Tiếng Việt | English

01/04/2020 - 11:00

Nhớ về nguồn cội, nghĩ đến trách nhiệm

Đã thành truyền thống, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), người dân đất Việt lại hướng về cội nguồn với niềm tự hào là “Con Lạc, cháu Hồng”, từ đó càng ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Nguyễn Thế Minh (bìa trái) thăm Đền Hùng
Ông Nguyễn Thế Minh (bìa trái) thăm Đền Hùng

Vào Nam lập nghiệp mấy chục năm nhưng ông Nguyễn Thế Minh (quê TP.Hà Nội), ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An, vẫn luôn hy vọng được một lần đến thăm Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, trước tìm hiểu về cội nguồn, những mốc son lịch sử của cha ông ta, sau là ghi nhớ công ơn các vị vua Hùng. Vậy là Tết Canh Tý 2020, gia đình ông quyết định tổ chức tour du lịch về thăm Đền Hùng. 

Ông Minh cho biết: “Về đất Tổ, bước chân lên núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững, một khung cảnh tuyệt đẹp giữa trời mây non nước và Đền Hùng với khói hương lan tỏa khắp không gian, các thành viên trong gia đình tôi cảm thấy lắng lòng mình trước anh linh các vua Hùng - những vị vua đã có công “khai thiên, phá thạch”, tạo dựng giang sơn gấm vóc đời đời bền vững. Tưởng nhớ, tri ân các vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân vì dân giữ nước, tôi luôn giáo dục các con cố gắng rèn luyện, phấn đấu để trở thành người có ích cho quê hương, dân tộc”.

Kết thúc chuyến thăm Đền Hùng hơn 2 tháng, thế nhưng đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, các thành viên trong gia đình ông Minh hy vọng có dịp trở lại Đền Hùng một lần nữa. Con trai ông Minh nói: “Đối với tôi, giây phút đặt chân lên đất Tổ thiêng liêng lắm, chắc chắn sẽ không bao giờ quên. Gia đình tôi sẽ trở lại thăm Đền Hùng và ở đó với thời gian lâu hơn để có dịp khám phá hết vùng đất linh thiêng này”. 

Ở Long An, có nhiều người chưa có dịp đến thăm Đền Hùng nhưng tấm lòng hướng về đất Tổ vẫn vẹn nguyên. Càng nhớ về nguồn cội, thế hệ hôm nay càng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, từ đó nỗ lực học tập, công tác, lao động, sản xuất xây dựng quê hương, non sông gấm vóc ngày càng giàu đẹp hơn.

Chị Lương Thị Mai Trinh (bìa trái) cùng đoàn viên thanh niên may khẩu trang vải tặng người dân, góp phần phòng, chống Covid-19

Chị Lương Thị Mai Trinh (bìa trái) cùng đoàn viên thanh niên may khẩu trang vải tặng người dân, góp phần phòng, chống Covid-19

Bí thư Đoàn xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh - Lương Thị Mai Trinh cho biết: “Bác Hồ từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Làm theo lời Bác dạy, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã luôn phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm trên mọi mặt trận. Riêng, trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Đoàn Thanh niên xã ra quân phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, may trên 1.000 khẩu trang vải tặng người dân,... Trong cuộc sống, chúng ta không cần mỗi ngày phải nói mình là con Rồng, cháu Tiên mà chỉ cần đoàn kết, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau để vượt qua mọi khó khăn, thử thách chính là minh chứng cho những người cùng cội nguồn với nhau”.

Nếu như những năm trước, gia đình bà Trần Thị Bé, ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức tiệc thì nay, để chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gia đình bà chỉ làm một mâm cơm cúng các Vua Hùng. Bà Bé nói: “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ, các thành viên gia đình về đông đủ nên tôi làm cơm trước là cúng vua Hùng, sau là đãi con cháu. Năm nay, tôi chỉ làm đơn giản, chủ yếu tấm lòng thành kính hướng về những người có công dựng nước”.

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Câu ca dao ấy vẫn sống trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Và hôm nay, câu ca dao một lần nữa nhắc nhở các thế hệ phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước chiến thắng đại dịch Covid-19 để xứng đáng là “con Lạc, cháu Hồng”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết