Tiếng Việt | English

07/12/2016 - 10:34

Nhọc nhằn nẻo mưu sinh

Có những nỗi đau quá lớn, tưởng chừng sẽ đánh gục ý chí, ước mơ, hoài bão của nhiều số phận. Nhưng với nghị lực cao, nhiều người khuyết tật cố gắng vươn lên, chiến thắng nỗi đau tật nguyền, sống có ích cho gia đình và xã hội.


Anh Nguyễn Hoàng Nhật trên chiếc xe lăn bán từng tờ vé số mỗi ngày

1. Mỗi ngày 2 bận đi về, anh Nguyễn Hoàng Nhật, 45 tuổi vẫn đều đặn ngồi trên chiếc xe lăn qua những con đường quen thuộc ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để bán từng tờ vé số cho khách quen. Khách quen của anh là các bà nội trợ, tiểu thương hoặc những bác hưu trí như ông Nguyễn Văn Mặn “vì thương hoàn cảnh tật nguyền nên giúp đỡ bằng cách mua đôi tờ vé số”.

Những vị khách ấy có khi là một người đi đường xa lạ cũng chạnh lòng trước hình ảnh người đàn ông ngồi trên xe lăn nên mua vé số ủng hộ. Cũng có lúc, khách là bạn bè thời phổ thông có công việc ổn định, đi làm xa, về thăm nhà và không nén được xúc động khi gặp lại người bạn lành lặn năm xưa, bây giờ ngồi trên xe lăn bán vé số. “Lúc đó, bạn tôi mua hết vé số để tôi về nhà nghỉ ngơi sớm” - anh Nhật kể. Đó là những tấm lòng, những chiếc cầu nối trong xã hội để anh Nhật có cơ hội làm người có ích dù bị tật nguyền.

Hiện tại, anh Nhật bán gần 150 tờ vé số mỗi ngày và kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày. “Số tiền kiếm được tuy chẳng nhiều nhưng tôi vui khi phụ được vợ tiền chợ mỗi ngày. Ngược lại, nếu cứ ở nhà, để vợ lo toan tất cả, tôi sẽ buồn và chán nản lắm!” - anh tâm sự.

Trước kia, khi chưa bị liệt hai chân như bây giờ, anh Nhật là thợ làm đồng ở TP.HCM. Vụ tai nạn taxi kinh hoàng của 18 năm trước trên đường đi làm về khiến anh gãy xương đùi, đốt sống cổ và di chứng để lại là những ngày mãi mãi ngồi trên xe lăn. “Ngày đó, khi nhìn kết quả giám định thương tật 81%, tôi như chết lặng. Cưới vợ được 2 năm, con nhỏ mới tròn 1 tuổi, chưa giúp được gì cho vợ, con thì tôi phải nằm một chỗ. Mỗi ngày, nhìn vợ tảo tần vừa lo cho chồng, chăm con lại bươn chải kiếm tiền chi tiêu trong nhà, tôi buồn vô cùng” - anh Nhật nói tiếp.

Không thể để vợ, con khổ cực vì mình, sau 1 năm điều trị, khi đôi tay cử động được nhưng vẫn còn yếu, anh rời chiếc giường, nhận mành trúc về xỏ từ sớm đến tối. Nhưng đôi tay yếu ớt cũng không đủ sức làm công việc nhẹ nhàng này. Anh chuyển nghề lựa đậu xanh mướn nhưng vẫn không đủ sức khỏe để làm nên đành bỏ nghề! Anh Nhật nói rằng: “Thấy tôi đáng thương nên người hàng xóm cho mượn chiếc xe lăn, đi bán vé số. Mấy năm nay, tôi dành dụm tiền mua một chiếc xe lăn mới, gửi lại chiếc xe lăn cũ cho người hàng xóm tốt bụng”.

Bây giờ, ngày ngày, trên chiếc xe lăn ấy, anh Nhật di chuyển 4km từ nhà ở ấp Gò Cao đến trung tâm thị trấn Hậu Nghĩa bán vé số. Sau 18 năm gắn bó với xe lăn, với nghề bán vé số, anh Nhật quen thuộc việc mưu sinh bằng phương tiện đặc biệt này. Không còn nhọc nhằn như lúc đầu, những vòng quay của bánh xe lăn nhẹ nhàng hơn như cuộc sống của anh bây giờ. Một cuộc sống của người khuyết tật có ích tuy không khấm khá nhưng ổn định khi tiền lương làm công nhân của vợ đủ nuôi con gái đang học Cao đẳng Công Thương ở Sài Gòn. Còn tiền anh bán vé số dùng để lo cơm nước mỗi ngày. Và, khi có một khách hàng trúng số, tìm cho ít tiền thì anh lại dùng số tiền này mua chiếc giường, cái tủ,... để nhà cửa thêm tiện nghi.


Dù đi lại bằng đôi nạng nhưng anh Nguyễn Thanh Phong vẫn cố gắng đi học, đi làm để sống có ích

Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Hòa, toàn huyện hiện có 3.517 người khuyết tật, trong đó có 921 người khuyết tật đặc biệt nặng và 2.596 người khuyết tật nặng. Những người này đều hưởng trợ cấp hàng tháng từ 405.000-675.000 đồng. Như trường hợp anh Nguyễn Hoàng Nhật và anh Nguyễn Thanh Phong, hàng tháng nhận tiền hỗ trợ trên 500.000 đồng.

Ngoài ra, có 913 hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được nhận trợ cấp 270.000 đồng/hộ/tháng. Vào những dịp lễ, tết, địa phương vận động quà hỗ trợ những đối tượng này.

2. Cùng nỗi đau tật nguyền vì tai nạn giao thông như anh Nhật, anh Nguyễn Thanh Phong, 37 tuổi, ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa suốt đời làm bạn với đôi nạng. “Năm 2002, khi vừa học xong Trung cấp Giao thông Vận tải 3, ngành Cơ khí động lực thì tôi bị tai nạn giao thông. Lần tai nạn này làm tôi bị thương ở chân và cột sống nên dẫn đến bị liệt, không đi lại được” - anh Phong kể.

Nỗi đau thể xác nặng nề, nỗi đau tinh thần cũng chẳng kém. Học xong trung cấp, khi học tiếp lên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa tròn nửa tháng, anh phải chấm dứt việc học vì tai nạn. Bao ước mơ, hoài bão thời trai trẻ khép lại kể từ đó. Anh Phong tâm sự: “Lúc đó, tôi buồn khủng khiếp và hụt hẫng vô cùng. Nhưng, nhìn mẹ và các em lo lắng nên tôi quyết tâm đi học lại. Khi sức khỏe khá hơn, tôi học nghề sửa chữa máy tính ở Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa. Học để không là gánh nặng cho mẹ, để có cái nghề mai này lo cho bản thân chứ mẹ không thể theo tôi, lo cho tôi cả đời”.

Lấy hết tinh thần và nghị lực, anh lại đến trường bằng tình thương của mẹ, sự giúp đỡ của bè bạn trong lớp. Khi tốt nghiệp, đi làm, mẹ vẫn theo anh đưa đến nơi, rước về đến nhà. Còn bây giờ, anh tự đi lại bằng chiếc xe máy 3 bánh. “Chiếc xe này, tôi mua từ số tiền dành dụm sau những ngày làm kỹ thuật viên sửa máy tính cho cửa hàng Thuận Tiến ở thị trấn Hậu Nghĩa. Hiện tại, hàng tháng, tôi nhận 5 triệu đồng tiền lương. Tôi mang về phụ mẹ một ít tiền chi tiêu trong nhà nhưng mẹ không nhận mà chỉ giữ, tích lũy giùm tôi. Từ ngày đi làm, mẹ mừng và an tâm khi thấy tôi tự lo được cho bản thân” - anh Phong bộc bạch.

Không những giàu tinh thần, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh Phong làm việc hăng say như con ong cần mẫn. Hàng ngày, anh đến nơi làm rất sớm, đến gần 13 giờ mới về nhà. Ăn vội chén cơm mẹ nấu, ngả lưng vài phút, anh lại chạy xe đi làm ca chiều đến tối mịt mới về. Về trễ là vì anh lo sửa cho xong những chiếc máy tính còn dang dở. Nhìn anh cặm cụi bên chiếc máy tính với gương mặt không còn vẻ buồn rầu khi xưa, ánh mắt cũng đầy niềm tin, tôi tin rằng, anh đã “chạm” đến cuộc sống tươi sáng!

Anh Nhật, anh Phong là những người tàn nhưng không phế, là gương sáng giàu nghị lực trong cuộc sống hôm nay!

Thuỳ Hương

Chia sẻ bài viết