Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế

Ngày 13-6-2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015. Để Luật BHYT sửa đổi được triển khai thực hiện và nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân, dưới đây là những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Về hình thức tham gia BHYT

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

2. Về nhóm đối tượng tham gia BHYT

- Sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tự đóng BHYT.

- Bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT. Bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

3. Về mức đóng BHYT và phương thức đóng BHYT

Bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Trong năm 2015, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc một năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT.

4. Về mức hưởng BHYT

- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

- Bổ sung quy định miễn cùng chi trả cho thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con của liệt sĩ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%. Miễn chi trả cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

- Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT trong điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.

- Từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.

Điều chỉnh mức hưởng vượt tuyến, trái tuyến:

Người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và không có giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT (trừ trường hợp cấp cứu), có trình thẻ BHYT ngay khi đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng và theo tỷ lệ như sau:

- Tại bệnh viện tuyến Trung ương 40% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú;- Tại bệnh viện tuyến tỉnh 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020, 100% chi phí điều trị nội trú kể từ ngày 1-1-2021 trong phạm vi cả nước; không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú;

- Tại bệnh viện tuyến huyện 70% chi phí khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú từ 1-1-2015 đến 31-12-2015, 100% chi phí khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú từ 1-1-2016 trên địa bàn tỉnh.

5. Về thẻ BHYT

- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

- Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.

6. Về trách nhiệm của các đơn vị

- Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Lao động

- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện BHYT.

- Giao trách nhiệm UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.

BHXH Tỉnh 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích