Tiếng Việt | English

18/05/2017 - 04:25

Những "Kỹ sư" - nông dân

Từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm máy móc, thiết bị hiện đại, có tính ứng dụng cao, góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi,... Dù không bằng cấp nhưng với niềm đam mê sáng tạo, họ được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương “kỹ sư nông dân”.

Từ phục vụ nhu cầu tại địa phương...

Với niềm đam mê sáng tạo, thấu hiểu được nỗi vất vả của nông dân, qua thời gian tìm tòi, ông Trần Văn Chữ (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) chế tạo thành công máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ sức khỏe.

Máy phun thuốc bảo vệ thực vật của ông Trần Văn Chữ góp phần giải quyết thiếu hụt lao động tại địa phươngChiếc máy có 4 bánh, 2 bánh sau là bánh chủ động, chạy bằng động cơ dầu hoặc xăng. Phía sau là hệ thống giàn phun thuốc gồm 2 cần phun có chiều dài từ 16-20m, ít hao thuốc và được phun đều, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa. Với hệ thống máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật này, mỗi hécta lúa chỉ mất khoảng 30 phút để phun, trong khi phun thủ công phải mất đến 5-6 giờ. Nhớ lại những ngày đầu nghiên cứu, sáng tạo ra chiếc máy, ông Chữ chia sẻ: “Thời gian đầu rất khó khăn bởi mình không có vốn, do đam mê sáng chế và thấy việc trồng lúa của người dân địa phương còn phụ thuộc quá nhiều vào sức người. Chính vì thế, tôi quyết tâm sáng chế và cho ra đời chiếc máy này để giúp nông dân giảm sức lao động, tăng thu nhập”.

Chiếc máy được nông dân ủng hộ vì tiện lợi, giá thành phù hợp. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng - Hồ Văn Bún cho biết: “Chúng tôi hết sức hoan nghênh nông dân Trần Văn Chữ sáng chế thành công máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài lợi ích về kinh tế, máy phun này góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân, giải quyết tình trạng thiếu lao động ở địa phương, giảm lao động chân tay cho nông dân”.

...Đến cung cấp rộng rãi trên thị trường

Mặc dù không qua trường lớp đào tạo, không có bất kỳ bằng cấp nào nhưng với niềm đam mê sáng tạo, nông dân Trần Trọng Đức (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) mày mò, nghiên cứu và sáng chế thành công chiếc máy phun vôi bột 3 chức năng. Sau gần 3 năm miệt mài nghiên cứu đến năm 2013, chiếc máy phun vôi 3 trong 1 mang thương hiệu Trần Trọng Đức chính thức được vận hành. Máy có trọng lượng khoảng 13- 14kg và chạy bằng động cơ xăng, 1ha chỉ tốn khoảng 1 lít nhiên liệu. Máy cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: Hộc chứa nguyên liệu, động cơ và vòi phun. Máy có thể phun tầm xa gần 10m.

 Ông Trần Trọng Đức vinh dự là 1 trong 17 nông dân tiêu biểu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh có sáng kiến sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016

Ông Đức chia sẻ: “Qua thực tế sản xuất cho thấy, vôi bột có nhiều tác dụng đối với cây trồng nhưng việc rải vôi bột rất khó khăn và nguy hiểm cho người, bên cạnh đó, nó còn làm mất thời gian; việc thường xuyên tiếp xúc với vôi ảnh hưởng đến sức khỏe”. Cũng theo ông Đức, nếu như trước đây, với 1ha đất lúa phải mất 4-5 giờ để rải vôi bằng tay, khi chiếc máy phun này đưa vào sử dụng, chỉ cần 45 phút là có thể hoàn thành. Ngoài ra, còn tiết kiệm được một lượng vôi lớn so với cách rải truyền thống.

Ngoài khả năng phun vôi, máy còn phun được cả phân và giống vì cấu tạo có 2 ngõ riêng. Hơn nữa, loại máy này còn ứng dụng trên các loại cây: Cà phê, thanh long, chanh, đu đủ,... và nhiều cây trồng khác. Sau khi máy phun được bán trên thị trường, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh mua về sử dụng. Tính đến nay, ông bán được hơn 700 máy và nhận được khoảng 1.000 đơn đặt hàng.

Hiện chiếc máy phun vôi của ông được Sở Khoa học và Công nghệ Long An hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và được bán rộng rãi trên thị trường. Từ những đóng góp hữu ích trong việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, vừa qua, ông Trần Trọng Đức vinh dự là 1 trong 17 nông dvân tiêu biểu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh Nông dân có sáng chế, sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016. Ngoài ra, sáng kiến này cũng đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ IV, năm 2015-2016.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Phạm Minh Hùng cho biết: Các đề tài sáng chế của nông dân trong thời gian qua đều có ý tưởng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của nông dân trong quá trình lao động hàng ngày. Sự sáng tạo của nông dân trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất và được ứng dụng rộng rãi. Những sáng chế, cải tiến này góp phần nâng cao năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy nền nông nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết