Tiếng Việt | English

08/04/2017 - 21:08

“Cha và con và...”

Những dòng sông muôn nơi chảy về Sài Gòn

Như thể một biến thể của “vô ngôn” theo chủ ý đầy dư vị của đạo diễn kiêm biên kịch Phan Đăng Di, dấu ba chấm trong tên phim “Cha và con và...” mênh mông biết nhường nào.

Trong dáng hình bàng bạc vẻ xa ngái, nó ngầm dự báo đến độc giả về một chuỗi số phận chưa thể gọi tên, về hàng loạt những câu chuyện chứa đầy biến cố khó nói hết chỉ trong đôi lời.

Chuyện phim tưởng chừng xoay quanh nhân vật chàng sinh viên ngành nhiếp ảnh tên Vũ, quê gốc miền Tây lên Sài Gòn trọ học nhưng kỳ thực, các nhân vật khác đều có những câu chuyện cuộc đời riêng và đều có đủ phân cảnh để “kể” với khán giả một cách tròn vẹn.

Đó là Thăng trong sự phân vai giữa hình ảnh một nhân viên pha chế kiêm một người bán thuốc, môi giới gái gọi ở vũ trường. Tình thế của anh chàng sở hữu vẻ ngoài điển trai này thường được dư luận xã hội gán cho cách giải thích có phần định kiến rằng thì vì là cách sống dễ dãi, đời sống buông thả và thái độ ngạo mạn.

Song, nếu để tâm chút ít về những hành động dấn thân của Thăng trong suốt bộ phim, khán giả dần giải mã những góc khuất nội tâm của chàng trai nam tính không quen biểu lộ này.

Đó là Vân - một vũ nữ cùng với Vũ và Thăng tạo nên mối tình tay ba kỳ lạ. Nhàm chán trước những mối quan hệ lỏng lẻo, sẵn sàng quấn lấy nhau khi cơn dục vọng bùng lên bộc phát, Vân có cảm tình và tìm cách quyến rũ cậu bé Vũ ngây thơ đương bước vào những rung cảm đầu đời.

Trớ trêu thay, dư vị từ những bài học tính dục đầu tiên mà Vũ học được từ Vân chỉ khiến cho 2 cuộc đời này thêm thân thiết như thể chị em - một mối quan hệ chị em đầy biến động. Để rồi, trong sự san sẻ rất đỗi chân thành cùng Vân, Vũ nói lên ước mơ âm ỉ trong sự giày xéo tâm tưởng bấy nay - một giấc mộng oan nghiệt được Thăng thấu hiểu nỗi lòng thương mến. Việc để nhân vật Vân tiếp nhận những xúc cảm tâm lý và khao khát nhục cảm ấy của Vũ bằng thái độ bình thản và đồng cảm như một vũ nữ chính hiệu cho thấy một thông điệp có phần nhẹ nhàng, không lên gân nhưng đầy tinh thần nhân đạo của Phan Đăng Di.

Đó là Tùng với vai diễn cuộc đời gắn bó cùng chiếc xe bán kẹo kéo dạo. Khả năng ca hát và biệt tài nhái giọng người nổi tiếng của Tùng không đủ giúp anh tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc nơi giảng đường.

Thay vào đó, cuộc đời nhấn chìm anh trong những trận quyết đấu cùng những kẻ thiếu tài năng nhưng thừa cú đấm - những tên bảo kê cho những công việc vốn dĩ chẳng kiếm gì được nhiều nhặn giữa đất Sài Gòn hoa lệ.

Đó là Cường với tình yêu nửa mù quáng, nửa bất cần. Sự kiện Cường đăng ký với bà chủ nhà trọ thắt ống dẫn tinh để mua cho bạn gái một chiếc điện thoại cục gạch khiến khán giả không khỏi suy nghĩ về phương thức mà những người trẻ phản ứng với cuộc đời, với tình yêu. Sự nghiệt ngã của dòng đời khiến họ chẳng thiết suy nghĩ cho những dung dị thường nhật. Sinh kế trở thành sự đùa nghịch tai quái của một Đấng Mơ Hồ với thành viên là những cuộc đời không lối thoát.

Đó là ông Sáu - cha của Vũ, người sẽ thua cuộc chính mình trong trò chơi trở thành một người cha hoàn hảo trước mặt con cái. Dù rất mực yêu thương con, luôn mong muốn con trở thành người đàn ông thực sự bằng cách ép hôn nhưng ông lại thiếu đi sự đồng hiểu cùng Vũ.

Trong những thước phim ở gần cuối, ông đối diện và chấp nhận với cơn khát dục vọng của bản thân. Con người, đơn giản chỉ là cần làm trọn phần việc hiện hữu của riêng mình. Ấy là sự đạt của bản thân, cũng là góp phần vào sự đạt của tất thảy xung quanh.

Chừng ấy nhân vật chơi vơi, chòng chành trên những dòng sông cuộc đời. Có rất nhiều phân cảnh về dòng sông được lặp lại để tạo nên một nỗi ám ảnh khó lòng bôi xóa nơi độc giả về hiện thực xã hội Sài Gòn những năm 90 của thế kỷ trước. Điều đáng nói là 20 năm trôi qua, nhưng dường như những dòng sông xưa vẫn còn đây không chút đổi thay, cải thiện,...

Không cần quá to tát khi cho rằng “Cha và con và...” là câu chuyện về hành trình thử thách đối mặt với vòng xoáy của mưu sinh, tình ái, bạo lực của những người trẻ; mà giản đơn thôi, “Cha và con và...” sẵn bày một cái đẹp trần trụi, gai góc và mãnh liệt với những cảnh quay sông rộng, trời dài,...

Một thủ pháp được Phan Đăng Di thực hiện nhằm xóa nhòa những hình thức tuyến nhân vật chính, phụ chính là không khí của những cảnh quay có nhiều nhân vật đối thoại, mà ở đây là những bối cảnh nhậu rất miền Tây (chầu nhậu vỉa hè Sài Gòn hay cuộc nhậu miệt vườn ở quê Vũ là ví dụ). Chính trong sự sắp đặt tất nhiên đặc thù ấy, mọi nhân vật đều có cơ hội thể hiện giọng điệu của mình.

Có thể nói, với bộ phim “Cha và con và...”, một lần nữa, Phan Đăng Di tạo nên những dấu ấn rất riêng trong sự nghiệp của anh./.

Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)

Chia sẻ bài viết