Tiếng Việt | English

30/05/2017 - 20:07

Những kỹ sư áo yếm của đảo Phan Vinh

Trước đây, đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa chỉ là một doi cát cuốn theo chiều sóng, di chuyển theo mùa trên bãi cạn san hô. Toàn đảo chỉ có sỏi đá, cát trắng, san hô và bạt ngàn nắng, gió nhưng bằng bàn tay, khối óc, những người giữ biển làm đảo hồi sinh và bật lên sức sống mãnh liệt.

Chiến sĩ trên Đảo Phan Vinh A chăm sóc vườn rau xanh

Để cây trồng, vật nuôi thích ứng với thời tiết khắc nghiệt

Chúng tôi được những người ở đảo kể lại rằng, có được hòn đảo xanh tươi như hôm nay phải kể đến công lao của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tâm huyết với đảo.

Mỗi người ra đảo làm nhiệm vụ, ai cũng trăn trở với những công việc còn dang dở nên khi trở về đất liền, họ đều chủ động học hỏi kinh nghiệm để những chuyến ra đảo tiếp theo, ngoài mang theo tình yêu, lòng dũng cảm, họ còn mang theo cả kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để xây dựng đảo.

Đây là lần thứ 2, Thượng tá Ngô Đình Xuyên - Chỉ huy trưởng, ra đảo Phan Vinh công tác. Lần đầu ra đảo, anh và đồng đội luôn băn khoăn, trăn trở: Ở đảo trồng được cây xanh, nuôi được chó nhưng anh em vẫn thèm nghe tiếng gà cục tác. Thời tiết khắc nghiệt của đảo thật khó nuôi gia cầm. Sau khi tìm hiểu, anh Xuyên và đồng đội mới vỡ ra nhiều điều: Gia súc, gia cầm đều phải thích nghi dần với môi trường thì mới có thể tồn tại.

Thế là anh bàn với CBCS phải nhân giống gia cầm để chúng lớn lên trong nắng gió Trường Sa! Vậy là, một cuộc thử nghiệm diễn ra. Và rồi, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, gà, vịt được CBCS nuôi trên đảo dần thích nghi với môi trường khí hậu nên bắt đầu sinh sản,... Đến nay, trên đảo Phan Vinh, mỗi lúc chiều xuống, rộn vang tiếng gà cục tác, tiếng heo eng éc đòi ăn,...

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Văn Giang - nhân viên làm nhiệm vụ trên đảo, được mệnh danh là người chăn nuôi giỏi nhất hiện nay. Anh cho biết, “bí quyết” là ai có kinh nghiệm về loại gia súc, gia cầm nào sẽ được ưu tiên chăm sóc loại ấy. Đặc biệt, anh em còn chọn và “huấn luyện” gà mái ấp trứng vịt. Và hiện nay trên đảo, mẹ gà - con vịt... rất nhiều.

Nuôi nhiều gia súc, gia cầm nên CBCS trên đảo rất chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Khu chuồng trại được dọn vệ sinh sạch sẽ và bố trí dưới những tán bàng. Trong các chuồng đều rải một lớp cát dày khoảng 5-7cm, sau 1 tuần lại thay cát mới. Làm như vậy, chuồng trại vừa sạch sẽ, vừa giữ được vệ sinh chung. Không chỉ quan tâm đến môi trường, CBCS quan tâm đến phòng dịch cho gia súc, gia cầm, che gió, chắn mặn cho vật nuôi theo mùa.

Nhờ tài chăn nuôi và chăm sóc khéo léo của CBCS, hiện tại, đảo có vài chục con chó, hàng trăm con gia cầm: Gà, vịt nước mặn, chim cút, chim bồ câu,...

Nông sản khá phong phú nơi đảo xa

Cũng giống như các đảo xa khác thuộc huyện đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh hội đủ những khó khăn: Thiếu đất màu, thiếu nước ngọt, thời tiết khắc nghiệt,... nhưng CBCS ra sức biến mảnh đất sỏi đá, khô cằn trở nên màu mỡ.

Đặc biệt, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tặng đảo nhà vòm trồng rau công nghệ cao, CBCS tự tay làm thêm được 2 nhà vòm tương tự. Đến nay, rau xanh trên đảo được trồng theo từng khu vực. Nơi trồng rau muống, mồng tơi, cải xanh, nơi làm giàn cho bầu, bí, mướp, thậm chí đảo còn trồng được lá lốt, lá mơ, tía tô, rau húng,...

Giờ đây, trên đảo Phan Vinh, mùa nào thức nấy, rau luôn có sẵn trong vườn. Nói thì dễ vậy nhưng công lao bỏ ra chăm sóc rau xanh của bộ đội thật không dễ dàng.

Giàn mướp trên Đảo Phan Vinh A đang độ sai trái

Nhờ biết nắm bắt thời tiết và lựa chọn rau xanh trồng theo từng mùa vụ cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi nên từ đầu năm 2016 đến nay, toàn đảo thu hoạch gần 11.000kg rau xanh, trên 2.000kg thịt các loại. Ngoài tiêu chuẩn ăn theo quy định, đảo còn bổ sung vào bữa ăn cho bộ đội từ 150.000-200.000 đồng/người/tháng.

Đời sống bộ đội trên đảo được cải thiện chính là điều kiện thuận lợi để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Chúng tôi tin, CBCS trên đảo Phan Vinh không chỉ huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao mà còn là những kỹ sư nông nghiệp mang áo yếm của đảo./.

Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết