Tiếng Việt | English

26/04/2017 - 20:30

Những năm tháng không quên!

Ở vùng kháng chiến xưa (khu Rừng Xanh Tân Phước) nay thuộc ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An người dân khu vực vẫn nhớ chuyện 2 mẹ con má Bảy cắn răng chịu đòn, không khai báo hầm trú ẩn của cán bộ cách mạng. Nay má Bảy (Lê Thị Bê) 80 tuổi, bồi hồi kể lại những năm tháng không quên ấy.

Một lòng theo Đảng

Mẹ Việt Nam Anh Hùng (MVNAH) Lê Thị Bê nhớ lại: “Lúc đó, ở quê tôi gọi là vùng Rừng Xanh Tân Phước, xung quanh, cây cối rậm rạp, khu vực ấp 5 tương đối cao so với xung quanh và mọc nhiều cây bần nên gọi là khu Bần Cao, đây là khu vực địch tự do thỏa sức bắn phá, càn quét. Tôi còn nhớ rõ, ngày chồng tôi, liệt sĩ Võ Văn Xê thoát ly vào năm 1961, rồi từ đó không trở về nữa, tôi năm ấy được kết nạp vào Đảng với lời hứa “Một lòng trung thành, còn sống là còn tham gia cách mạng, chết thì thôi”. Khi địch biết gia đình má Bảy tham gia cách mạng, chúng thường xuyên hạch sách, tra hỏi.

Má Bảy xúc động kể lại những năm tháng máu lửa trong chiến tranh

Má Bảy nhớ lại: “Hôm đó, chúng đi càn vô nhà tôi, rồi một tên lính đi ra ngoài sông, mượn xuồng không may trúng trái nổ, chúng nghi ngờ, bắt hết gia đình ra tra tấn. May mà lúc đó, gia đình có đào hầm nuôi giấu cán bộ cấp cao của huyện nhưng đặt cách xa nhà nên chúng chỉ khui được một hầm ở trong nhà có chứa tài liệu và cây súng của chị Tư Sen (huyện ủy viên). Bọn lính bắt người dân xung quanh khu vực gom vô nhà tôi. Chúng tra tấn tôi và con trai, nếu tôi khai ra người nào thì chúng sẽ bắt ngay người đó”. Giặc dùng mọi hình thức, thủ đoạn ác độc để tra tấn, khai thác má Bảy nhưng má quyết không khai nửa lời, chỉ nói một câu: “Tôi không biết, chỉ nghe đứa cháu thoát ly đi ngang qua nói chị Tư Sen bị thương nặng, gửi lại bộ đồ và cây súng”.

Con trai út duy nhất còn sống của má là anh Võ Văn Phở lúc đó hơn 10 tuổi bị lính đấm đá không biết bao nhiêu lần. Anh Phở kể: “Bọn lính nói, nếu mày khai má mày nuôi giấu ai thì tao sẽ thả ngay”; nhưng do được má dặn dò kỹ nên anh Phở không nói nửa lời, chỉ nói “Tôi hổng biết gì hết!”.

Nhiều cán bộ cách mạng sau đó kể lại, họ đều rất lo lắng, lúc ấy, nếu 2 mẹ con má Bảy chịu đòn không nổi, khai ra thì không biết ra sao? Sau khi tra khảo không được gì, địch đưa má cùng một số cán bộ "nằm vùng" ra Côn Đảo và mãi đến ngày 30/4/1975 mới được trở về với gia đình. Má Bảy vẫn nhớ như in những ngày tháng khốc liệt, đó là vào những năm 1973-1975. Tại đây, địch bắt tù chính trị phải chào cờ quốc gia và bước qua cờ Đảng, vào những ngày đó, má nhất quyết không ra chào cờ, viện mọi lý do để không bao giờ phải bước qua lá cờ Đảng mà má và các đồng chí nguyện sẽ trung thành đến hơi thở cuối cùng.

Vùng kháng chiến xưa đã khởi sắc

Anh Phở nhớ lại: “Sau này, một số người ở tù chung nhờ má xác nhận là có thời gian ở tù Côn Đảo để hưởng chế độ nhưng má quyết không xác nhận vì má biết rõ, họ vi phạm lời thề thiêng liêng. Vì run sợ trước kẻ thù, có người chào cờ quốc gia và bước qua cờ Đảng”.

Sống những ngày tháng thanh bình

Mẹ ruột của MVNAH Lê Thị Bê là bà Trần Thị Đào (đã mất) được Nhà nước phong tặng danh hiệu MVNAH, mẹ chồng là bà Trần Thị Giao - MVNAH (đã mất) có 3 con trai là liệt sĩ, trong đó có ông Võ Văn Xê - chồng má Bảy hy sinh năm 1968 trong một trận đánh vào Sài Gòn.

Hiện nay, má Bảy sống cùng gia đình người con trai út và các cháu nội, ngoại. Má được Nhà nước phong danh hiệu MVNAH vì có chồng và người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Các con, cháu của má Bảy có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; gia đình má được Công ty Thuốc lá Long An hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa khang trang./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết