Tiếng Việt | English

10/01/2018 - 23:05

Nhớ Tây Nguyên

Em gọi điện hỏi tôi, sao lâu lắm chưa về chơi Ban Mê, thăm lại xứ cà phê nở hoa trắng trời, hương thơm ngát đất. Tôi vẫn nhớ Ban Mê Thuột xưa “xứ bụi mù trời” và Buôn Ma Thuột nay là thủ phủ của Tây Nguyên ngàn lần xinh đẹp!

Tôi vẫn nhớ một sớm mai năm ấy, em đưa tôi về Buôn Đôn trong sương khói mơ màng. Những tảng mây nối nhau bơi trên sóng lá cà phê qua các buôn làng. Em nắm tay tôi đi qua chiếc cầu treo đu đưa trên âm vang nước đổ nguồn với giai điệu hùng tráng của thiên nhiên. Tôi ngồi với em bên gốc cổ thụ với bộ rễ phụ kỳ quái tua tủa đâu từ lưng trời cắm xuống lòng sông. Con sông ẩn mình dưới những tảng lá dày phủ kín đôi bờ. Em hỏi tôi biết sông gì đây không? Rồi bảo sông Sêrêpôk; nó chảy từ núi rừng Krông Nô qua cơ man đồi núi, cao nguyên và thác ghềnh hiểm trở để về với Buôn Đôn quê em. Rồi sau cuộc hành trình dài dằng dặc ấy, sông không chảy về lòng mẹ biển Đông như bao nhiêu sông khác mà chảy ngược lên hướng xuất phát của nó, nên có tên là “sông chảy ngược”! Nó chảy ngược về sông Mekong, tạo thành một ngã ba. Và từ ngã ba sông này, người Khmer và người Lào thường đi thuyền độc mộc vào sông Sêrêpôk để đến Buôn Đôn mua bán với người bản địa. Sông Sêrêpôk gồm sông Vợ và sông Chồng. Sông Vợ là Krông Ana.

Tác giả (bên phải) và già làng Amakông (lúc này 98 tuổi), cựu vua săn voi ở Bản Đôn

Tác giả (bên phải) và già làng Amakông (lúc này 98 tuổi), cựu vua săn voi ở Bản Đôn

Sông Chồng là Krông Knô. Rồi em kể, hơn 200 năm trước, có một người Lào tên Khunzunop là khách thương hồ dong thuyền từ đất Lào xuôi dòng Mekong đến ngã ba sông rẽ vào dòng Sêrêpôk đến Buôn Đôn, để trao đổi hàng hóa với các tộc người ở đây. Về sau, Khunzunop phải lòng một cô gái M’Nông và lấy làm vợ. Mến đức, mến tài người khách thương hồ Lào, nữ chúa đất Ja Wăm đang cai quản một cõi núi rừng Đăk Lăk mênh mông cắt một phần đất cho Khunzunop dựng buôn. Qua Khunzanop, người Lào lần hồi đến với Buôn Đôn. Rồi người Xiêm, người Hoa,... nghe tiếng đất lành cũng tìm đến sinh cơ lập nghiệp, góp phần làm nên diện mạo Buôn Đôn bây giờ. Em kể tiếp, về sau Khunzunop vì mê nghề săn voi của người M’Nông ở Buôn Đôn mà bỏ nghề thương hồ. Can đảm và khôn khéo, chẳng bao lâu, Khunzunop trở thành vua săn voi nổi tiếng khắp Buôn Đôn. Có lúc, ông sở hữu trăm voi. Ông còn biếu vua Bảo Đại một cặp voi trắng quý giá và tặng ngà voi cho vua Miên Sihanouk nữa, nên tiếng tăm Khunzunop nổi khắp miền. Kể xong câu chuyện dông dài, em kéo tay tôi đi qua bãi cột voi ở kế bờ sông Sêrêpôk với những chú voi buồn bã, nhọc nhằn sau buổi phục vụ khách du lịch trở về.

Tôi quyết định đi thăm vua săn voi Amakông. Đến nơi, may sao cũng vừa lúc ông lão đang ngất ngưởng trên lưng voi về đến nhà. Ngôi nhà sàn đơn sơ. Amakông bước lên nhà, lặng lẽ đi lấy cái tù và bằng sừng trâu. Bất chợt, ông thổi một hơi điệu tù và săn voi. Rồi cất tiếng Kinh lơ lớ, khàn khàn, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời săn bắt voi của ông có lúc làm chủ hàng trăm con voi rừng đã thuần hóa thành voi nhà, cho thấy ông “vang bóng một thời” vàng son. Nhưng rồi thời ấy thành xa vắng và bây giờ, nghề săn bắt voi rừng bị Nhà nước cấm, vì loài vật to lớn này thuộc loại động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Theo Amakông, chỉ voi đực là có cặp ngà dài, đầu ngà nhọn như song kiếm cong vút, càng làm tăng vẻ dũng mãnh cho các chàng voi ta. Trong khi voi cái thì không có ngà, dáng tròn phúng phính. Voi rừng hung dữ, vòi luôn cong lên đầy vẻ dọa nạt, kiêu hãnh. Voi nhà vì thuần hóa nên có vẻ hiền lành, vòi thường buông thõng xuống đất. “Chỉ lấy voi con chớ không lấy voi già đâu” - Amakông nói. Vào rừng săn, có khi cả tháng mới gặp voi đàn. Voi đàn có già lẫn non, tức chưa trưởng thành. Voi trưởng thành thì dữ, khó săn bắt lắm! Amakông nói, khi phát hiện có đàn voi, phải tìm cách xua đuổi, chỉ giữ lại một voi con thôi. Rồi khống chế, dồn voi con vào đường cùng để bắt. Bắt rồi đưa nó về, không dễ đâu! Về, phải xích nó lại bằng dây lòi tói sắt to vào gốc cây cổ thụ để nó không sẩy mất. Phải dùng các đòn huấn luyện làm cho nó khiếp sợ trước sức mạnh của con người. Sau đó mới áp dụng các đòn thuần dưỡng nó đúng với bài bản cổ truyền. Voi thuần dưỡng rồi thì như bạn quý, được nuôi tử tế; ai có đổi 50-60 con trâu, con bò cũng không đổi đâu!

Năm đó, Amakông gần tuổi trăm mà đi đứng còn vững. Tôi gặp cô vợ thứ 6 của ông, năm đó 33 tuổi, vừa có với Amakông một đứa con gái mới lên 3. Hỏi bí quyết, hai ông bà chỉ tay vào mấy bình rượu thuốc đã pha chế. Bằng giọng Kinh lơ lớ, cô vợ thứ 6 của cụ đại lão núi rừng Amakông nói “uống rượu đó, làm chồng khỏe lắm!” (cựu vua săn voi Amakông đại thọ 104 tuổi).

Ngày hôm sau, em đưa tôi đi thăm thú một số danh lam thắng cảnh Đăk Lăk. Này thác Dray Sáp mờ trong hơi sương lạnh trải dài trên phiến đá cao to, hùng vĩ, nước đổ ầm ào một giai điệu đại ngàn. Này hồ Lăk mà tôi hơn một lần đến và ngắm bình minh mờ ảo trên mặt hồ nở đầy sen trắng, sen hồng lấp lánh. Kỳ lạ, nằm trong thung sâu giữa đại ngàn núi non vây bọc mà có một hồ nước lớn đến thế! Nắng mai nhuộm vàng từng con sóng nhỏ trên mặt hồ mà ai đó khuấy mái chèo thuyền độc mộc, loại thuyền chỉ bằng một thân cây to, thẳng, đẽo rỗng ruột mà thành, càng thêm sóng sánh ánh vàng. Mặt hồ phẳng lặng, dáng thuyền độc mộc mà người M’Nông gọi là Plung, in một vệt đen, trông bé nhỏ, mỏng manh làm sao!

Và em đưa tôi đến dự một cuộc tiệc thôi nôi của người Ê Đê ở một buôn nhỏ mới thành lập trong rừng cà phê. Đến trễ, không chứng kiến được nghi thức, lễ lạc thế nào. Chỉ thấy trên mâm tiệc đơn giản món cơm lam và thịt rừng luộc, có 2 chóe rượu cần. Một nhóm trẻ đang chơi nhạc Tây. Thấy tôi có vẻ khép nép, chưa mạnh dạn ngậm cần hút rượu, một chàng trai Ê Đê liền rót rượu ra đầy một bát to để mời. Thứ rượu này càng uống càng đằm. Với người Ê Đê thì cạn rượu rồi cất tiếng ca, hoặc nâng đàn guitar đàn cho các bạn khác múa hát các điệu nhạc truyền thống Tây Nguyên,... thật say mê. Tuyệt nhiên không thấy ai say rượu la lối hay có hành vi lố bịch nào. Thế mới là văn hóa uống rượu chứ!

Thôi thì xin hẹn em một chuyến về thăm lại xứ Ban Mê với không gian Tây Nguyên xanh bát ngát và hương cà phê gây mùi nhớ đến bao giờ.../.

Tản bút của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết