Tiếng Việt | English

27/02/2019 - 10:38

Những lão nông “bám” đường biên, cột mốc

Những lão nông sống ở vùng biên giới của tỉnh Long An luôn ý thức trong việc giữ gìn đường biên, cột mốc. Bằng nhiều hành động, việc làm cụ thể, họ đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, chính quyền địa phương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Bé Bảy (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) - lão nông tiêu biểu được tuyên dương nhiều năm liền vì có thành tích tốt trong việc giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc

Ông Nguyễn Văn Bé Bảy (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) - lão nông tiêu biểu được tuyên dương nhiều năm liền vì có thành tích tốt trong việc giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc

Biên giới là nhà

Về xã biên giới Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn Bé Bảy, ngụ ấp Rạch Mây, hầu như hộ dân nào cũng biết. Bởi, ông không chỉ siêng năng, chịu khó làm ăn, sống hòa đồng, gần gũi, hay giúp đỡ bà con hàng xóm mà còn là “hạt nhân” tiêu biểu cùng với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Với giọng hào sảng, nụ cười thân thiện, ông Bảy tiếp chúng tôi và mở đầu câu chuyện của mình. Năm 1982, ông theo gia đình khai hoang vùng đất Đồng Tháp Mười và bén duyên với mảnh đất biên giới Tuyên Bình từ đó. Những năm ấy, biên giới còn khá khó khăn, mọi người hầu như di chuyển bằng xuồng, tắc ráng vì nhiều nơi chưa có đường giao thông. Dù vất vả như thế nhưng với ý chí, quyết tâm cộng với tính cần cù, chịu thương, chịu khó, ông từng bước vượt qua, tạo dựng cho gia đình một cơ ngơi ổn định, kinh tế bảo đảm từ hai nguồn chính là trồng lúa và làm đại lý nước uống, nước đá trên địa bàn.

Từ những ngày về vùng đất biên giới, bản thân ông cũng như gia đình luôn ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương của đất nước. “Sống ở biên giới, ai cũng vậy, xem đường biên, cột mốc là nhà của mình và tự có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Biên giới bình yên thì người người, nhà nhà vui vẻ, hạnh phúc” - ông Bảy vui vẻ nói. Trước đây, đường giao thông còn khó khăn, ông Bảy thường hỗ trợ xuồng cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi tuần tra, kiểm tra khu vực giáp ranh nước bạn. Bây giờ, điều kiện đi lại thuận lợi, ông hỗ trợ thông tin mỗi khi thấy dấu hiệu nghi ngờ hoặc người lạ xuất hiện và phối hợp lực lượng đi tuần tra. Ông Bảy cho biết: “Ruộng của gia đình nằm sát đường biên, hàng ngày đi thăm đồng, tôi đều chú ý quan sát, theo dõi tình hình xung quanh để báo tin kịp thời. Tôi tham gia đầy đủ các hoạt động cùng địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Ngoài ra, những nơi nhạy cảm, tôi hỗ trợ vào xem tình hình để thông tin cho bộ đội biên phòng có giải pháp kịp thời nếu có đối tượng xấu tuyên truyền, xuyên tạc sai quan điểm hoặc kích động, gây rối”.

Đại úy Đậu Hồng Lam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình, đánh giá ông Bảy là một trong những người dân tiêu biểu, tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ biên giới. Hàng năm, ông Bảy đều được tuyên dương vì có thành tích tốt trong phối hợp đơn vị giữ gìn, bảo vệ biên giới.

Trách nhiệm của chính mình

Tạm chia tay ông Bảy, chúng tôi men theo Đường tỉnh 831 về thị xã Kiến Tường. Dọc hai bên đường, cờ hoa phất phới, người dân tấp nập thu hoạch lúa - kết quả sau những ngày bỏ công sức ra làm. Điểm dừng chân của chúng tôi là xã biên giới Bình Hiệp, để viết tiếp câu chuyện về những lão nông “bám” đường biên, cột mốc. Qua sự giới thiệu của địa phương, bộ đội biên phòng, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Sum, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, để tìm hiểu rõ hơn về con người cũng như việc làm, hoạt động thiết thực bảo vệ biên giới của ông.

Với ánh mắt đầy tự hào, phấn khởi trước những đổi thay tích cực của quê hương, ông hào hứng chia sẻ những việc làm của mình cùng địa phương, các đơn vị trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia. Gia đình ông nhiều đời sinh sống, làm ăn tại vùng đất này. Hơn ai hết, ông hiểu được vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc. Thuận lợi của ông là người bản địa nên am hiểu tường tận về vùng biên giới này và dễ dàng nhận ra có người lạ xuất hiện trên địa bàn hay những điều lạ. Bên cạnh đó, ruộng của gia đình ông nằm sát cột mốc biên giới nên thuận lợi trong việc quan sát tình hình xung quanh để thông báo với địa phương, bộ đội biên phòng có giải pháp kịp thời nếu tình huống bất ngờ xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Sum (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) chia sẻ câu chuyện về việc “bám” biên giới

Ông Nguyễn Văn Sum (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) chia sẻ câu chuyện về việc “bám” biên giới

Ông Sum cho biết: “Đường biên, cột mốc biên giới gắn liền với chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Mỗi người phải có trách nhiệm và ra sức giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Tôi cũng như người dân ở đây đều ý thức được vấn đề này nên luôn phối hợp chặt chẽ, tham gia tất cả công tác để giữ ổn định nơi biên cương. Tôi và gia đình tích cực tuyên truyền cho mọi người xung quanh về ý thức chấp hành những quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, tôi còn trau dồi kiến thức, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Thời gian tới, tôi tiếp tục chung tay cùng địa phương, bộ đội biên phòng bảo vệ, giữ vững an ninh, trật tự, ổn định nơi biên giới. Ngoài ra, tôi và gia đình sẽ nỗ lực làm việc, phát triển kinh tế để góp phần làm cho quê hương thêm giàu mạnh”.

Qua những câu chuyện về cuộc sống, việc làm, hành động của những lão nông biên giới, chúng ta có dịp hiểu thêm về vùng biên giới, về cách họ sống, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Tin tưởng tinh thần ấy tiếp tục được người dân những nơi này giữ vững, phát huy, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết