Tiếng Việt | English

10/05/2019 - 11:32

Nhớ nghệ sĩ ưu tú Giang Châu

Giang Châu - cái tên quen thuộc của sân khấu cải lương, một giọng ca vàng đã in sâu vào lòng người ái mộ suốt mấy thập niên qua. Cho đến hôm nay, những bài vọng cổ, những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Giang Châu như Xe chỉ luồn kim, Tình đất đỏ miền Đông, Tiếng gà quê tôi, Trùm Sò, Trần Hùng, Thừa,... vẫn còn sức sống mãnh liệt trong tâm hồn công chúng yêu nghệ thuật cải lương.

Nghệ sĩ ưu tú Giang Châu (trái)

Nghệ sĩ ưu tú Giang Châu (người bên trái)

NSƯT Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952, ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo lời tự thuật của NSƯT Giang Châu, ông sinh trưởng trong gia đình làm nông, nhà rất nghèo. Thuở nhỏ từng đi chăn trâu, cắt cỏ, cấy lúa mướn,...

Vốn say mê cổ nhạc miền Nam nên ông thường tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử cùng bà con địa phương sau những giờ lo việc đồng áng. Ở gần nhà Trần Ngọc Châu có thầy đờn guitar phím lõm khá hay với nghệ danh Anh Tuấn (thành viên của Đội văn nghệ huyện Chợ Lách thời điểm đó; anh trai của NS Dương Thanh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hiện thời). Bữa nọ, đội văn nghệ về phục vụ người dân quê nhà, Anh Tuấn giới thiệu Trần Ngọc Châu lên hát giao lưu bài ca vọng cổ.

Nhờ chất giọng khỏe khoắn, làn hơi đầy đặn, Trần Ngọc Châu được tuyển vào đội văn nghệ của huyện Chợ Lách. Năm 19 tuổi, Đoàn Cải lương Phước Châu về hát gần nhà, Trần Ngọc Châu đến chơi rồi theo đoàn hát để trốn quân dịch, ông phải dùng giấy căn cước của em trai mình tên là Hoa và lấy nghệ danh là Hồng Hoa.

Năm 1972, Hồng Hoa gia nhập Đoàn Cải lương Hoa Mùa Xuân. Thời điểm đó, NS Hữu Lợi (khác với NS Hữu Lợi sân khấu cải lương Hồ Quảng) đang là kép chánh của đoàn. Thấy Hồng Hoa có chất giọng khá, gương mặt sáng sủa, tính tình hiền hậu nên kết nghĩa anh em và đổi nghệ danh cho ông thành Giang Châu.

Suốt mấy mươi năm đứng trên sàn diễn, NSƯT Giang Châu trải qua nhiều đoàn hát, hóa thân nhiều dạng vai diễn khác nhau (từ kép mùi, kép lẳng cho đến kép lão, kép độc) với đầy đủ các thể loại tuồng như hương xa, kiếm hiệp, tâm lý xã hội,...

Thế nhưng, dấu ấn mang đậm nét của Giang Châu chính là vai Trần Hùng trong vở Tìm lại cuộc đời (kịch bản của bộ ba soạn giả: Hoàng Khâm, Điêu Huyền và Huy Lam), một vai diễn tạo nấc thang thành công đầu tiên của ông trên sân khấu cải lương sau ngày giải phóng. Trần Hùng trở thành vai diễn để đời, ở đó, khả năng ca diễn của NSƯT Giang Châu được kết hợp nhuần nhuyễn, chuẩn mực.

Nhờ phong cách ca ngâm - diễn xuất tài tình của Giang Châu, công chúng không còn nhận ra đó là vai diễn trên sân khấu, mà họ tưởng chừng như là nhân vật hiện hữu trong cuộc đời. Mấy năm gần đây, xem lại một số NS trẻ thủ diễn vai Trần Hùng mới thấy những sáng tạo của Giang Châu thật độc đáo. Càng xem, khán giả càng liên tưởng tới ông. Từ cách say là đà, lăn lóc trên vỉa hè lảm nhảm vài câu thoại: Rớt Tú tài anh đi trung sĩ... Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Bao giờ yên chuyện nước non, anh về anh có Mỹ con anh bồng... Rồi lại thê thảm với những lời ca khi vô điệu Xàng xê: Hỡi ơi.... mái lá hóa tro than, xóm nhỏ ngoại ô tan hoang vì lửa đạn. Vợ con đâu nữa, về phương trời nào, sống chết biết ra sao cho nên tao mới lê tấm thân... què… Hay như câu vô vọng cổ: Hương ơi! Anh nào có muốn giết em đâu, máu em đổ là tại em đi với bầy lang sói. Thì em thử hỏi làm sao anh có thể tách rời những mảnh thép từ một trái nổ vô tri để nó tự chọn mục tiêu mà xuyên thủng những trái tim bạo ác tham tàn… Ông ca một hơi dài, chậm rãi, nhấn nhá rõ từng chữ một, như nuốt từng giọt đắng vào lòng, cách ca diễn của ông xoáy động lòng người. Vai diễn Trần Hùng đã giúp Giang Châu bước lên hàng “ngôi sao” cùng với các NS: Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Viễn Sơn,...

Ngoài ra, Giang Châu còn thành công rực rỡ qua vai Thừa trong vở Tiếng hò sông Hậu (của soạn giả Điêu Huyền) và vai Trùm Sò trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến (của cố soạn giả - NS nhân dân Nguyễn Thành Châu, tức Năm Châu). Có rất nhiều NS thể hiện thành công vai Trùm Sò trên các loại hình sân khấu khác như chèo, tuồng, kịch nói, cải lương,... nhưng duy nhất chỉ có Giang Châu là khán giả ấn tượng và nhớ nhiều nhất. Nhớ tiếng nói eo éo như tru tréo, nhớ tiếng khóc kéo dài như tiếng đờn cò và nhớ câu ca vọng cổ được NSƯT Giang Châu vô đầy tính tượng hình, vừa nghe xong, khán giả có thể hình dung trái dưa gang chín rục bị đổ ruột ngay trước mắt... Nhắc đến vai Trùm Sò, giới nghề và công chúng thừa nhận đó là vai diễn ghi dấu ấn sâu đậm của NSƯT Giang Châu trên sân khấu cải lương.

Không những thành công trong những vai tuồng cải lương, NSƯT Giang Châu còn được người ái mộ yêu mến khi thể hiện thành công nhiều bài ca vọng cổ đi vào lòng người. Nhất là những bản tân cổ giao duyên được ông thu âm chung với NSƯT Thanh Kim Huệ do Hãng đĩa Việt Nam phát hành thập niên 1960. Đến nay, những bài ca do Giang Châu thể hiện như Xe chỉ luồn kim, Vợ chồng quê, Hát hội trăng rằm, Tiếng gà quê tôi,... vẫn được người ái mộ ưa thích.

Mấy mươi năm gắn bó ánh đèn sân khấu, thành quả nghệ thuật mà Giang Châu đạt được ngoài sự yêu mến của công chúng, còn là những giải thưởng giá trị: Huy chương Vàng Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 trong vở Tình ca đêm chơi vơi của soạn giả Ngô Hồng Khanh (Đoàn Cải lương Sông Hậu); Huy chương Bạc Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 qua vở Không là cát bụi của tác giả Hoàng Song Việt (Đoàn Văn công Thành Phố). Đặc biệt là danh hiệu NSƯT vào năm 2007. Đây là thành quả của cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Giang Châu.

Sau thời gian dài mắc chứng bệnh thoái hóa não, NSƯT Giang Châu đã trút hơi thở cuối cùng sáng ngày 08/5/2019 vừa qua, để lại nhiều tiếc nuối cho gia đình, đồng nghiệp và người ái mộ. Tuy ông mất đi nhưng ắt hẳn mọi người vẫn nhớ đến ông. Nhớ giọng ca cao vút với kỹ thuật luyến láy, ngân nga điêu luyện. Đặc biệt, nhớ những vai diễn ấn tượng đã giúp tên tuổi NSƯT Giang Châu “ngự trị” trong trái tim công chúng yêu nghệ thuật cải lương./.

Phạm Thái Bình

Chia sẻ bài viết