Tiếng Việt | English

06/12/2017 - 15:37

Những công trình ý Đảng, lòng dân ở huyện Thủ Thừa

Những công trình giao thông nông thôn (GTNT) hoàn thành là niềm vui, sự phấn khởi của người dân trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Những tuyến đường, cây cầu mới ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Đó cũng là kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT - 1 trong 3 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT, ngoài kinh phí Nhà nước, Thủ Thừa rất cần sự chung tay, góp sức của người dân địa phương, mạnh thường quân,... Các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm; trong đó, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân là rất quan trọng. Nhiều địa phương phát động phong trào thi đua, nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng GTNT. Nhờ vậy, hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương trên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để phát triển KT-XH của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh - Lê Thanh Trung: "Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm rõ chủ trương và đồng thuận cao trong thực hiện huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT. Trong đó, vai trò của cán bộ, đảng viên các ấp rất quan trọng, đó chính là những nòng cốt trong công tác tuyên truyền và là tấm gương thực hiện tốt công tác xã hội hóa để người dân làm theo".

Có sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác huy động vốn từ những người trực tiếp hưởng thụ công trình tại các địa phương trở nên thuận lợi. Đó là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Cây cầu Kênh Cá Trê tại xã Long Thuận góp phần giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng

Ông Đinh Hoàng Sơn (59 tuổi), ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh, chia sẻ: "Với ý thức người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, trong đó, có kết cấu hạ tầng GTNT và cũng chính là người thụ hưởng nên tôi đồng tình với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tích cực cùng địa phương xây dựng đường GTNT". Ông Sơn là một trong những người dân tích cực đóng góp kinh phí xây dựng các công trình GTNT tại địa phương. Riêng năm 2017, ông đóng góp 20 triệu đồng cho công trình đường đal liên ấp 1, 2 Xóm Xoài. Bên cạnh đó, ông còn vận động người thân trong gia đình, dòng họ và người dân đóng góp kinh phí xây dựng các tuyến đường GTNT tại ấp 2, xã Mỹ Thạnh.

Ngoài ra, để huy động vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, huyện đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thực hiện tốt cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế an tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Huyện cũng chú trọng nhiều giải pháp tác động mạnh đối với chủ dự án để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để đưa các dự án vào khai thác; đồng thời, quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa với nhiều hình thức, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách Nhà nước cho phép để thu hút vốn đầu tư xã hội.          

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT, toàn huyện thực hiện được 60 danh mục công trình GTNT, trong đó, có 20,701km đường bêtông xi măng, đạt 41,4% chỉ tiêu nghị quyết; 40,187km đường cấp phối đá, đạt 66,98% chỉ tiêu nghị quyết; cầu bêtông xi măng thực hiện được 45 cây, đạt 300% chỉ tiêu nghị quyết. Tổng kinh phí thực hiện các hạng mục trên là 43,4 tỉ đồng, trong đó, vốn Nhà nước 34 tỉ đồng; người dân và mạnh thường quân đóng góp 9,4 tỉ đồng.

 Niềm vui từ những công trình

Những công trình GTNT tại các địa phương được triển khai trên cơ sở bám sát những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc và không dàn trải. Đối với các địa bàn khó khăn, huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh để xây dựng hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, sau 2 năm xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT, nhiều địa phương khoác lên mình "chiếc áo mới" với những tuyến đường đal rộng rãi hay đường đá xanh, sạch sẽ dần thay thế những tuyến đường đất nhỏ, hẹp, gồ ghề trước đây cùng với những cây cầu bêtông kiên cố,... tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Theo (55 tuổi), ngụ ấp 3, xã Long Thuận, cho biết: "Trước đây, đường và cầu nông thôn còn nhiều khó khăn. Người dân đi lại bất tiện, đặc biệt vào mùa mưa, học sinh đi học rất vất vả. Từ khi có đường đal khang trang, sạch, đẹp, cầu bêtông rộng rãi, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi! Bộ mặt nông thôn của xã tôi ngày càng đổi mới". Được biết, năm 2017, xã Long Thuận đal hóa 1 tuyến đường GTNT với chiều dài 1,08km tại ấp 1; trải đá xanh 7 tuyến đường khác với tổng chiều dài 9,5km và xây mới 5 cây cầu GTNT ở các ấp trên địa bàn xã.

Không chỉ chung sức làm đường, người dân còn chủ động thực hiện mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự tại tuyến đường liên ấp 1, 2 Xóm Xoài, xã Mỹ Thạnh

Còn bà Trần Thị Láng, ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh, chia sẻ: "Những tuyến đường đal rộng rãi, sạch sẽ nối liền các ấp là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức giữa nhân dân và Nhà nước trong xây dựng đường GTNT. Tại ấp tôi, người dân còn chủ động giữ gìn tuyến đường GTNT và thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh, trật tự”. Những tuyến đường ấy không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn mà còn giúp nông dân vận chuyển máy móc, nông sản dễ dàng nên giảm chi phí, tăng thu nhập".

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, kết cấu hạ tầng GTNT tại các địa phương trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc. Những tuyến đường ấy giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình./.

► Năm 2017, tổng diện tích gieo sạ ở huyện là 39.186ha, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 2.570ha so với năm 2016; sản lượng lúa 209.365 tấn, đạt 100,75% kế hoạch, tăng 21.526 tấn so với năm 2016. Năm 2016-2017, huyện thực hiện 3 cánh đồng lớn ở  xã Mỹ Lạc và Long Thuận với diện tích 1.125ha, có 537 hộ tham gia.

► Hiện nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Nhị Thành, Bình Thạnh, Mỹ Lạc và Mỹ An. Các xã còn lại, theo tiêu chí (TC) mới, Bình An đạt 13 TC; Mỹ Phú đạt 12 TC; Long Thuận, Long Thành và Tân Lập đạt 11 TC; Tân Thành đạt 10 TC; Long Thạnh và Mỹ Thạnh đạt 9 TC.

► Toàn huyện có 24/40 trường học đạt chuẩn quốc gia. Về công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; 10/13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết