Tiếng Việt | English

09/02/2019 - 11:04

Những chuyện tình xuyên biên giới

Tình yêu chân thành xuất phát từ hai trái tim là sợi dây kết nối nhiều chàng trai, cô gái sống dọc tuyến biên giới Long An (Việt Nam) - Campuchia. Và nơi đây đã “ươm mầm” cho những chuyện tình thật đẹp, minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước láng giềng.

Duyên tình Việt Nam - Campuchia

Cuộc sống của người dân dọc tuyến biên giới tuy còn khó khăn nhưng bình yên và hạnh phúc là điều luôn hiện hữu. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến xã biên giới Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Theo chân Trưởng ấp Kênh Mới, xã Hưng Điền B, chúng tôi đến gặp anh Lê Văn Hoài và chị Yin Va Ri để nghe kể về duyên tình Việt Nam - Campuchia. 18 năm trước, anh Hoài và chị Yin Va Ri cùng nhau viết lên câu chuyện tình thật đẹp ở nơi biên giới xa xôi.

Dù bận rộn với công việc nhưng anh Lê Văn Hoài và chị Yin Va Ri luôn dành thời gian chia sẻ với nhau mọi vui, buồn trong cuộc sống và nuôi dạy các con nên người

Dù bận rộn với công việc nhưng anh Lê Văn Hoài và chị Yin Va Ri luôn dành thời gian chia sẻ với nhau mọi vui, buồn trong cuộc sống và nuôi dạy các con nên người

Sinh ra trong gia đình nghèo nên anh Hoài tự lập từ rất sớm. Sau 10 năm làm nghề cơ khí tại tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia, anh Hoài gặp chị Yin Va Ri. Cảm mến trước người con gái hiền lành, đảm đang, anh ngỏ lời làm quen, rồi duyên phận gắn kết họ với nhau. Chẳng đám cưới xa hoa, mâm cao, cỗ đầy, ngày chị Yin Va Ri về làm vợ anh Hoài chỉ đơn giản mấy mâm cơm cúng ông bà cùng lời chúc phúc của họ hàng hai bên. Và đứa con gái đầu lòng ra đời là “trái ngọt” của mối tình xuyên biên giới ấy. Khi con gái tròn 2 tuổi, anh chị trở về Việt Nam và chọn xã biên giới Hưng Điền B làm nơi lập nghiệp. Được cha mẹ cho mảnh đất nhỏ, anh chị dựng tạm căn nhà lá rồi đi làm thuê trang trải cuộc sống. Khó khăn, thiếu thốn đủ điều nhưng anh chị luôn nỗ lực vươn lên. “Khi mới về đây, tôi bỡ ngỡ lắm! Từ chuyện ăn uống tới nếp sinh hoạt, mọi thứ đều xa lạ. Nhờ có chồng luôn bên cạnh chia sẻ và động viên nên tôi bớt tủi thân. Nếu tôi làm sai thì anh nhắc khéo” - chị Yin Va Ri tâm sự.

Với nhiều cô gái, việc làm dâu, làm vợ không hề dễ dàng, nhất là làm dâu xứ lạ, thế nhưng, với chị Yin Va Ri, đó là niềm hạnh phúc bởi chị luôn được cha mẹ chồng hết lòng yêu thương. Tình cảm ấm áp đó giúp chị được sống trong hạnh phúc dù không phải trên quê hương của mình. Bà Nguyễn Thị Hoa (81 tuổi) - mẹ chồng chị Yin Va Ri, cho biết: “Con dâu lấy chồng xa quê nên tôi thương lắm! Ở gần bên nên tôi thường sang nhà trò chuyện để hai mẹ con hiểu nhau hơn. Thấy vợ chồng tụi nó sống hạnh phúc, chí thú làm ăn như vậy là tôi vui rồi!”.

Sống với nhau hơn 17 năm nay, có 3 mặt con nhưng tình yêu của anh chị vẫn đong đầy như thuở ban đầu. Anh Hoài chia sẻ: “Hiện vợ chồng tôi làm nghề gia công gỗ, kinh tế gia đình ổn định hơn trước. Mỗi ngày, dù bận rộn với công việc nhưng chúng tôi luôn dành thời gian chia sẻ với nhau mọi vui, buồn trong cuộc sống và cùng nhau nuôi dạy các con nên người. Đây cũng là cách chúng tôi giữ lửa hạnh phúc”. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Biền B - Nguyễn Văn Giàu, toàn xã hiện có 21 cặp vợ chồng Việt Nam - Campuchia. Các cặp vợ chồng chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài những chính sách hỗ trợ, xã thường xuyên vận động mạnh thường quân tặng quà, tiền mặt giúp các hộ này ổn định cuộc sống.

Thương nhau bằng tất cả chân thành

Là con gái út trong gia đình nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) là người có chồng xa nhà nhất. Được biết, hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chị Thắm sang tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia mưu sinh và định cư từ khi chị mới lên 4 tuổi. Đến năm 13 tuổi, một mình chị trở về quê ngoại (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng). Tại đây, chị gặp được một nửa của đời mình. Chị Thắm kể: “Thời điểm đó, gia đình còn nghèo, tôi chỉ biết đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Ngày nào, tôi cũng đi làm từ sáng đến chiều tối mới về nên không có bạn bè nhiều. Tôi gặp anh Thẳng - chồng tôi, do gia đình mai mối. Trò chuyện qua lại thấy hợp ý rồi thương nhau hồi nào không hay. Năm 2001, chúng tôi quyết định về chung một nhà”. Cuộc sống hôn nhân không tránh khỏi những mâu thuẫn, cãi vã nhưng chưa bao giờ anh Thẳng và chị Thắm giận nhau lâu. “Anh Thẳng hiền lắm, luôn nhường nhịn vợ. Mỗi khi vợ chồng giận nhau, anh đều chủ động làm lành trước. Sợ tôi tủi thân khi không có gia đình bên cạnh nên lễ, tết năm nào anh cũng đưa tôi và các con về Campuchia thăm cha mẹ” - chị Thắm nói.

Với chị Bùi Thị Nở, việc làm dâu đất Việt là một cơ duyên

Còn với chị Bùi Thị Nở (người Khmer, ngụ ấp Trung Vĩnh, xã Thái Bình Trung) thì chuyện làm dâu xa xứ là một cơ duyên. Chia sẻ với chúng tôi về mối lương duyên của mình, chị nói: “12 năm trước, trong một lần đến thăm người anh ruột sống tại xã Thái Bình Trung, tôi gặp anh Đầy. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến đây chơi ít ngày rồi về chứ không ngờ là làm dâu ở đây luôn. Chính tình yêu chân thành của anh khiến tôi tin tưởng và quyết định gắn bó trọn đời”. Trẻ tuổi lại làm dâu xa nhà khiến chị Nở không tránh khỏi nỗi cô đơn, nhớ nhà. Nhớ lại những ngày đầu, chị Nở bùi ngùi: “Lúc đó, tôi cảm thấy e dè, ngại ngần lắm. Thế nhưng, tình yêu thương chân thành mà chồng cùng gia đình chồng dành cho tôi giúp tôi vững tâm hơn. Gia đình chồng đặt tên cho tôi là Nở để dễ gọi và gần gũi hơn”. 

Theo lời chị kể, anh chị có với nhau 3 người con. Hai vợ chồng hiếm khi bất đồng. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng qua trò chuyện, chúng tôi biết chị hài lòng với hiện tại. Và niềm hạnh phúc luôn rạng rỡ trên khuôn mặt chị mỗi khi kể về chồng, con.

Vượt qua sự cách trở về địa lý, tình yêu chân thành, xuất phát từ trái tim chính là sợi dây gắn kết nhiều chàng trai, cô gái Việt Nam - Campuchia. Họ thương nhau bằng tất cả chân thành./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết