Tiếng Việt | English

19/11/2017 - 15:25

Những bông hoa trong ngành giáo dục

Những ngày này, khắp nơi trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động tri ân thầy cô giáo, những người tâm huyết, tận tụy, gắn bó với sự nghiệp trồng người. Bằng nghị lực, lòng yêu nghề, tình thương yêu học trò, thầy cô giáo vượt qua nhiều khó khăn, quyết tâm bám lớp, bám trường, vì học sinh thân yêu.

Vì học sinh thân yêu

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền hiện là giáo viên môn Mỹ thuật của Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Trung Trực (TP.Tân An). Từ khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Long An (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Long An) đến nay, cô có thâm niên 24 năm với nghề dạy học. Chừng ấy thời gian đủ để cô khẳng định mình sẽ theo đuổi mãi nghề dạy học, nghề mà cô yêu thích từ thuở học trò.

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền - giáo viên môn Mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn Trung TrựcNăm 1992, khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Long An, cô Bích Huyền được phân công về dạy ở huyện Tân Thạnh trong thời gian khá dài. Đến năm học 2007-2008, cô được điều chuyển về Trường TH Cần Đốt và năm 2012 đến nay là giáo viên Trường TH Nguyễn Trung Trực. Trước đây, là giáo viên dạy văn hóa nhưng do nhu cầu có giáo viên Mỹ thuật, cô được tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Lúc đầu, đến với môn học mới, mọi thứ đều khá lạ nhưng dần dần, cô yêu thích và trở thành giáo viên có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến với môn mình giảng dạy.

Cô Bích Huyền chia sẻ: “Môn học Mỹ thuật tuy khó mà dễ so với lứa tuổi học sinh cấp 1, nếu giáo viên chịu khó, nắm bắt tâm lý và khơi gợi tính sáng tạo, các em sẽ say mê môn học. Bên cạnh đó, trong giảng dạy, tôi luôn đổi mới phương pháp, tổ chức để học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo phù hợp với nội dung của từng bài học để các em hứng thú và hợp tác trong học tập”. Với cách làm này, thời gian qua, cô Bích Huyền thành công với môn dạy của mình. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh có năng khiếu về vẽ và đoạt nhiều giải thưởng cao về vẽ tranh cấp thành phố, tỉnh, qua các cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức.
Cô Bích Huyền có nhiều sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học và được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong nhà trường, được Hội đồng Sáng kiến cấp thành phố, tỉnh nghiệm thu. Các đề tài có thể kể đến:

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả dạy - học phân môn vẽ tranh ở trường TH; Giải pháp sử dụng đồ dùng trực quan, chất liệu và trò chơi giúp học sinh yêu thích phân môn vẽ trang trí; Sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học môn Mỹ thuật ở trường TH; Một số biện pháp hướng dẫn học sinh vẽ theo mẫu môn Mỹ thuật ở trường TH.

Ngoài giảng dạy tốt, cô Bích Huyền được Ban Giám hiệu Trường TH Nguyễn Trung Trực đánh giá cao về ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm với công việc. Nói về nghề giáo, cô Bích Huyền chia sẻ: “Một khi đã chọn nghề thì phải theo đuổi đến cùng và dốc tâm thực hiện để truyền đạt hết những kiến thức, kinh nghiệm đến đàn em thân yêu”.

Hết lòng vì sự nghiệp

Thầy Trương Quốc Phúc hiện là cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành. Lúc nhỏ, thầy Phúc luôn ước mơ theo đuổi nghề giáo và quyết tâm thực hiện. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, thầy được phân công giảng dạy tại Trường THCS Hưng Điền B (huyện Vĩnh Hưng, khi chưa tách thành 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng). Thầy Phúc chia sẻ: “12 năm công tác ở vùng biên, tôi không thể kể hết những lần đi vận động học sinh đến lớp. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính tinh thần ham học của các em giúp tôi kiên trì bám lớp, bám trường”.

Thầy Trương Quốc Phúc luôn tìm tòi, nghiên cứu đề tài khoa học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyệnNăm 1998, thầy Phúc được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng). Với vai trò người quản lý, thầy Phúc tích cực tham mưu cấp trên, vận động mạnh thường quân đầu tư xây dựng từ một ngôi trường bình thường trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục. Kết quả, năm học 2003-2004, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Năm 2002, thầy Phúc được chuyển về Trường TH An Lục Long B, huyện Châu Thành. Lúc này, thầy được phân công dạy lớp 5. Công tác trên mảnh đất quê hương, thầy Phúc như được tiếp thêm động lực để phát huy tiềm năng, sự sáng tạo của mình. Trong các phong trào thi đua của ngành, thầy Phúc luôn tiên phong đi đầu tìm tòi, sáng tạo với những sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cao cấp huyện, tỉnh: Nâng cao việc dạy Hình học cho học sinh; Một số kinh nghiệm nâng cao dạy Chính tả ở lớp 5; Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm;... Bằng nhiệt huyết và lòng yêu nghề, thầy Phúc luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng được thầy chú trọng. Hàng năm, ở mỗi lớp thầy chủ nhiệm đều có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh về giải Toán, Tiếng Anh qua mạng, năng khiếu thể dục - thể thao, Mỹ thuật,... Thầy Phúc tâm niệm, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em. Vào đầu năm học, thầy còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhiều phần quà, mua bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, thầy Phúc còn nỗ lực hoàn thành công tác Công đoàn. Với cương vị Chủ tịch Công đoàn Trường TH An Lục Long B, thầy luôn làm tốt công tác chăm lo đời sống công đoàn viên, sẵn sàng giúp đỡ những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu đồng nghiệp tham khảo, vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm của bản thân.

Đầu năm học 2017-2018, thầy Phúc được chuyển về làm công tác quản lý tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Dù không còn đứng lớp nhưng thầy vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu đề tài khoa học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Những đóng góp của thầy Phúc cho ngành Giáo dục được ghi nhận bằng rất nhiều danh hiệu thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh./.

Mai Hương - Thùy Minh

Chia sẻ bài viết