Tiếng Việt | English

18/04/2018 - 02:30

Những cá nhân điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước

Họ là những điển hình tiêu biểu, tuy nhiệm vụ, công việc khác nhau nhưng đều có nhiều việc làm ý nghĩa, đóng góp cho sự phát triển KT-XH tỉnh Long An.

1. Gắn bó với công tác phụ nữ khoảng 20 năm và có 8 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) huyện Tân Thạnh, bà Phan Thị Bích Ly hiểu những vất vả, khó nhọc của PN nông thôn.

Bà thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của chị em để xây dựng những mô hình hợp lý, đề xuất với lãnh đạo cấp trên cùng giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Chừng ấy năm làm chủ tịch hội, bà khởi xướng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, bảo vệ quyền lợi chính đáng của PN. Một trong những mô hình đó là tương trợ giúp nhau mua bảo hiểm y tế. Số tiền mua bảo hiểm y tế tuy không nhiều nhưng với PN nông thôn lại rất ý nghĩa. Nhờ đó, không chỉ PN vùng sâu, vùng xa có điều kiện chăm sóc sức khỏe mà còn góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới.

Hay đó còn là các mô hình: Sổ tay công tác hội; Trao đổi sách cũ; Hũ gạo tình thương; Tiết kiệm điện; Chăm sóc gia đình chính sách già, neo đơn; Tiết kiệm mua bình lọc nước; Tấm áo tặng học sinh; Tủ thuốc gia đình; Mỗi chi, tổ hội giúp một hộ thoát nghèo,... Hàng loạt mô hình ra đời, phát huy hiệu quả là sự nỗ lực, cố gắng của bà cùng tập thể hội.

Bà Phan Thị Bích Ly (thứ 2, trái qua) trong một lần trao nhà tình thương

Bà Phan Thị Bích Ly (thứ 2, trái qua) trong một lần trao nhà tình thương

Trong câu chuyện bà kể, chúng tôi cảm nhận niềm vui hiện lên trong ánh mắt của người cán bộ hội, từ việc bà gầy dựng, tập hợp, phát triển hội viên đến đổi mới hình thức sinh hoạt hội nhằm thu hút chị em tham gia. “Những ngày đầu, nhiều PN chưa tin tưởng, không tha thiết với hội. Chúng tôi cùng những cán bộ tâm huyết đi giải thích, vận động. Cực nhất là những cán bộ hội cơ sở, phải bỏ thời gian, công sức đi thuyết phục. Phương tiện đi lại khi ấy chủ yếu bằng xuồng, một số chị nhà ở sâu trong đồng vắng nên khá vất vả,... Có được tổ chức hội như hiện nay, chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe những chia sẻ, đóng góp của các chị, cùng chăm lo, hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình” - bà Ly nói.

Ngoài quản lý nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, xét cho các đối tượng vay, Huyện hội còn thành lập các tổ liên kết sản xuất, tổ tiết kiệm tín dụng,... Những thành viên này thường giúp nhau về cây, con giống, ngày công, kinh nghiệm trong sản xuất,... Có chị còn cho mượn vốn không tính lãi,... để cùng nhau vượt khó, tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên, PN.

Hội PN Tân Thạnh là một trong số ít những đơn vị trong tỉnh công khai số điện thoại của lãnh đạo hội để khi có thắc mắc PN có thể gọi trực tiếp để được giải đáp, tư vấn. Mấy năm gần đây, địa phương có nhiều PN làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Việc đi cơ sở hoặc tổ chức họp thường vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc sinh hoạt ban đêm. Do đó, chuyện đi sớm, về muộn, làm việc ngày nghỉ là điều không thể tránh khỏi. Với nhiều cố gắng của bà, hàng năm, Hội LHPN VN huyện được hội cấp trên đánh giá là đơn vị vững mạnh xuất sắc và xếp nhất, nhì cụm thi đua; nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc. Riêng bà, nhiều năm được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh,...

2. Với vai trò Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cần Giuộc, chị Trương Thị Tuyết Nhung tham gia xây dựng phong trào và triển khai nhiều mô hình hoạt động của ban công tác Mặt trận tại địa bàn dân cư. Từ đó, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. 5 năm qua, chị cùng tập thể duy trì đơn vị vững mạnh liên tiếp nhiều năm liền của tỉnh.

Chị Trương Thị Tuyết Nhung

Chị Trương Thị Tuyết Nhung

Chị lên kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động ban công tác Mặt trận gắn với xây dựng khu dân cư văn hóa tiêu biểu ấp Lũy, xã Phước Lại. Thông qua đổi mới phương thức hoạt động, chị cùng tập thể lãnh đạo thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần người dân tại đây,... Mô hình này giúp ấp Lũy nhận Huân chương Lao động hạng Ba và được tuyên dương tại Hội nghị MTTQ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2014.

Không những vậy, chị Nhung còn đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác trong tôn giáo, doanh nghiệp và người dân (chọn ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành làm điểm); phối hợp chính quyền nhân rộng mô hình camera an ninh trong tôn giáo, doanh nghiệp, cụm - tổ dân cư trên địa bàn;... Chị còn là người đề xuất sáng kiến liên quan đến hoạt động cơ sở nhằm giảm bệnh thành tích, hình thức.

Đến nay, huyện Cần Giuộc có 8 xã được công nhận nông thôn mới; 79/79 ấp, khu phố được công nhận danh hiệu ấp, khu phố văn hóa. Thành tích chung ấy, có vai trò không nhỏ của người làm công tác Mặt trận. Trong suốt quá trình công tác, chị hiểu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với củng cố tổ chức và nâng chất lượng hoạt động của UBMTTQ cơ sở là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Từ đó, chị chọn và nhân rộng mô hình Tổ dân cư văn hóa - nông thôn mới tiêu biểu tại tổ dân cư số 8, ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm.

Với những cách làm mới, sự chung tay của chi bộ ấp, ban công tác Mặt trận, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tổ được nâng lên. Người dân đoàn kết, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình tự quản tại khu dân cư, bảo đảm an toàn về an ninh, trật tự, hưởng ứng thực hiện các phong trào do xã, ấp phát động, góp phần nâng chất xã văn hóa - nông thôn mới.

Là người đại biểu nhân dân, chị cùng với những đại biểu khác thường “đeo bám” những vụ việc bức xúc, những kiến nghị của cử tri. Chị còn vận động quà tặng hộ nghèo vào dịp lễ, tết; trao học bổng, xe đạp,... cho học sinh khó khăn,... Chị cùng với các cấp, các ngành vận động Quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình bạn, nhà tình nghĩa,...

Chị chia sẻ: “Mỗi việc tôi làm đều có sự chung tay, hỗ trợ của tập thể đơn vị và lãnh đạo huyện. Thành tích có được là cả quá trình phấn đấu nên tôi luôn giữ gìn và cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi thấy rằng, là đại biểu của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, mình cần phải ra sức vì dân phục vụ”.

3. Giữa cái nắng như thiêu đốt, sư cô Thích nữ Bảo Tâm, chùa Vĩnh Phong, thị trấn Thủ Thừa, vẫn không ngại khó đi khảo sát xây cầu, xây nhà tại xã Long Thạnh.Trên con đường đầy bụi, sư cô bước chậm rãi qua những chiếc cầu chênh vênh dẫn vào ấp 2. “Thương dân quá! Phải gồng mình chạy xe qua những chiếc cầu gập ghềnh” - sư cô vừa nói, vừa đưa tay lau vội những giọt mồ hôi.

Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh - Nguyễn Văn Bảy thông tin, ở địa phương, đường sá đi lại còn khó khăn. Địa bàn rộng nhưng nhà dân thưa thớt nên việc vận động xây cầu còn gặp khó. Nhờ có sự hỗ trợ từ sư cô cùng mạnh thường quân, người dân mừng lắm!

Sư cô Thích nữ Bảo Tâm

Sư cô Thích nữ Bảo Tâm

Với tấm lòng từ bi, nhân ái, gần 30 năm tu hành cũng là chừng ấy năm, sư cô làm việc thiện. Đã có hàng tỉ đồng được sư cô vận động xây cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương, tặng quà tết cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh,... Với trường hợp cần hỗ trợ, sư cô đến tận nơi để khảo sát, tìm hiểu,... Mỗi lần như thế, để có tiền làm từ thiện, sư cô lại vận động các phật tử TP.HCM và một số chùa trong, ngoài tỉnh,...

“Người xuất gia luôn lấy việc thiện làm đầu. Gieo nhân duyên tốt, ắt sẽ gặp điều lành. Tôi luôn tâm niệm như vậy nên cùng với Đảng, chính quyền làm tốt công tác an sinh xã hội” - sư cô bộc bạch.

Trưởng ban Thi đua Khen thưởng tỉnh - Nguyễn Hoàng Minh cho biết, đó là 3 trong số 93 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017. Họ là những điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, xứng đáng được biểu dương, khen thưởng./. 

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết