Tiếng Việt | English

10/11/2018 - 20:21

Nhọc nhằn nghề bốc vác

Họ, những người đàn ông phải gồng mình lên để khuân vác những bao gạo, lúa, thức ăn chăn nuôi,... có khi còn nặng hơn trọng lượng cơ thể mình chỉ vì cuộc mưu sinh.

Gắn bó với nghề

Những người làm nghề này thường có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh khó khăn. Họ chỉ mong bỏ chút sức lực, mồ hôi ra để đổi lấy chén cơm, manh áo cho bản thân và gia đình. Nghề bốc vác là nghề nặng nhọc, đòi hỏi sự chịu đựng dẻo dai bằng sức lực cơ bắp. Tại các nhà máy xay xát lúa gạo, những người bốc vác thường phải làm việc trong môi trường độc hại, khói, bụi nhưng lại thiếu các biện pháp bảo hộ. Dù rất vất vả nhưng có nhiều người vẫn gắn bó với nghề để kiếm sống. Anh Lê Nhưng Long, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này đã 8 năm. Vợ tôi làm công nhân, thường xuyên tăng ca nên tôi phải đưa, rước 2 đứa con đi học hàng ngày. Tuy công việc này nặng nhọc, vất vả nhưng thời gian mình chủ động sắp xếp được”.

Còn anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi làm bốc vác ở các nhà máy xay xát được hơn chục năm. Trung bình mỗi ngày, ở đây có hơn 10 người bốc vác, tuy làm việc cực nhọc nhưng rất yêu thương nhau”.

Nghề bốc vác nặng nhọc và chịu nhiều thiệt thòi

Nghề bốc vác nặng nhọc và chịu nhiều thiệt thòi

Tuy nhiên, công việc nặng nhọc này cũng không ổn định. Anh Trần Văn Trường, ngụ ấp 3, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Công việc bốc vác ở các nhà máy thường không ổn định, có ngày làm nhiều, ngày làm ít, phụ thuộc vào số lượng hàng hóa do nhà máy làm ra. Có những lúc nhà máy hoạt động liên tục, hàng nhiều, phải làm từ sáng đến đêm khuya. Mỗi tấn lúa, gạo, chúng tôi được trả công từ 30.000-50.000 đồng. Mỗi ngày “còng lưng” làm việc, một người chỉ kiếm được hơn 200.000 đồng”.

Hầu như tại các công ty, xí nghiệp nào cũng luôn có đội ngũ công nhân bốc vác để bốc dỡ hàng hóa từ phương tiện vận chuyển vào kho hoặc ngược lại. Tiền công cho người lao động bốc vác thường được tính theo khối lượng sản phẩm. Trong thời buổi kinh tế thị trường, các công ty, xí nghiệp ra đời càng nhiều thì số công nhân bốc vác càng tăng và càng trẻ hóa. Số đông lao động bốc vác thường ở độ tuổi 20, 30. Người lao động nào cũng phải làm việc, nhưng điều đáng nói là những người làm nghề bốc vác thường làm việc vất vả, nặng nhọc hơn các dạng lao động khác nhưng thực tế họ lại thiệt thòi hơn rất nhiều, nhất là khi có sự cố xảy ra.

Nặng nhọc và thiệt thòi

Những người làm nghề bốc vác không có thời gian làm việc cụ thể, bởi công việc phụ thuộc vào yêu cầu của chủ hay các doanh nghiệp, bất kể ngày, đêm. Những khi có hàng hóa nhiều, phải làm cả ban đêm, có khi đến tận sáng hôm sau là chuyện bình thường.

Anh Trần Văn Thanh, đang làm việc cho một nhà máy xay lúa ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cho biết: “Những người làm nghề này phải lao động nặng nhọc trong môi trường bụi bặm, ô nhiễm. Tất cả những cố gắng của chúng tôi chỉ với mong muốn duy nhất là kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Hầu hết những người “chọn” nghề này đều do hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất, tuổi tác cũng không còn nhỏ để làm công nhân nữa nên đành chấp nhận. Hiện nay, tiền công bốc vác bình quân cho tất cả mặt hàng chỉ ở mức 30.000-50.000 đồng/tấn. Như vậy, muốn có khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày thì người bốc vác phải cõng trên lưng hơn 5 tấn hàng hóa”. Còn anh Lê Nhựt Long, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Những lúc phải làm cả ban đêm, thời tiết mát mẻ, thu nhập có cao hơn nhưng sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn do sức lao động phải bỏ ra gấp mấy lần bình thường, ban ngày không thể nào ngủ bù lại được”.

Thiệt thòi nhất đối với những người làm nghề bốc vác là ngoài tiền công lao động, họ chẳng được hưởng chút quyền lợi gì, bảo hiểm không có, tiền thưởng cũng không, kể cả khi bị tai nạn lao động phải nghỉ việc dài ngày, vì họ chỉ đơn thuần là “lao động thời vụ” hoặc chỉ ký “hợp đồng” miệng với chủ. Theo lời một số người làm nghề bốc vác, trong các “hợp đồng” miệng thường chỉ nêu nội dung cơ bản là sự thỏa thuận về giá cả khuân vác hàng hóa mà thôi, không có bất cứ điều khoản nào liên quan đến quyền lợi của người lao động. Cụ thể như các khoản bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế,... đều không hề có trong đó. Vì thế, khi công nhân bốc vác rủi ro gặp tai nạn, gia đình họ thường phải lâm vào cảnh khốn cùng.

Theo ghi nhận, hầu hết những người làm nghề bốc vác đều là lao động chính trong gia đình. Do đó, khi có sự cố rủi ro xảy ra, cả gia đình họ thường lâm cảnh túng quẫn, nợ nần. Theo anh Lê Văn Minh, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa: “Mỗi ngày, khi làm xong công việc, về nhà ê ẩm cả người nhưng hôm sau vẫn phải có mặt để tiếp tục công việc, vì đây là thu nhập chính của gia đình tôi”. Khi được hỏi vì sao không tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn, anh nói “gắn bó với công việc một thời gian nên cũng quen, không muốn bỏ, nhưng chắc một thời gian nữa cũng phải nghỉ vì sức khỏe không cho phép”./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết