Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 20:58

Những “hướng dẫn viên du lịch chân đất” đặc biệt của Quảng Ninh

Là những nhà nông chính hiệu nhưng mỗi khi có khách du lịch tới, những người nông dân ở xã Yên Đức lại trở thành những hướng dẫn viên phục vụ du khách.

Anh Nguyễn Văn Hiển là nông dân ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, nhưng đồng thời cũng là nhân viên của Hợp tác xã làng quê Yên Đức - một mô hình du lịch cộng đồng đang dần trở nên quen thuộc với du khách trong nhiều năm trở lại đây.

Là vùng quê trù mật, giàu truyền thống cách mạng của Đệ tứ chiến khu Đông Triều, Yên Đức quê anh không chỉ có phong cảnh thanh bình, những cánh đồng lúa yên ả mà còn nổi bật với nhiều di tích, danh thắng khác như chùa Cảnh Huống, hang 73, những ngọn núi mang tên giản dị núi Thóc, núi Mèo, Chuột... thêm vào đó là lợi thế nằm trên tuyến đường từ Hà Nội tới Hạ Long.

Từ năm 2011, Yên Đức bắt đầu được Công ty du thuyền Đông Dương đưa vào khai thác, trở thành điểm du lịch làng quê hấp dẫn, đặc biệt với khách phương Tây. Du khách tới đây được tham gia tour trải nghiệm trở thành người nông dân Việt Nam, cùng cấy lúa trồng rau, úp nơm bắt cá, được nghỉ ngơi trong những ngôi nhà Việt 3 gian 2 chái đặc trưng Bắc bộ, cùng xem múa rối nước, nghe hát quan họ, tham quan những ngôi nhà cổ gần 200 tuổi.

Những "hướng dẫn viên du lịch chân đất" của Quảng Ninh

Anh Hiển chia sẻ, lúc đầu khi du lịch mới đến thì người làng lạ lắm, không hiểu người ta tìm về nơi thôn dã này làm gì. Ai được hỏi mua cái ao bèo, mảnh ruộng cũng rất ngạc nhiên, chần chừ. Nhưng nay thì đã khác, nhận thấy những lợi ích to lớn từ du lịch, người nông dân Yên Đức đã mạnh dạn hơn với "nghề mới".

Anh Hiển chia sẻ: “Trước đây tôi làm nghề nông, khi chuyển sang du lịch mới đầu cũng nghĩ là không thể làm được, có cái khó khăn nhưng chúng tôi rất cố gắng. Bản thân chúng tôi bình thường người ta gọi là dân quê, nhưng khi vào đây thì chúng tôi cũng được chỉnh đốn, học cách giao tiếp từ ánh mắt nụ cười đến phong thái, ăn mặc rất gọn gàng để khách đến đây có ấn tượng tốt về làng của chúng tôi”.

Hợp tác xã làng quê Yên Đức có 30 nhân viên thì cả 30 người đều có thể làm công việc phục vụ khách. Một người có thể sáng vừa đón khách, lái xe điện, trưa đã vào phục vụ buồng, làm bếp nấu các món ăn quê, rồi đã thấy xúng xính áo tứ thân hát quan họ, khéo léo điều khiển rối nước, đon đả hướng dẫn khách gói bánh chưng, bánh trôi, xuống ao úp nơm bắt cá.

Du khách trải nghiệm úp nơm bắt cá dưới sự hướng dẫn của người dân

Chị Nguyễn Thị Hương, một trong những hướng dẫn viên chính đồng hành cùng khách quốc tế trong hành trình ở Yên Đức, tự tin trò chuyện với khách bằng thứ Tiếng Anh thuần thục. Nhờ khả năng của mình, chị được hợp tác xã giao mở lớp dạy những đồng nghiệp nông dân khác, giúp họ giới thiệu những điều tuyệt vời nhất của quê mình với khách: “Việc dạy Tiếng Anh rất khó khăn, nhưng khi mọi người cảm thấy nói chuyện với khách rất vui, rất thú vị thì ai cũng cố gắng học tập. Chính những người dân ở đây cũng đều ngạc nhiên về bản thân họ, bây giờ họ có thể nói Tiếng Anh, vui vẻ trò chuyện với khách. Khách cũng cảm thấy thú vị vì họ được gần gũi với người dân hơn”.

Làm du lịch, người nông dân Yên Đức được đãi ngộ thích hợp, có bảo hiểm, lương ổn đinh trung hình 3 triệu/người/tháng, lại được đào tạo thường xuyên để nâng cao khả năng của mình. Chị Dương Thị Mến, chủ nhiệm Hợp tác xã Yên Đức cho biết: “Chúng tôi chọn nhân viên ở địa phương sẽ lợi thế hơn người nơi khác bởi chỉ có họ mới hiểu nhất từ đường đi nước bước cũng như lịch sử, văn hóa. Khi dẫn khách người địa phương có thể “thổi hồn”, cho khách biết đến kỹ càng hơn về quê hương họ”.

Từ chỗ phải kêu gọi làm du lịch, từ suy nghĩ ban đầu "làm du lịch để có thu nhập ổn định", người Yên Đức đã dần dần thay đổi nhận thức. Không chỉ kinh tế của người dân khấm khá hơn, tác động tích cực từ du lịch cũng giúp "nếp làng" được duy trì, lối sống văn hóa mới được hình thành. Về Yên Đức hôm nay, đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ, phong quang, những công trình sinh hoạt văn hóa được xây dựng, người dân luôn giữ nụ cười, thái độ thân thiện mỗi khi du khách ghé thăm.

Những ngôi nhà đặc trưng Bắc bộ làm nơi nghỉ ngơi cho khách là điểm nhấn của du lịch làng quê Yên Đức

Từ những nông dân "chân đất", giờ đây, người Yên Đức đã thực sự trở thành người làm du lịch ngày một chuyên nghiệp hơn, góp phần tất yếu vào sự thành công của mô hình du lịch quê mình. Trung bình mỗi năm, xã đón tới khoảng 8.000 lượt khách, trong đó có nhiều người quay lại lần thứ 2, thứ 3 và được đón tiếp như người thân trong gia đình.

Anh Jay Garret, khách du lịch từ Australia nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì khả năng của những người nông dân ở đây. Họ tiếp đón rất nhiệt tình và chuyên nghiệp khiến tôi cảm thấy mình trở nên rất đặc biệt. Chắc chắn tôi và gia đình sẽ quay trở lại môt ngày không xa”.

Sắp tới, làng quê Yên Đức sẽ mở rộng thêm mô hình homestay – du khách sẽ sinh hoạt trong chính ngôi nhà của những người làng. Mọi người dân Yên Đức đều sẽ có cơ hội để tham gia vào du lịch cộng đồng, không chỉ cải thiện thu nhập gia đình mà còn góp phần xây dựng môi trường quê hương văn mình, giàu đẹp hơn. Kết nối được đông đảo cộng đồng, Yên Đức sẽ là mô hình du lịch bền vững, là điểm đến độc đáo lý thú của Quảng Ninh, ngoài kỳ quan vịnh Hạ Long xinh đẹp./.

Trường Giang/VOV - Đông Bắc
 

 

Chia sẻ bài viết