Tiếng Việt | English

07/05/2017 - 10:36

Những ngày bên Bác của người chiến sĩ Điện Biên

Mỗi khi nhắc đến những năm tháng được sống bên Bác, ông Hoàng Văn Hiển, sinh năm 1935, là người con xứ Nghệ, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại cư xá phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An xem đó là quãng đời đẹp nhất của mình.

Ông Hoàng Văn Hiển, sinh năm 1935, là người con xứ Nghệ, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại cư xá phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An.

Trong kháng chiến chống Pháp, 16 tuổi, ông tình nguyện theo bộ đội. Thời gian sau được biên chế vào đơn vị bộ đội chính quy, ông trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày chiến thắng (07/5/1954).

Sau đó, một vinh dự không ngờ đến với ông - ông được cấp trên lựa chọn vào đội quân danh dự, trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt, vinh dự ấy (1954-1958), ông được đi học đại học, ra trường công tác tại Bộ Công nghiệp (khu gang thép Thái Nguyên).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, do yêu cầu công tác, ông được điều động vào Long An tăng cường cho đội ngũ cán bộ khoa học địa phương. Đến năm 1991, ông nghỉ hưu.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng từ ngày về hưu, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, ông còn viết báo, làm thơ ca ngợi cuộc sống.

Mỗi khi nhắc đến những năm tháng được sống bên Bác, ông xem đó là quãng đời đẹp nhất của mình. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bồi hồi nhớ lại:

“Khi chính thức được nhận nhiệm vụ đặc biệt “bảo vệ lãnh tụ”, tất cả anh em chúng tôi ai cũng xúc động, vinh dự, tự hào. Không ai bảo ai nhưng trong lòng không tránh khỏi giây phút âu lo vì nhiệm vụ quá mới mẻ, to lớn đối với mình.

Tại Phủ Chủ tịch (tòa nhà cũ của viên toàn quyền Pháp) dù đầy đủ tiện nghi nhưng Bác không hề đụng đến. Thường ngày, Bác vẫn mặc bộ bà ba màu nâu dân dã, chân đi đôi dép lốp từ khi còn ở chiến khu. Tranh thủ đôi lúc rảnh rỗi, Bác tập trung chúng tôi lại. Bằng chất giọng xứ Nghệ ấm áp, truyền cảm, Bác chỉ bảo những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thật cần thiết cho lính trẻ chúng tôi: Từ lời ăn, tiếng nói khi tiếp xúc với dân; phải lễ phép ra sao, khiêm tốn thế nào, phải tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán đến cách đi đứng trong cơ quan, ngoài đường đến cả việc thường ngày như khi thể dục, đánh răng, rửa mặt,... chẳng khác gì người cha hiền chỉ bảo đàn con thương yêu.

Mỗi khi nhận được tiền nhuận bút viết báo từ Liên Xô, Bác đều gửi hết cho chúng tôi, Bác nói: “Nhiều no, ít đủ, Bác không có nhiều tiền, số tiền này tặng cho các chú thêm vào mua con giống. Cố gắng tăng gia để đơn vị có thêm cá, thịt bồi dưỡng sức khỏe...”. Chúng tôi nhận từ tay Bác đồng tiền nhỏ nhoi nhưng tràn đầy ý nghĩa, càng thấm thía về sự quan tâm sâu sắc của Bác, lòng thầm hứa phải cố gắng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ...”.

Biết bao kỷ niệm thật sâu sắc trong những năm tháng được vinh dự sống bên Bác được ông Hoàng Văn Hiển nhớ lại. Ông nói rằng, những lời chỉ bảo ân cần, những việc làm và nhân cách sống, tấm gương đạo đức sáng ngời của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu đã giúp ông - một người lính bình thường, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, được trưởng thành, được đi học và trở thành người cán bộ, đảng viên.

Và ông luôn tâm nguyện: “Suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hàng ngày./.

Ngọc Lộc
(Ghi theo lời kể của ông Hoàng Văn Hiển) Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Văn Hiển
 

Chia sẻ bài viết