Tiếng Việt | English

13/12/2016 - 16:02

Những điển hình thi đua yêu nước

Những cá nhân tiêu biểu trong lao động, sản xuất, công tác xã hội đều góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Họ là những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.

1. Bước sang tuổi 70 nhưng bà Đinh Thị Ngọc Diệp, ngụ khu phố Bình Cư 2, phường 6, TP.Tân An tỉnh Long An vẫn miệt mài tham gia công tác xã hội. Một ngày của bà bắt đầu từ việc tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, chăm sóc vườn rau quanh nhà và đến thăm các hội viên trong Chi hội Người cao tuổi.

Những lúc rảnh rỗi, bà Đinh Thị Ngọc Diệp chăm sóc vườn rau quanh nhà.

Quê bà ở tận Vĩnh Long, lên TP.HCM học tập và giảng dạy tại một trường kỹ thuật những năm sau giải phóng. Chồng bà trước đó là giảng viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Đến năm 1982, 2 vợ chồng về Long An lập nghiệp. 4 đứa con trai chào đời, bà nghỉ việc ở nhà chăm con. Để phụ chồng nuôi nấng các con ăn học, ban ngày bà chăn nuôi heo, gà; tối đến bà chong đèn may quần áo. Đến khi 4 người con lần lượt tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và có việc làm ổn định, bà bắt đầu tham gia các hoạt động tại địa phương. 15 năm bà đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và hiện nay là Chi hội trưởng Người cao tuổi khu phố Bình Cư 2, bà giúp nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật cảm thấy ấm lòng.

Bà nói: “Vợ chồng tôi từng nuôi con ăn học nên hiểu được khó khăn của những gia đình có con theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Khi còn tham gia công tác phụ nữ, tôi vận động thành lập tổ tiết kiệm tín dụng, xây dựng mô hình tương trợ nhau; ưu tiên xét cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con. Mỗi khi sinh hoạt chi hội, tôi thường mời công an khu vực đến thông tin tình hình an ninh, trật tự để hội viên nâng cao cảnh giác với các đối tượng lừa đảo và có ý thức phòng, chống tội phạm. Hiện nay, dù không còn làm Chi hội trưởng Phụ nữ nhưng tôi vẫn hỗ trợ công tác hội”.

Cách nay hơn 2 năm, bà cùng một vài thành viên trong khu phố vận động trên 40 hộ dân mua bóng đèn thắp sáng tuyến đường Nguyễn Thị Hạnh. Nhờ đó, mọi người yên tâm tham gia giao thông vào buổi tối.
Hiện nay, mỗi tháng, bà dành một số tiền nhỏ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở khu phố. Từ những việc làm đó, bà được UBND phường và TP.Tân An tặng nhiều giấy khen trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Tuổi cao - gương sáng, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; bằng khen của UBND tỉnh về thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

2. Lão nông Trần Văn On, ở ấp Ái Ngãi, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành tỉnh Long An 5 năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, sẵn sàng đóng góp 60 triệu đồng xây dựng đường giao thông trong ấp. Dù tuyến đường này gia đình ông không trực tiếp đi lại nhưng khi nhìn thấy nó bị hư hỏng, người dân tham gia giao thông khó khăn, ông vẫn không tiếc tiền hỗ trợ. Nhiều người quý mến ông bởi tấm lòng dành cho người nghèo. Hàng năm, ông dành tặng 50 phần quà cho hộ nghèo. Thỉnh thoảng, khi gặp những người có hoàn cảnh bất hạnh, ông sẵn lòng giúp đỡ. Bên cạnh đó, khi địa phương  vận động hiến đất làm đường cặp theo Nghĩa trang liên huyện Châu Thành-Tân Trụ, ông hiến 1.000m2 đất ruộng để mở rộng đường đi.

Ông chia sẻ: “Nhờ xây dựng nông thôn mới, tôi cũng như nhiều người dân được hưởng lợi, nhất là 2 tuyến kênh quan trọng ở địa phương được nạo vét. Nếu không có 2 tuyến kênh đó thì cả trăm hécta lúa và hoa màu không có nước tưới”. Chính sự thấu hiểu nên khi xã phát động phong trào gì, ông đều tham gia một cách nhiệt tình.

3. Từ Tân Trụ lên vùng Đồng Tháp Mười sinh sống và làm việc, bà Trương Thị Mười, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên.

Trụ sở khu phố IV được bà Trương Thị Mười vận động xây dựng, kinh phí khoảng 300 triệu đồng 

Nhớ lại những ngày đầu đến đây, khi đó huyện Vĩnh Hưng còn chưa được chia tách. Bà lặn lội đến xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng) đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu, rồi chuyển về làm công tác Đoàn tại huyện Vĩnh Hưng,... Đến năm 2005, bà nghỉ hưu và tham gia sinh hoạt tại khu phố IV, thị trấn Vĩnh Hưng, được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Lúc bấy giờ, khu phố IV còn khó khăn, nhiều phụ nữ phải vay mượn nhiều nơi mới bảo đảm cuộc sống. Nhằm giúp chị em không phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, bà phát động phong trào góp vốn xoay vòng không tính lãi, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Lúc mới thành lập, mỗi phụ nữ khu phố góp 2 triệu đồng/tháng xét cho từng thành viên vay để trang trải cho việc xây nhà, nuôi con học, phát triển kinh tế,... Những hộ khó khăn hơn luôn được các chị ưu tiên cho nhận vốn trước.

Hơn 10 năm qua, mô hình luôn được duy trì, nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Không những vậy, bà Mười còn thành lập mô hình nuôi heo đất tại các hộ. Hiện nay, có khoảng 150/180 hộ tham gia. Tuy số tiền tiết kiệm không nhiều nhưng vào các dịp Tết Trung thu hay ngày Quốc tế Thiếu nhi, bà và những hộ gia đình khác dành tiền mua sách vở, tặng học bổng cho các em hiếu học trong khu phố.

Mô hình Nuôi heo đất tiết kiệm được bà Trương Thị Mười phát động.

Bà còn tham gia đóng góp và vận động nhiều người ủng hộ bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Vĩnh Hưng được hơn 10 năm nay. Thấy việc làm ý nghĩa của bà, nhiều tiểu thương chợ Vĩnh Hưng cùng góp tiền, góp gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm,... nhằm chia sẻ, làm giảm nỗi lo của những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Nói về những việc mình làm, bà cho biết, bản thân là đảng viên, trước hết phải gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách chung. Bây giờ kinh tế gia đình ổn định nên bà dành thời gian giúp đỡ mọi người xung quanh. Đó là những việc bình thường mà bất cứ người dân nào cũng đều thực hiện chứ không riêng gì bà.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Vĩnh Hưng, bà Mười là công dân gương mẫu. Hai người con của bà, một người hiện là giáo viên, một người là bác sĩ. Gia đình bà đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm. Riêng bà vận động mọi người tham gia xây dựng trụ sở khu phố 4 với số tiền khoảng 300 triệu đồng, hơn 20 ngày công lao động (gia đình bà đóng góp 25 triệu đồng). Bà Mười được tuyên dương cấp tỉnh về cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết