Tiếng Việt | English

06/02/2017 - 13:52

Những lương y không nhận lương

Xem nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình, lấy niềm vui, sức khỏe của người bệnh là động lực để tiếp tục cố gắng, nhiều năm qua, những lương y khám bệnh từ thiện trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vẫn ngày đêm cống hiến chẳng màng vật chất, lợi ích của riêng mình.


Lương y Lê Văn Thành Thuận (bên phải) hết lòng phục vụ bệnh nhân

Gần 15 năm nay, sáng thứ 6 hàng tuần, trụ sở nhỏ của Hội Chữ thập đỏ huyện Thủ Thừa lại nhộn nhịp hơn! Bệnh nhân, người ra, kẻ vào tấp nập, những người phụ việc cũng tất bật ghi danh, bưng bê, gói thuốc. Tiếng hỏi thăm lẫn nhau của người bệnh hòa cùng lời căn dặn ân cần của người thầy thuốc.

Đến đây, mọi người đều cảm nhận được những tình cảm ấm áp, chân thành, chẳng chút vướng bận lo toan tiền nong, chi phí. Giàu, nghèo, già, trẻ, tất cả đều không có sự phân biệt. Điều đặc biệt là người bệnh chẳng phải chi bất cứ khoản tiền nào, chỉ cần khai rõ bệnh, thầy thuốc sẽ đo huyết áp, bắt mạch, kê toa. Ai nấy đều trật tự đợi đến lượt mình, chẳng tranh giành, chen lấn.

Chủ tịch Hội Đông y xã Mỹ Phú - lương y Nguyễn Vinh Quang cho biết: “Tôi khám bệnh tại Phòng thuốc Nam miễn phí của Hội Chữ thập đỏ huyện Thủ Thừa từ những năm đầu mới thành lập. Trong hơn 25 năm làm nghề y, tôi luôn tâm niệm phải lấy y đức phục vụ bệnh nhân. Người nghèo vốn khó khăn, khi mắc bệnh lại càng khó khăn hơn. Mình không có tiền bạc thì chỉ có thể giúp họ vượt qua bệnh tật, có sức khỏe lo cho cuộc sống”.

Dù tuổi cao nhưng hàng tuần, lương y Nguyễn Vinh Quang xếp lịch khám bệnh, bốc thuốc định kỳ tại các xã: Long Thạnh (thứ 2), Long Thuận (thứ 3), Long Thành (thứ 4), Mỹ Phú (thứ 5), Hội Chữ thập đỏ huyện Thủ Thừa (thứ 6), còn 2 ngày cuối tuần thì ông khám bệnh miễn phí tại nhà hoặc đi sưu tầm thuốc. Ở độ tuổi “thất thập”, sức khỏe hạn chế hơn trước nhưng khi có người bệnh yêu cầu, ông đều đến tận nơi khám bệnh, không ngại đường sá xa xôi. Hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng rất khó khăn, ấy vậy mà ông cảm thấy mình rất giàu, giàu vì tình thương của mọi người, giàu lòng sẻ chia, đồng cảm, giàu tình người với người.

Bà Hồ Thị Ngọc Ánh, ở ấp 3, xã Mỹ Thạnh cho biết: “Tôi bị cao huyết áp, nóng gan, nhờ duy trì điều trị tại Phòng thuốc Nam của Hội Chữ thập đỏ huyện mà huyết áp tôi ổn định. Những thầy thuốc, kỹ thuật viên ở đây dù không nhận thù lao nhưng rất nhiệt tình, đông bệnh nhân nhưng ai cũng niềm nở, quan tâm như người thân trong gia đình”.


Dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng lương y Nguyễn Ngọc Đơn luôn tận tình với bệnh nhân nghèo

Chủ tịch Hội Đông y xã Bình An - lương y Nguyễn Ngọc Đơn cũng không ngoại lệ. Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, ông quyết tâm theo nghề y từ năm 16 tuổi. Đến nay, dù gia đình vẫn còn “thiếu trước, hụt sau”, ông vẫn thấy lòng thanh thản vì giúp đỡ được nhiều người. Bên cạnh khám bệnh tại Hội Đông y xã Bình An, lương y Nguyễn Ngọc Đơn sẵn sàng đến tận nhà những người già neo đơn, người không có khả năng đi lại dù bản thân ông tuổi cao, sức khỏe bắt đầu suy giảm.

Một lương y “không lương” khác gắn bó cùng Phòng thuốc Nam chùa Kim Thọ (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) hơn 12 năm chính là Chủ tịch Hội Đông y xã Nhị Thành - lương y Lê Văn Thành Thuận. Dù tuổi đời ở ngưỡng “thất thập” nhưng ông vô cùng hoạt bát, nhanh nhẹn. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Đạt dù không phải thầy thuốc nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ chồng gói thuốc, giúp đỡ, hướng dẫn bệnh nhân nghèo. Kinh tế gia đình ổn định, con cái trưởng thành nên ông bà có thời gian phục vụ bệnh nhân. Phòng khám này mở cửa vào thứ 7 hàng tuần và tiếp nhận khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh/ngày. Nhiều bệnh nhân đến từ những nơi xa như Long Thuận, Long Thạnh (Thủ Thừa), Đức Huệ, cũng có người ở tận Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ,... tìm đến phòng khám.

Hạnh phúc của những lương y không nhận lương vô cùng đơn giản, chỉ cần sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, mau chóng hồi phục. Với họ, không gì quý bằng những phút giây làm việc thiện, được giúp đỡ mọi người. Cứu người, giúp người chẳng mong hồi đáp, bệnh nhân khỏe mạnh, không còn bệnh tật là món quà lớn nhất, là niềm vui, động lực để những lương y tiếp tục mang kiến thức của bản thân phục vụ cộng đồng./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết