Tiếng Việt | English

10/03/2020 - 21:20

Những “đội quân” nhặt rác ở Thanh Phú

Nhận thấy rác thải bị vứt bừa bãi ở khu dân cư, trên đường, một số người dân ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An họp bàn thành lập tổ nhặt rác. Từ việc làm thiết thực, ý nghĩa, phong trào nhặt rác lan tỏa rộng rãi, được nhiều người hưởng ứng tham gia, đến nay, các ấp trong xã đều có tổ nhặt rác.

Trẻ em, người tật nguyền cũng tham gia

Gần 5 giờ chiều ngày thứ sáu, khi mặt trời còn le lói ánh nắng, khoảng 20 người, có nam, nữ, ở nhiều lứa tuổi khác nhau tập hợp tại Nhà Văn hóa ấp Tấn Long, xã Thanh Phú. Nhiều người qua đường tò mò, để ý khi nhìn thấy ai cũng mặc cái áo màu vàng rực rỡ, phía sau có dòng chữ “Tổ thu gom rác ấp Tấn Long”. Còn với người dân địa phương và các địa bàn lân cận, những thành viên mặc áo vàng không còn xa lạ mà trở nên quen thuộc. Đó chính là các thành viên trong tổ nhặt rác của ấp.

Các thành viên trong tổ nhặt rác

Sau khoảng 5 phút tập trung để lấy các vật dụng cần thiết như cây gắp, bao tay, bao bì, ủng, tất cả tỏa ra đi dọc 2 bên Đường tỉnh 830C theo hướng về Chợ Đệm, TP.HCM nhặt rác. Hết ngoài đường chính, các thành viên lại tiếp tục đi nhặt rác ở các tuyến đường nhánh, khu dân cư. Thi thoảng, đội quân nhặt rác lại có thêm một số thành viên mới, đó là những công nhân vừa tan ca trong các công ty, xí nghiệp về.

Trong đội quân nhặt rác, có những người 50, 60 tuổi, công nhân, cán bộ hưu trí, các cô chú bị tật nguyền và cả trẻ nhỏ. Như cô Nguyễn Thị Thiền (50 tuổi) bị câm bẩm sinh, hay các bé Trương Thúy Loan (10 tuổi) và Nguyễn Minh Trường (9 tuổi) là con của công nhân đang ở trọ trên địa bàn ấp. Thời gian qua, hai bé là thành viên tích cực đi nhặt rác.

Bà Huỳnh Thị Hai (60 tuổi) kể: “Thấy mấy người lớn đi nhặt rác, hai đứa liền xin phép đi theo phụ giúp, rồi cha mẹ các em cũng cho phép nên chúng tôi đồng ý. Việc nhặt rác không nặng nhọc vì chủ yếu là chai nhựa, túi nylon”.

Em Trương Thúy Loan bày tỏ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Chúng em vẫn thường được dạy như thế. Tham gia nhặt rác, em thích lắm vì đã góp sức mình làm đẹp, giữ gìn môi trường nơi đang sinh sống”.

Trong chốc lát, các thành viên nhặt được rất nhiều rác bỏ vào bao. Cứ thế, những bao rác được đưa đến tập kết đúng nơi quy định để tiện lợi cho công nhân công trình đô thị thu gom đưa đi xử lý.

“Đây là những thứ rác chủ yếu do người đi qua vứt xuống, còn người dân ở địa phương hầu hết đã chấp hành đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Giờ ở xã, ai vứt rác bừa bãi mà bị phát hiện thì bị phê bình ngay. Điều đáng mừng là có người sau khi bị nhắc nhở, ý thức nâng lên hẳn, những lần khác đều để rác đúng nơi quy định”, bà Nguyễn Thị Tuyết - thành viên tổ nhặt rác, nói. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ tích cực, các thành viên quay lại nhà văn hóa ấp cất các dụng cụ và trở về nhà trong niềm vui.

Từ sự đi đầu của đảng viên

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Gia Cảnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tấn Long cũng là Đội trưởng tổ nhặt rác của ấp, cho biết, mô hình nhặt rác được người dân ủng hộ và tích cực tham gia. “Các thành viên tham gia là trên tinh thần tự nguyện, không có chế độ hay tiền bạc gì cả mà làm bằng cái tâm của mình. Hiểu được việc làm này, nhiều người xin gia nhập. Cứ thế, thành viên tổ nhặt rác của ấp ngày càng đông thêm”, ông Cảnh chia sẻ.

Rác được thu gom vào bao đưa đến địa điểm tập kết đúng quy định

Theo lãnh đạo địa phương, nơi triển khai thực hiện tổ nhặt rác đầu tiên ở xã là tại ấp Thanh Hiệp vào năm 2017. Khi đó, ở các khu dân cư và nhiều tuyến đường vẫn có nhiều rác gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Thấy vậy, một số đảng viên ở ấp đã bàn bạc, thống nhất tổ chức những đợt đi nhặt rác trong tuần. Nhìn thấy đảng viên gương mẫu, xung phong đi đầu nên quần chúng ủng hộ và nhiều người cũng tham gia. Vậy là tổ nhặt rác của ấp được thành lập.

Những đảng viên đi đầu đó phải kể đến là các ông Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã; Bùi Văn Được - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thanh Hiệp; chị Nguyễn Thị Thu Kiều - Bí thư Đoàn xã. Cũng chính nhờ tập hợp được các đoàn thể tham gia nên thành viên tham gia nhặt rác có đủ thành phần từ thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi. Ông Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ: “Góp chút sức mình làm sạch, đẹp cho địa phương, ai cũng thấy vui”.

Từ điểm khởi đầu ấp Thanh Hiệp, phong trào nhặt rác làm sạch, đẹp xóm, ấp ngày càng lan tỏa. Đến năm 2018, tổ nhặt rác được nhân rộng ở 7 ấp của xã, có gần 150 thành viên tham gia. Hiện các tổ được đổi tên mới là tổ thu gom, xử lý rác thải khu dân cư.

Theo lịch trình, 1 tuần, mỗi tổ sẽ tổ chức 1-2 lần đi nhặt rác ở các đường, khu dân cư trong ấp. Thời gian có thể là lúc 5, 6 giờ sáng hay lúc chiều xế. Còn vào những dịp lễ, các tổ còn tổ chức thêm những đợt đi nhặt rác. Từ khi có các tổ nhặt rác, môi trường ở xã được cải thiện rất nhiều. Ý thức và thói quen của người dân ở xã trong việc bảo vệ môi trường, để rác đúng nơi quy định được nâng lên.

Kể về những lần đi nhặt rác, bà Huỳnh Thị Hai nhớ lại: “Có lần, một người qua đường tưởng chúng tôi bị phạt bằng hình thức lao động nên dừng lại hỏi. Nghe chúng tôi giải thích nhặt rác làm sạch, đẹp xóm, ấp, người đó hiểu ra và vào quán mua nước cho chúng tôi uống để động viên. Cũng có người khi đi qua đường, dừng xe lại và xuống phụ giúp các thành viên nhặt rác. Còn người dân luôn thể hiện tình cảm trân trọng đối với việc chúng tôi làm”.

Ngoài việc nhặt rác làm sạch môi trường, các tổ cũng tận dụng thu gom được nhiều chai nhựa bán để làm nguồn kinh phí hoạt động. Từ nguồn kinh phí này, các thành viên còn đóng góp thêm để tổ chức những cuộc nấu ăn nhân dịp ngày lễ và mỗi năm đi du lịch một lần.

Năm 2015, xã Thanh Phú đã về đích xã nông thôn mới. Hiện xã được chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của huyện. Để về đích kế hoạch đề ra, rất cần những sự đóng góp, giúp đỡ của người dân, trong đó các thành viên trong tổ nhặt rác là một điển hình./.

"Những nghĩa cử, việc làm của những thành viên trong các tổ nhặt rác ở xã Thanh Phú rất đáng trân trọng. Phong trào, người dân thu gom rác ở xã Thanh Phú được huyện đánh giá cao. Chúng tôi đã có kế hoạch để tiến hành vận động người dân, các đoàn thể nhân rộng ra các xã khác trong huyện. Tiếng lành đồn xa, thời gian qua, có nhiều địa phương trong và ngoài huyện đến tìm hiểu, học tập để về thực hiện mô hình tổ nhặt rác”.

Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích