Tiếng Việt | English

19/02/2019 - 08:45

Nhớ những lá đơn được viết bằng máu

Ngày 17/02/1979, hơn 60 vạn quân xâm lược tràn qua các tỉnh biên giới phía Bắc, gây bao đau thương, mất mát cho nhân dân Việt Nam. Những ngày ấy, ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An có những học sinh (HS) viết đơn bằng máu để xin đi biên giới phía Bắc cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Trường THPT Cần Đước ngày nay

Trường THPT Cần Đước ngày nay

Ông Võ Văn Chưởng - một trong các HS nói trên (hiện làm nghề nhiếp ảnh ở huyện Tân Trụ), nhớ lại, lúc đó ông đang học lớp 12 Trường cấp 3 Cần Đước (nay là Trường THPT Cần Đước) và là 1 trong 15 đoàn viên của trường. Cuộc chiến biên giới nổ ra, Tổ quốc lâm nguy, những đoàn viên, HS tối nào cũng tập trung theo dõi tình hình chiến sự từ chiếc tivi tập thể trong trường. Những ngày ấy, trên tivi (trước chương trình thời sự buổi tối) và trên Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên phát đi bài hát mới sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đó có những câu: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới... Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương. Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng - Bạch Đằng - Đống Đa... Mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường... Và một bài hát có từ thời chống Mỹ, cứu nước: Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi nước ta đi... Lời Tổ quốc đã vang lên sông núi, thôi thúc ta đi như mùa xuân vẫy gọi...

Còn ông Nguyễn Văn Leo, lúc đó là HS lớp 12 (hiện nay là Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cần Đước), cho biết, lúc ấy, hầu như tuần nào Đoàn trường cũng họp, ngoài các nội dung hoạt động Đoàn, còn lại là thông tin về tình hình chiến sự ở biên giới phía Bắc. Thầy Trần Bân - Bí thư Đoàn trường lúc ấy - là giáo viên dạy môn Văn, có khả năng hùng biện và giọng hát rất hay. Những phân tích, đánh giá về cuộc chiến cùng qua giọng hát hùng hồn của thầy càng thôi thúc những đoàn viên nhà trường phải làm một cái gì đó thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc. Rồi lệnh của Chủ tịch nước về việc tổng động viên trong cả nước để bảo vệ đất nước. Ông Leo nhớ lại, tối hôm ấy, Phó Bí thư Đoàn trường là ông Chung Văn Năm bàn với ông và ông Chưởng, nội dung đại ý các đoàn viên nhà trường phải có hành động cụ thể để hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ Tổ quốc. Sau khi bàn bạc, các ông quyết định viết đơn tình nguyện đi biên giới phía Bắc cầm súng bảo vệ Tổ quốc mà là viết bằng máu từ chính ngón tay của mình.

Những lá đơn viết bằng máu ngày hôm sau được gửi đến Huyện đội Cần Đước. Các ông được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng để khi Tổ quốc yêu cầu thì lên đường theo nguyện vọng. Phong trào viết đơn xin đi biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc sau đó được nhân rộng ra cả trường cấp 3 và thanh niên huyện Cần Đước. Ông Chưởng nhớ lại, khi các ông đang rạo rực, mong chờ được lên đường bảo vệ biên giới thì quân xâm lược sau khi bị đánh thiệt hại nặng, đã tuyên bố rút khỏi nước ta. Ông Chưởng sau khi tốt nghiệp THPT vào công tác tại Huyện đoàn Cần Đước, rồi đi hợp tác lao động ở Tiệp Khắc. Còn ông Leo giữ nguyên “mộng chiến trường”, xin tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Sau 4 năm “quần nhau” với lính PolPot, ông trở về với cặp mắt bị mờ vì sức ép của đạn bom, tiếp tục công tác ở Huyện đoàn Cần Đước, rồi sang Phòng Tài nguyên - Môi trường,...

Nhớ về những kỷ niệm cách đây tròn 40 năm, ông Chưởng, ông Leo vẫn thấy rạo rực tinh thần sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc khi ấy. “Tổ quốc bao giờ cũng thiêng liêng! Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng có sức thu hút đặc biệt, nhất là những người trẻ tuổi. Ngày ấy, mong muốn lên đường bảo vệ Tổ quốc luôn là khát khao của lớp HS, đoàn viên, thanh niên chúng tôi” - ông Leo nói./.

N.P.Đấu

Chia sẻ bài viết