Mỗi lần đi công tác miền Tây, tôi ghé Bạc Liêu thăm anh (lúc anh làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu). Anh tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Anh từng làm thơ, viết văn, kịch bản cải lương. Anh để lại cho đời khoảng 30 vở cải lương và hơn 300 bài vọng cổ, trong đó có những vở được người mộ điệu yêu thích: Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Bóng biển,...

Còn nhớ, giữa năm 1993, Long An đăng cai mở trại sáng tác kịch bản cải lương dành cho những tác giả trẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tôi được dự trại này, lúc đó, Long An có Kha Tuấn và Diệp Vàm Cỏ). Trại dành 2 ngày để các tác giả phác thảo đề cương kịch bản, anh Trọng Nguyễn đến phòng tôi, kể cho tôi nghe nhiều chuyện nghề mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Hồi trai trẻ, anh đi cưới vợ ở Cà Mau, rước dâu bằng ghe bầu, vì đường xa nên đàng trai tranh thủ đi sớm, 1 giờ sáng đến nơi nhưng không được rước dâu vì phải đợi đến đúng 6 giờ sáng. Lúc này, ông mai bức xúc và tự ái vì không được sự thông cảm của họ nhà gái nên ra lệnh đàn trai “kéo quân” về rồi ông sẽ “tính”... Xin nói thêm, ông mai là thầy giáo cũ dạy anh Tám hồi tiểu học. Khi đoàn về đến nhà, mâm cỗ được dọn sẵn mà chỉ có họ nhà trai, ai cũng thắc mắc. Lúc này, ông mai tuyên bố gả con gái của ông cho Trọng Nguyễn (cô dâu bất đắc dĩ mà như duyên tiền định cũng có mặt đi chung đoàn rước dâu hôm ấy). Những người có “vai vế” trong họ hỏi ý kiến đôi trẻ. Cả hai cùng gật đầu chấp nhận cuộc hôn nhân... từ trên trời rơi xuống!

Sau ngày giải phóng, anh về thăm quê ngoại ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Và tại đây, anh sáng tác bài vọng cổ Trở lại Mỹ Tho. Miền đất này còn cho anh cảm xúc sáng tác Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn. Rồi đi An Giang, anh viết bài Chợ Mới. Đến Long An, anh viết 2 bài: Giọt sữa cuối cùngBên sông Vàm Cỏ rất xúc động,...

Nếu về An Giang dạt dào về câu chuyện trữ tình người lính và cô thôn nữ thì về Long An với 2 câu chuyện thấm đậm tình người về bà mẹ và người chị. Trong bài Giọt sữa cuối cùng, tôi cảm động nhất là câu 6 kết bài: “Hoa cỏ may ai trồng bên mộ chị, màu tím rưng rưng gợi nhớ ngày xưa. Vĩnh Hưng ơi! đất anh hùng mỗi bận tôi qua, đều có bóng dáng và dấu chân của chị. Dấu chân xưa vẫn còn nằm trong đất, đất kiên cường dấu chân ấy cũng trổ hoa. Chị ơi tôi đang viết về chị một bài ca mà nước mắt đã làm nhòa trang giấy. Tôi nghe đâu đây như có dòng sữa ấy, chảy giữa quê hương làm cao rộng những công trình.

Mỗi chiến công đổi bao nhiêu xương máu. Chỉ có giọt sữa cuối cùng chị gởi lại cho con. Đêm Vĩnh Hưng lúa trở mình ngậm sữa. Dâng hạt gạo cho đời thêm giọt sữa cho con”.

Còn bài Bên sông Vàm Cỏ cũng đầy cảm động kết thúc bằng câu 6: “Mẹ ơi con chưa về thăm Rạch Cát, chưa qua đám lá tối trời nơi thằng Út đóng quân. Để con gặp con chim sáo con bảo nó về với mẹ, cho gánh cô đơn vơi nhẹ ở bờ vai. Biển Long Hựu mùa này nhiều sóng vỗ, nhưng có con sóng nào bằng ngọn sóng lòng của người mẹ Long An. Dù chưa qua Long Trì, Mỹ Hòa, Đức Huệ, nhưng con hiểu, con hiểu lắm mẹ ơi. Nhưng con vẫn hiểu Long An qua người mẹ anh hùng. Chỉ vài giờ bên dòng sông Vàm Cỏ, và mấy lời bắt nguồn từ câu chuyện trong căn nhà nhỏ của mẹ tôi. Ôi Long An đã trở thành nỗi nhớ, cho con thêm độ dày từ tấm lòng ấy mẹ ơi”.

Qua những ngữ đoạn ca từ trên cho thấy, văn phong của anh rất bình dị, mộc mạc, mà hình ảnh sống động, giàu tình người tình quê vốn như tư chất của anh - văn hóa yêu thương của người dân Tây Nam bộ “nhạc là nhân, văn cũng là nhân”.

Viết đến đây, nước mắt tôi nhạt nhòa, xin thắp nén hương lòng kính anh, anh mãi mãi là anh Tám của chúng tôi dù sinh thời hay tử biệt!

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết