Tiếng Việt | English

01/11/2018 - 11:22

Những hạt nhân ở biên giới - Bài cuối: Gần dân, bám sát địa bàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, công việc khác nhau, có thể là đảng viên hoặc là quần chúng nhưng họ luôn sống trách nhiệm, có nhiều đóng góp, việc làm tốt góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH, quốc phòng ở mảnh đất biên giới thân thương - nơi họ đang cư trú. Theo Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, những nhân vật trong bài phóng sự này chính là hạt nhân tiêu biểu, điển hình ở vùng biên giới đầy nắng, gió.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh còn được biết đến là người giỏi ngoại ngữ Campuchia

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh còn được biết đến là người giỏi ngoại ngữ Campuchia

Với nhiệm vụ được phân công, nhiều năm công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) các anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiền (SN 1974) là một trong những người giỏi ngoại ngữ Campuchia nhất trong lực lượng biên phòng tỉnh khi có thể đọc và viết thành thạo; còn nói đến Thiếu tá Nguyễn Văn Hô (SN 1973), đồng đội đều biết đó là sĩ quan vận động quần chúng xuất sắc.

Người nói tiếng Campuchia “như gió”

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiền (SN 1974) hiện là một trong những người giỏi nhất về ngoại ngữ Campuchia đang công tác trong lực lượng biên phòng tỉnh Long An. Anh thường xuyên có mặt làm phiên dịch viên tiếng Campuchia trong các cuộc hội họp, giao lưu.

“Sau khi vào công tác trong lực lượng được 3 năm, đến năm 1997, tôi được Đồn biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây đưa đi đào tạo viết, nói ngôn ngữ Campuchia ở TP.HCM. Sau này, tôi còn được bồi dưỡng thêm qua các cuộc tập huấn do Biên phòng, Sở Ngoại vụ tổ chức. Học ngôn ngữ Campuchia rất khó nên mình phải thường xuyên tự học; một phương pháp học rất quan trọng, giúp ích cho mình nhanh hiểu nhất chính là trực tiếp tiếp xúc với người dân Campuchia” - anh Tiền thổ lộ về việc “bén duyên” với ngôn ngữ Campuchia và cách học tập của mình.

Vì có khả năng đọc, viết thành thạo ngôn ngữ Campuchia nên anh Tiền rất thuận lợi khi làm việc, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, trao đổi thông tin, phối hợp người dân, chính quyền, lực lượng chức năng nước bạn Campuchia,... Từ biết tiếng Campuchia mà cán bộ, người dân 2 nước khi trao đổi với nhau cũng hiểu, xích lại gần nhau hơn.

Cũng nhờ nói tiếng Campuchia “như gió” nên anh Tiền là MC quen mặt trong các lần tổ chức hội thi Nét đẹp vùng biên (thí sinh của các xã biên giới 2 nước tham gia). Có nhiều lần đi công tác, nhiều người Campuchia cứ tưởng anh cùng dân tộc với họ chứ không biết anh là người Việt Nam. Do tiếp xúc thường xuyên với người dân Campuchia nên anh được họ dành nhiều tình cảm quý mến. Những người lớn tuổi ở Campuchia gặp anh vẫn thường gọi thân thiết là “Tà Thiền” (dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “thân quen”); trong khi đó, những người nhỏ tuổi lại gọi anh thân thương là “Pu Tiên” (dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “chú Tiền”).

Sống, làm việc chung đơn vị với anh Tiền nên nhiều cán bộ, chiến sĩ ở đồn Mỹ Quý Tây cũng được anh chỉ dạy những ngôn ngữ Campuchia cơ bản để áp dụng trong quá trình làm việc, tiếp xúc, trao đổi với chính quyền, lực lượng và nhân dân Campuchia. Câu mà cán bộ, người dân 2 bên gặp nhau nói nhiều nhất mà chúng tôi nghe được trên tuyến biên giới này chính là “samaki”, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “đoàn kết”.

Với khả năng viết và nói rất tốt ngôn ngữ Campuchia, Thiếu tá Tiền là một trong những người có nhiều đóng góp cho công tác ngoại giao, đối ngoại giữa người dân, chính quyền, lực lượng vũ trang 2 bên biên giới ở tuyến Đức Huệ. Từ đó, người dân 2 bên càng hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của mỗi bên để tôn trọng, cùng ra sức bảo vệ đường biên, cột mốc, lãnh thổ quốc gia, bình yên biên giới.

Người vận động quần chúng xuất sắc

Năm 1993, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây tiếp nhận Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hô về Đội Vận động quần chúng. Bây giờ, người thanh niên trẻ tuổi năm xưa đã là thiếu tá có nhiều kinh nghiệm, dày dạn trong công tác. Nói đến anh, nhiều người dân ở 2 xã biên giới Mỹ Quý Đông và Mỹ Quý Tây nhận xét: “Thiếu tá Hô rất hiền, vui tính, gần gũi với người dân”. Còn đồng đội thì đánh giá, đó là người vận động quần chúng xuất sắc.

Qua nhiều năm công tác tại đồn, vùng biên giới Đức Huệ chẳng còn xa lạ, các đường mòn, lối mở đều in hằn dấu chân anh trong những lần đi vào dân vận động, tuyên truyền,... Nhờ cách tuyên truyền, vận động mềm dẻo, linh hoạt, có lý, có tình nên được người dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. “Đi vận động, tuyên truyền thì phải kiên trì, bình tĩnh, nắm vững các chủ trương, chính sách...” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hô chia sẻ.

Từ những người như Thiếu tá Hô, các chủ trương, chính sách,... được truyền tải kịp thời đến người dân. Người dân cũng sẵn sàng chia sẻ, cung cấp nguồn tin ở cơ sở để chính quyền, biên phòng nắm bắt kịp thời, có hướng giải quyết nhanh chóng. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, người dân cung cấp cho đồn 71 tin, trong đó có 20 tin giá trị cao.

Ngoài những nghiệp vụ vận động, tuyên truyền nằm lòng qua nhiều năm công tác thì Thiếu tá Hô vẫn thường nói “có lúc phải tùy cơ ứng biến”. Khi đi vận động, tuyên truyền thì không phải chỉ trong giờ hành chính mà cả vào buổi trưa, buổi tối, bởi thời điểm này, người dân mới ở nhà. Tuyên truyền nhiều khi không chỉ qua hội họp, sinh hoạt mà có lúc ở quán cà phê, chợ. Cũng có khi đi vận động còn mua theo quà để tặng,...

“Muốn tuyên truyền, vận động thành công thì cần phải lê la nắm bắt thực tế, tình hình. Bởi như thế, mình sẽ hiểu rõ được nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán để có phương pháp giải thích, vận động phù hợp hơn” - Thiếu tá Hô chia sẻ thêm.

Trước đây, đường giao thông trên biên giới cách trở, khó khăn nên nhiều lần, anh phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ đến nhà dân để vận động, tuyên truyền; có những vụ việc bám trụ cả tháng dưới dân tuyên truyền mà không về đồn, về nhà. Như năm 2000, lũ lớn, sau khi xuống tuyên truyền, anh đã ở lại cả tuần giúp dân thu hoạch lúa, dọn đồ, gia cố nhà cửa.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hô (bên trái) được người dân quý mến, tin yêu

Thiếu tá Nguyễn Văn Hô (bên trái) được người dân quý mến, tin yêu

Không những vậy, ở địa bàn biên giới Đức Huệ là điểm nóng buôn lậu, nhất là mặt hàng thuốc lá. Trong đó, có nhiều người dân ở địa phương tham gia buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu. Vì thế, ngoài bắt giữ, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo pháp luật thì phải tuyên truyền, vận động họ từ bỏ. Có những lần, vừa vào nhà để vận động, Thiếu tá Hô nghe người buôn lậu lớn tiếng: “Đi buôn lậu là chuyện của tao, bị bắt thì đi tù!”. Mỗi lần như thế, anh Hô vẫn bình tĩnh để có cách vận động, thuyết phục để họ hiểu.

Bây giờ, hoạt động buôn lậu ở địa bàn Đức Huệ giảm mạnh, không còn công khai, gây bức xúc như trước. Có thời điểm, ở 2 xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, thành phần tham gia các hoạt động buôn lậu nhiều nhất là 100 người nhưng hiện chỉ còn trên 15 người. Theo Thiếu tá Hô, sau khi vận động được họ từ bỏ buôn lậu, anh lại về tham mưu với đồn, kiến nghị với chính quyền địa phương, đoàn thể tìm biện pháp giúp đỡ, như hỗ trợ vốn chăn nuôi,...

Sau nhiều năm đi tuyên truyền, vận động, anh Hô đón nhận được nhiều tình cảm của người dân. Tuy nhiên, anh nhớ nhất là nhờ đi vận động, tuyên truyền trong dân mà anh được một gia đình quý mến rồi đồng ý gả con gái (nay là vợ anh).

Những nhân vật trong bài viết này là những hạt nhân tiêu biểu, điển hình ở vùng biên giới của tỉnh. Họ là những người luôn sống có trách nhiệm, có nhiều đóng góp, việc làm tốt góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH, quốc phòng ở vùng biên giới./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết