Tiếng Việt | English

17/02/2018 - 15:54

Những chàng trai "liều lĩnh"

Sau khi tích lũy kha khá kiến thức, với tấm bằng đại học, họ lại chọn cách về quê sống với ruộng đồng và ấp ủ những hoài bão của riêng mình.

Về quê trồng ớt, trồng rau

Cầm tấm bằng kỹ sư của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, anh Nguyễn Duy Thanh, ngụ xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhanh chóng tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Sau đó, anh mở công ty riêng. Rồi anh lại quyết định về quê... trồng ớt. Tất nhiên, ý tưởng ấy bị nhiều người phản đối, nhưng sau gần 2 năm làm nông dân, anh Thanh dần chứng minh được quyết định của mình là đúng. Với cách canh tác ứng dụng công nghệ, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ với kênh phân phối, năm đầu tiên, anh Thanh có lãi cao. Từ đó, nhiều người dân lân cận đến học tập kinh nghiệm và số người trồng ớt ở Đức Hòa tăng lên. Hiện tại, anh Thanh cùng một vài người bạn chuẩn bị thành lập hợp tác xã với sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên. 

Anh Nguyễn Duy Thanh  kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt trên ruộng ớt  của mình

Anh Nguyễn Duy Thanh kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt trên ruộng ớt của mình

Để bắt đầu vụ ớt đầu tiên, anh Thanh dành 6 tháng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật từ sách, báo và Internet. Rất tâm đắc với việc sản xuất nông nghiệp sạch, anh tìm tòi, học hỏi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Anh chia sẻ: “Tôi rất thích cách làm nông của Israel, từ vùng đất khô cằn, họ vẫn tạo ra nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao. Sản xuất nông nghiệp không an toàn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, người tiêu dùng mà còn khiến đất mất dinh dưỡng, khó cải tạo. Từ đó, nông sản Việt khó vào được thị trường khó tính”. 

Ngoài quyết tâm thực hiện theo hướng sản xuất sạch, anh Thanh còn kỳ vọng có thể nhân rộng mô hình của mình đến đông đảo nông dân. Chính vì thế, anh dành thời gian tìm tòi, cải tiến các ứng dụng kỹ thuật sao cho đơn giản, phù hợp với địa phương và vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhằm phổ biến lại cho những nông dân khác. 

Đưa chúng tôi thăm hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Thanh giới thiệu đây là hệ thống do anh “chế” lại theo nguyên lý hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt bán trên thị trường. Bằng cách bỏ đi những ứng dụng chưa cần thiết như cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, đồng hồ đo thông số,... anh có ngay hệ thống tưới nhỏ giọt dễ sử dụng, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu của nông dân địa phương. Anh kể: “Hệ thống tưới của tôi bỏ đi những phần thiết kế kỹ thuật cao, chi phí lớn để nông dân dễ sử dụng hơn. Chi phí có thể giảm đến hơn 50%”. Không chỉ vậy, anh Thanh còn giúp các hộ có nhu cầu lắp hệ thống tưới hoàn toàn miễn phí.

Ấp ủ ước mơ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, anh Thanh có những nguyên tắc riêng: Thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm, nói không với thuốc không rõ thành phần, hạn chế tối đa phân vô cơ,... Mỗi bài học, kinh nghiệm của anh Thanh đều được đúc kết từ thực tiễn và những lần thất bại của chính mình. Anh thường dành một góc vườn để thử nghiệm cái mới. Từ thực tế, anh đọc thêm trên sách, báo, Internet, so sánh, đúc kết thành kinh nghiệm riêng, phù hợp thực tế địa phương. Đó là cách chàng thanh niên trẻ Nguyễn Duy Thanh đang làm với mong muốn chạm tới ước mơ xây dựng một dây chuyền khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn trong tương lai.

Về rừng giữ cá, bảo vệ chim trời

Chia tay anh Thanh, chúng tôi đến khu Ramsar Láng Sen ở huyện Tân Hưng gặp kỹ sư trẻ Nguyễn Linh Em (tên thường gọi là Linh), nghe anh kể chuyện nghiên cứu và bảo vệ chim trời. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, anh cũng rời thị thành, bỏ công việc hướng dẫn viên đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để về sống và làm việc trong khu Ramsar không có sóng wifi! Ở đó, anh thức dậy từ 4-5 giờ sáng, chèo xuồng len lỏi dưới các tán tràm, quan sát, chụp ảnh, ghi chép về các loài động, thực vật. Láng Sen có hơn 150 loài thực vật, hơn 140 loài chim, anh Linh chẳng những “biết mặt, quen tên” mà còn rõ đến tập tính, tiếng kêu và nhìn được màu lông từng loài mà đoán tuổi. Anh Linh bày tỏ: “Công việc ở đây đòi hỏi cao sự say mê. Cùng thời với tôi có không ít người rời nơi này tìm việc khác”. Vậy nhưng, anh cùng những anh em kỹ sư, cán bộ khác vẫn trụ lại Láng Sen như cái “nợ” với khu Ramsar này. 

Ở khu  Ramsar, anh  Nguyễn Linh Em  thức dậy từ 4-5 giờ sáng, chèo xuồng len lỏi dưới các tán tràm, quan sát, chụp ảnh, ghi chép  về các loài động,  thực vật ở đây

Ở khu Ramsar, anh Nguyễn Linh Em thức dậy từ 4-5 giờ sáng, chèo xuồng len lỏi dưới các tán tràm, quan sát, chụp ảnh, ghi chép về các loài động, thực vật ở đây

Ngày làm việc của anh bắt đầu từ sớm và có khi kết thúc gần nửa đêm vì chim chóc thì không “làm việc giờ hành chính”. Muốn nghiên cứu tập tính của một loài, anh phải “theo dõi” suốt ngoài 1 tháng. Rình rập hàng giờ, thậm chí cả ngày, anh chỉ để chụp một bức ảnh hoặc biết được cách làm tổ, bắt mồi, kết bạn của chim. Nhờ vậy, anh biết nhiều câu chuyện hay về những loài chim, rằng chim quốc khi mất bạn tình thì sẽ suốt đời tìm kiếm chứ không bắt cặp với con khác. “Bởi vậy, cứ hễ thợ săn bẫy được một con quốc, họ thường đặt bẫy lại y chỗ cũ để bắt luôn con còn lại” - anh nói với giọng không vui.

Thời gian gần đây, anh Linh được phân công thêm nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn khách nội bộ và đoàn nghiên cứu khi có nhu cầu đến với khu Ramsar. Với kinh nghiệm, vốn kiến thức về động vật, thực vật tại khu Ramsar, anh Linh giúp người đồng hành có được trải nghiệm thú vị với những bài học mới mẻ. Thỉnh thoảng, anh dừng lại, soạn máy chụp ảnh, có khi, anh chụp xong mà chúng tôi vẫn chưa thể nhận ra cá thể chim anh chụp đang “núp” ở chỗ nào trong trùng điệp rừng tràm và mênh mông nước. 

Yêu công việc của mình nên anh không tiếc thời gian nghiên cứu, học tập. Hiện, anh vừa làm, vừa học tiếp lớp cao học. Anh ấp ủ cho mình một dự án nghiên cứu về động vật, thực vật, không chỉ ở Láng Sen mà còn cả vùng Nam bộ. Đó không chỉ là một dự án lớn mà còn là khát khao, đam mê được học hỏi và phát triển nghề nghiệp, là nhiệt huyết và tình yêu của tuổi trẻ khi dành hết cho công việc.

Tạm biệt 2 người bạn mới, tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người trẻ dám mạnh dạn sống, làm việc hăng say vì những gì mình chọn như anh Linh, anh Thanh, mặc dù sự lựa chọn đó nhiều khi bị cho là “gàn dở”!

Trịnh Khúc

Chia sẻ bài viết