Tiếng Việt | English

16/06/2016 - 11:14

Nhớ lần gặp Anh hùng Phạm Tuân ở Long An

Thật là một cơ duyên bất ngờ, chiều muộn hôm ấy, tôi nhận được cú điện thoại của anh Dương Quốc Xuân - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tôi vừa đến điểm hẹn đã thấy một người dáng cao lớn, khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị ngồi với anh Xuân. Người này từng xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng vào những năm 80 của thế kỷ XX - Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT), Trung tướng Phạm Tuân. Anh Xuân cho biết, anh và anh Tuân từng học với nhau ở Trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội, từ 1983 đến 1986.

2 nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (trái) và Gorbatko trên tàu vũ trụ Soyuz 37 (Ảnh: Internet)

Quê AHLLVT Phạm Tuân ở xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, vừa tròn 18 tuổi, anh vào quân đội rồi được cử đi học Trường Sĩ quan Không quân ở Liên Xô. Năm 1967, anh tốt nghiệp, chính thức là phi công lái máy bay chiến đấu.

Trở về nước, Trung úy trẻ Phạm Tuân được đưa vào Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, rồi trở thành người đầu tiên lái máy bay tiêm kích Mig21 FM của Liên Xô bắn hạ pháo đài bay B-52 của Mỹ bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK 8-9, 1-2 vào đêm 27-12-1972 trên bầu trời thủ đô Hà Nội.

Pháo đài bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược “át chủ bài” của không lực Hoa Kỳ. Trước khi Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh cho không quân tập trung đánh phá miền Bắc, ngày 18-6-1965, không quân Mỹ mào đầu bằng cách điều 30 chiếc B-52 từ đảo Guam ở giữa Thái Bình Dương đồng loạt bay vào “rải thảm bom” xuống căn cứ Trảng Lớn (Bến Cát, Bình Dương).

Bác Hồ với tầm nhìn xa trông rộng, Người tiên đoán trước đó nhiều năm rằng, thế nào Mỹ cũng đưa pháo đài bay B-52 ra đánh phá miền Bắc, sau đó đánh vào thủ đô Hà Nội. Sau vụ ném bom B-52 xuống căn cứ Trảng Lớn trên đây, Bác Hồ đưa ra tuyên bố đanh thép: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh thì nhất định thắng”.

Ngày 29-12-1967, Bác Hồ còn đưa ra lời tiên tri với Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài rằng: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Lời Bác “chắp cánh” cho anh Tuân thực hiện chiến công oanh liệt. Ngày 3-9-1977, Trung úy Phạm Tuân được vinh danh AHLLVT. Sau đó, anh được cử đi Liên Xô học tại Học viện Không quân vũ trụ Gagarin. Rồi, qua một cuộc tuyển chọn khá khắt khe, anh “vượt vũ môn” để được đưa vào huấn luyện phi công vũ trụ. Anh được cùng bay với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko. Ngày 23-7-1980, tại sân bay vũ trụ Baikonur, tàu vũ trụ Soyuz 37 được phóng thành công, đưa 2 nhà du hành vũ trụ Gorbatko của Liên Xô và Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên - bay vào vũ trụ.

Trung tướng, AHLLVTND Phạm Tuân (bìa trái) và BS. Nguyễn Phước

Tôi hỏi anh Phạm Tuân về những cảm xúc mà anh trải nghiệm trong đời làm nhà du hành vũ trụ cách mấy chục năm trước như thế nào? Dù là một vị tướng lĩnh rất có uy, song tướng quân giữa đời thường lại rất bình dân, dễ gần gũi, anh Tuân rất cởi mở khi chia sẻ những cảm xúc mà anh có gần 8 ngày trải nghiệm trên tàu vũ trụ Soyuz 37 với 142 vòng bay quanh quỹ đạo trái đất cho chúng tôi nghe.

“Anh thấy trái đất thân yêu của chúng ta thế nào?” - tôi hỏi. “Ồ, tuyệt vời lắm! Đây là quà tặng của cuộc sống mà tôi may mắn có được!” - anh Tuân kể tiếp: Sau khi thoát khỏi hấp lực của trái đất, ở trạng thái không trọng lực, tôi có cảm giác như mình đang trôi bồng bềnh trong vũ trụ bao la, sung sướng và hạnh phúc khó diễn tả được. Tôi thật không ngờ trái đất nhìn từ vũ trụ lại đẹp đến thế. Từ vũ trụ, khi tôi nhìn thấy đường chân trời tròn và khi tôi nhìn thấy hình thể đất nước Việt Nam của mình nằm dựa lưng vào đại dương xanh ngát, hình chữ S vươn ra biển Đông mà lòng tôi trào dâng một niềm hạnh phúc lẫn tự hào thật khó tả. Thậm chí, tôi còn thấy cả những con tàu to lớn lừng lững lướt sóng trên biển khơi. Và cả những đám cháy rừng ở châu Phi, tôi cũng nhìn thấy rõ. Với hơn một tuần sống trên vũ trụ, chúng tôi làm được nhiều việc chuyên môn của chuyến du hành là thực hiện các thí nghiệm và nghiên cứu khoa học,...

Tự nhiên anh Tuân đổi giọng hào hứng ra giọng trầm buồn: “Thế rồi đến lúc phải trở về trái đất. Cái khoảnh khắc tôi và nhà du hành vũ trụ Gorbatko chui trở về tàu của mình mới bùi ngùi lưu luyến làm sao. Chúng tôi vẫy chào 2 đồng chí ở lại trên trạm “Chào mừng 6” mà xúc động vô cùng. Khi 2 cánh cửa của 2 con tàu dần dần khép lại là lúc chúng tôi phải rời nhau, người ở lại trạm với cuộc sống cô độc trong vũ trụ thăm thẳm, bao la và người trở về với trái đất thân yêu của mình thì như đứa con về lại với mẹ hiền, xiết bao xúc động... Tự nhiên, tôi khóc trước khi rời trạm “Chào mừng 6” lơ lửng trên vũ trụ.

Kể tới đây, Bác sĩ Nguyễn Phước bất chợt “chuyển tông”: Bữa đó, tôi nói với Anh hùng Phạm Tuân là tôi rất ngưỡng mộ anh, vừa là anh hùng trên bầu trời Hà Nội được coi là “Điện Biên Phủ trên không”, bắn hạ pháo đài bay B-52 Mỹ, vừa là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Tôi từng học Đại học Y khoa trên quê hương Thái Bình của anh từ năm 1973 đến 1976. Vợ anh Tuân là Thượng tá, Bác sĩ Trần Thị Phương Tiến, cũng học trường này và chúng tôi là bạn đồng môn. Vợ chồng anh Tuân có với nhau 2 người con đều thành đạt. Bữa đó, khi trời tối, anh Tuân bắt tay chúng tôi và nói cho mình về Sài Gòn vì vợ đang chờ và sáng mai tụi mình phải bay ra Hà Nội rồi. Khi nào ra Hà Nội, các cậu hãy tìm mình nhé! Anh Tuân nói rồi siết chặt tay chúng tôi lần cuối trước khi bước ra xe đi TP.HCM./.

Quang Hảo 

(Viết theo lời kể của BS.Nguyễn Phước - Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy Long An)

Chia sẻ bài viết