Tiếng Việt | English

17/04/2018 - 05:14

Những giọt mồ hôi thầm lặng phía sau sân khấu

Trong những chương trình ca nhạc, hội thi, hội diễn, ngoài vai trò của đạo diễn, sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên hoặc không chuyên,... còn có sự đóng góp thầm lặng của những người chuyên lo về âm thanh, ánh sáng, phục trang, tạp vụ,... Và những giọt mồ hôi thầm lặng của họ không phải ai cũng biết đến.

Những người đi trước, về sau

“Thông thường, khi tổ chức một sự kiện hoặc chương trình, người làm công tác hậu cần phải chuẩn bị trước ít nhất từ 1-2 ngày nhằm hạn chế sai sót xảy ra. Bởi, những sai sót của họ ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của chương trình. Chính vì vậy, người làm công tác hậu cần phải cẩn thận, chu đáo, trí nhớ tốt, nhanh nhẹn và nhiệt tình” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương nhận định.

Trong các chương trình, vai trò của âm thanh, ánh sáng rất quan trọng. Do đó, người phụ trách âm thanh, ánh sáng trong các chương trình không chỉ có tay nghề cao mà còn phải cần cù, chịu khó, nhất là nhanh trí xử lý tình huống. Ông Huỳnh Văn Vân, có hơn 20 năm phụ trách kỹ thuật âm thanh tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, chia sẻ: “Nhiều người mới nhìn cứ nghĩ công việc chỉnh âm thanh rất đơn giản, chỉ cần bấm nút là xong. Nhưng khi có sự cố xảy ra như micro không phát ra âm thanh, một trong các loa bị hư, các ca sĩ, nghệ sĩ không chuyên hát rớt nhịp,... thì người phụ trách âm thanh phải nhanh nhẹn và xử lý chính xác để chương trình được diễn ra tốt đẹp”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngàn - nhân viên tạp vụ Tổ Hậu cần Trung tâm Văn hóa tỉnh, những người làm trong Tổ Hậu cần phải đa năng, bởi họ được giao làm tất cả công việc như dàn dựng sân khấu, sửa bóng đèn, ống nước, ủi đồ, trang điểm,... Đặc biệt, những chương trình, sự kiện tổ chức ở các xã vùng sâu, vùng xa và sân khấu được dựng ngoài trời nhưng không may gặp mưa thì những người trong tổ vừa phải chuẩn bị chu đáo cho chương trình, vừa phải đội mưa bảo vệ các trang thiết bị, dụng cụ biểu diễn. Việc đi sớm, về khuya, ăn cơm “bụi”, ngủ “bụi” đối với chúng tôi là chuyện bình thường.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, dù vất vả nhưng ông Huỳnh Văn Vân

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, dù vất vả nhưng ông Huỳnh Văn Vân 

Nặng “nợ” với nghề

Có thể nói, phía sau ánh hào quang của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên hoặc không chuyên trên sân khấu, sự thành công của mỗi chương trình có những giọt mồ hôi và cả nước mắt của những người làm công tác hậu cần. Những ai đến với nghề bằng cái tâm, niềm đam mê thì mới gắn bó lâu dài.

Ông Huỳnh Văn Vân cho biết thêm: “Trong suốt 20 năm làm nghề, tôi gặp biết bao chuyện buồn. Đơn cử như có những cuộc thi, một vài thí sinh cho rằng, chúng tôi thiên vị thí sinh này, bỏ thí sinh kia nên ánh sáng, âm thanh, trang phục, đạo cụ chưa được đầu tư. Thế nhưng, chúng tôi làm việc bằng cái tâm nên việc thiên vị là không bao giờ xảy ra. Bên cạnh những chuyện buồn, anh em hậu cần chúng tôi cũng có nhiều niềm vui. Tôi nhớ gần đây, có một thí sinh khi chạy chương trình thì quên trước, quên sau, nhưng khi thi lại đoạt giải nhất nên chạy xuống ríu rít cảm ơn người này, người kia. Với anh em chúng tôi, như vậy là đủ hạnh phúc rồi!”.

Niềm vui, hạnh phúc của những người làm công tác hậu cần còn là việc được đi nhiều, biết nhiều. Anh Mai Duy Phương - nhân viên kỹ thuật phụ trách ánh sáng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, bộc bạch: “Làm nghề này, tôi không chỉ biết nhiều về kỹ thuật mà còn biết rất nhiều kiến thức trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Bởi, nghề này phục vụ nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài ra, tôi còn được đi tham quan rất nhiều nơi, nếu làm nghề khác thì chưa chắc có cơ hội”.

Để một chương trình thành công rực rỡ, những người làm công tác hậu cần âm thầm đổ nhiều giọt mồ hôi sau bức màn nhung. Những sự cống hiến thầm lặng ấy xứng đáng được chúng ta ghi nhận và tôn vinh./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích