Tiếng Việt | English

26/07/2016 - 10:46

Nhớ về thành cổ Quảng Trị

Chúng tôi-Những cán bộ ở miền Nam có dịp đi công tác ra miền Bắc. Dịp này, đoàn ghé thăm Thành cổ Quảng Trị nằm cách Quốc lộ 1 khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam. Vùng đất Quảng Trị năm 1972 được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi xảy ra những cuộc đụng đầu “nảy lửa” giữa ta và địch.

Chúng tôi được các hướng dẫn viên của Thành cổ Quảng Trị nói về 81 ngày đêm rung chuyển ở nơi đây, sau khi Quảng Trị bị quân giải phóng chiếm đóng. Sau đó, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích hòng tái chiếm Quảng Trị, mà mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa thành cổ.

Mỹ-ngụy bắt đầu mở cuộc càn vào ngày 28-6-1972, lấy tên là “Lam Sơn 72”. Bọn chúng tuyên bố: “Đồng minh sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân và pháo binh để nghiền nát Cổ thành Quảng Trị”. Từ ngày 27-6 đến 16-9-1972, Mỹ-ngụy huy động mỗi ngày hơn 300 máy bay, trong đó có hơn 100 pháo đài bay B52 và 20 tuần dương hạm để dội xuống thành cổ 328.000 tấn bom đạn với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945.

Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ là đánh chiếm một tòa nhà cổ có chu vi hơn 2.160m mà huy động một lực lượng hải quân, lục quân, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị mở đầu trang sử mới hào hùng của mình bằng một cuộc chiến đấu anh dũng qua 81 ngày đêm rung chuyển cả nước và toàn cầu.

Vậy mà các chiến sĩ giải phóng quân đã bám trụ, chiến đấu hàng tháng trời để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của thành cổ vừa được giải phóng. Trong 1 ngày, các chiến sĩ phải đánh địch phản kích từ 5 đến 7 lần, có khi hơn 10 lần. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại. Một con số ước tính rằng, trong 81 ngày đêm ấy, mỗi ngày có 1 đại đội bơi qua sông Thạch Hãn và mỗi ngày có 1 đại đội không quay về nữa. Lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên! Nhưng trước khi ngã xuống đất này, các anh kịp để lại cho non sông một vòng hoa chiến thắng được kết bằng lửa, máu.

Mỗi tấc đất ở đây, ngoài vùi xác quân địch, còn có hàng trăm, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc nằm xuống và đau thương nhất là không ít người con vĩnh viễn nằm lại đất này, chưa tìm được hài cốt! Mỗi nắm đất thành cổ là từng ấy câu chuyện khiến người đời xúc động! Họ là những người chỉ huy, là những chiến binh dũng cảm, là cô du kích giao liên, là mẹ lái đò đưa bộ đội qua sông, là những phóng viên cảm tử và đồng bào của Quảng Trị và cả nước. Có ai biết rằng, dưới lớp cỏ non thành cổ là nơi bao chiến sĩ đã ngã xuống. Trong đó có dòng sông Thạch Hãn, nơi chuyển quân từ miền Bắc qua tiếp viện cho chiến trường, cũng bị bom đạn kẻ thù dội xuống và cũng có nhiều chiến sĩ nằm yên ở đáy sông này:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm...”.

(thơ Lê Bá Dương)

Cuối cùng, qua 81 ngày đêm, chúng ta đã giữ vững được Thành cổ Quảng Trị, bẻ gãy cuộc càn “Lam Sơn 72”, làm rung động cả hệ thống phòng ngự của Mỹ-ngụy ở miền Nam, là phát pháo tín hiệu mở đường cho những chiến thắng vang dội của quân và dân ta, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, nhớ về Thành cổ Quảng Trị, nói sao hết sự đau thương, mất mát ở nơi đây, nơi yên nghỉ đời đời của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền của đất nước và tạo thành khúc tráng ca của chiến binh thành cổ thật hùng vĩ!

Võ Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết