Tiếng Việt | English

29/10/2018 - 11:17

Những hạt nhân ở biên giới - Bài 1: Trở về với đời thường

Mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, công việc khác nhau, có thể là đảng viên hoặc là quần chúng nhưng họ luôn sống trách nhiệm, có nhiều đóng góp, việc làm tốt góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH, quốc phòng ở mảnh đất biên giới thân thương - nơi họ đang cư trú. Theo Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, những nhân vật trong bài phóng sự này chính là hạt nhân tiêu biểu, điển hình ở vùng biên giới đầy nắng, gió.

Ông Nguyễn Minh Dân luôn trăn trở với sự học của con em vùng biên

Ông Nguyễn Minh Dân luôn trăn trở với sự học của con em vùng biên

Mảnh đất biên giới chẳng còn xa lạ, ngược lại, trở nên thân thương với những người lính biên phòng. Cũng vì mến mảnh đất này, có người, sau khi trở về với cuộc sống đời thường đã quyết định ở lại mảnh đất biên giới làm những cư dân bản địa, sống mẫu mực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển địa phương.

“Ông Dân khuyến học”

Ông “Dân khuyến học” tên là Nguyễn Minh Dân (SN 1940), quê ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Từ năm 1961, ông gia nhập quân đội; giai đoạn 1987 đến 1990, ông là Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Cuối năm 1990, ông trở về cuộc sống đời thường với cấp hàm Trung tá và gắn bó tại mảnh đất biên giới xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng (đây cũng là quê vợ của ông).

Thập niên 90, ở xã Hưng Điền A khó khăn về mọi mặt, khi đó, lực lượng cán bộ thiếu hụt, nhất là những người có nhiều kinh nghiệm, uy tín cao, am hiểu biên giới. Thế là, ông được huyện gửi lời mời vào công tác ở xã. Được tín nhiệm, từ năm 1990 đến 2015, ông đã trải qua các vị trí: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã.

Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thúc đẩy xã vùng biên phát triển. Những thay đổi đó thể hiện bằng những tuyến đường mới, mở rộng đường, cầu bêtông vững chắc và đời sống người dân ngày càng cải thiện, nâng cao. Thế nhưng, quãng thời gian làm công tác khuyến học từ 2009 đến 2015 vẫn để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên.

“Làm công tác khuyến học có đặc thù riêng, rất khó. Muốn làm tốt thì phải yêu, mến trẻ, trăn trở với sự học của các em, phải nắm bắt được hoàn cảnh, nguyên nhân vì sao gia đình đó có con em bỏ học, nghỉ học giữa chừng. Nắm bắt được lý do rồi thì đi xuống tận nơi tâm sự, vận động, giải thích, thuyết phục nhiều lần” - ông Dân chia sẻ.

Thời gian ông mới làm Chủ tịch Hội khuyến học, xã Hưng Điền A có tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao. Sau khi tìm hiểu, ông rút ra nguyên nhân rằng, hầu hết con em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình nghèo, một số phụ huynh chưa xem trọng việc học của con em,... Thế rồi, bằng tâm huyết và khả năng thuyết phục của Trung tá Dân, nhiều phụ huynh hiểu ra, cho con trở lại trường lớp. Khi vận động được học sinh trở lại lớp, ông Dân đến trường gặp gỡ ban giám hiệu, thầy, cô giáo nhắn nhủ “giúp đỡ, động viên các em học tập”.

Sau khi đưa học sinh trở lại lớp, ông về, đi gõ cửa tìm nguồn vận động để giúp các em học tập. Mỗi năm, ông cùng các thành viên Hội Khuyến học vận động các cá nhân, tổ chức trao tặng bình quân 20 chiếc xe đạp và hàng ngàn quyển tập, áo quần, hàng chục suất học bổng. Ông còn trích một số tiền lương hưu để mua hàng chục phần quà tặng học sinh nghèo. Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học, ông cùng các thành viên vận động xây dựng duy trì nguồn quỹ khuyến học 150 triệu đồng. Số tiền này được gửi ngân hàng và rút ra khi cần để tiếp sức các em đến trường.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền A - Nguyễn Văn Diện bày tỏ: “Trong thời gian làm công tác khuyến học, ông Dân đưa phong trào khuyến học, khuyến tài ở xã lan tỏa sâu, rộng và đứng đầu huyện. Ông Dân đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ học sinh bỏ học ở xã, đến nay chỉ còn 2%. Hiện không còn tham gia công tác ở xã nhưng ông vẫn rất tích cực trong các hoạt động, phong trào ở địa phương, vận động những người quen để giúp học sinh nghèo”.

Bây giờ, nhiều người vẫn thuộc lòng lời ông Dân thường nói khi đi vận động: “Học, học nữa, học mãi. Cán bộ phải không ngừng học, như thế mới có kiến thức để điều hành, quản lý, vạch ra phương hướng tốt, sát thực tế, hợp lòng dân. Còn làm ruộng cũng phải học để biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, lợi nhuận cao”.

Những lời góp ý chân thành

Ông Võ Văn Nào (68 tuổi), quê huyện Đức Hòa, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng Long Khốt. Vì tình cảm dành cho mảnh đất biên giới, năm 1982, khi nghỉ theo chế độ, ông cùng vợ, con ở lại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng sinh sống, làm ruộng. Trong một thời gian, ông còn tham gia công tác ở xã với vị trí Trưởng Công an xã rồi làm Bí thư Chi bộ ấp.

“Những năm tháng công tác trong lực lượng biên phòng cho tôi nhiều kỷ niệm. Dù khó khăn, gian khổ nhưng tình cảm quân - dân gắn bó mật thiết, keo sơn. Chính thời gian trong quân đội đã trui rèn tôi trưởng thành” - ông Nào chia sẻ. Có lẽ vì suy nghĩ đó nên câu nói “nhờ dân nuôi, Đảng dạy” luôn được ông Võ Văn Nào nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Giờ đây, xã Thái Bình Trung - nơi ông Nào đang sinh sống, thay đổi rất nhiều. Xã đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới, năng suất sản xuất ngày càng tăng, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm,... được đầu tư xây dựng khá khang trang. Dù không còn tham gia công tác ở xã nhưng ông vẫn luôn thể hiện trách nhiệm với xóm, ấp bằng những đóng góp chân thành, làm tuyên truyền viên tích cực.

Trước áp lực công việc nhiều, chế độ đãi ngộ thấp, ông Nào thường động viên cán bộ cố gắng làm việc tốt, vì nhân dân phục vụ. Ông thẳng thẳn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để chính quyền địa phương có giải pháp khắc phục. Những đóng góp nhẹ nhàng, trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển của xã nên cán bộ thấy đúng, hiểu chuyện cũng không phiền lòng, tự giác sửa sai.

Ông Võ Văn Nào luôn có nhiều trăn trở và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quê hương

Ông Võ Văn Nào luôn có nhiều trăn trở và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quê hương

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Nguyễn Văn Oanh, ở ông Nào luôn là sự nhiệt tình, trách nhiệm, trăn trở với xã hội. Mỗi lần hội họp, ít người dân tham gia, ít phát biểu ý kiến thì ông Nào vẫn thường nói cán bộ xã phải tìm hiểu rõ vì sao, có phải do nội dung chưa thu hút, tuyên truyền chưa đến nơi, người dân ít quan tâm hay là còn nguyên nhân nào khác để có hướng khắc phục. Hay về vấn đề buôn lậu ở biên giới, ông Nào vẫn thường đề nghị với bộ đội biên phòng phải quyết liệt đấu tranh, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân cùng tham gia phòng, chống buôn lậu. Ông còn nhắn nhủ các cấp chính quyền, đoàn thể cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm để người dân nghèo có thu nhập ổn định, từ bỏ buôn lậu.

Đặc biệt, là người công tác nhiều năm trong lực lượng biên phòng, am hiểu về biên giới nên ông Nào luôn nhắc nhở người dân bảo vệ đường biên, cột mốc. “Chủ quyền biên giới, lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm nên mình phải có trách nhiệm với chính quyền, các lực lượng để bảo vệ” - ông Nào thường trao đổi với người dân như thế.

Với tính thẳng thắn nên ông Nào luôn lên tiếng mỗi khi phát hiện những điều “trái tai, gai mắt”. Bà Nguyễn Thị Hương - người dân ở ấp Trung Trực, kể, vừa rồi nhìn thấy có người cầm bịch rác vứt xuống kênh, ông phê bình ngay. Hay mới đây, có trường hợp dựng xe trên Đường tỉnh 831C, ông liền phân tích về nguy cơ dễ gây tai nạn giao thông và yêu cầu phải dắt xe vào lề./.

(còn tiếp)

Bài 2: Những nông dân đi đầu

Lê Đức

Chia sẻ bài viết