Tiếng Việt | English

29/04/2019 - 08:10

Những người đi qua cuộc chiến

Tháng 4 về! Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp đến thăm những người lính năm xưa từng trực tiếp tham gia chiến đấu để cùng ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc.

Với ông Phan Văn Tươi, những năm tháng hoạt động cách mạng là kỷ niệm mà  suốt cuộc đời không thể nào quên

Với ông Phan Văn Tươi, những năm tháng hoạt động cách mạng là kỷ niệm mà suốt cuộc đời không thể nào quên

Những năm tháng không quên

Qua giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chúng tôi gặp cựu chiến binh Phan Văn Tươi vào một ngày cuối tuần giữa tháng 4 lịch sử. Trong căn nhà ấm cúng nép mình bên một con hẻm nhỏ ở ấp Tân Điền, đón chúng tôi là người đàn ông ngoài 65 tuổi với vóc dáng khá gầy gò nhưng nhanh nhẹn và gần gũi. Khi được hỏi về những năm tháng hoạt động cách mạng, ông Tươi bảo rằng, đó là những kỷ niệm mà suốt đời này không thể nào quên được.

Ông Tươi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng với cha, bác và cậu ruột đều tham gia kháng chiến, còn mẹ và em gái thì tiếp tế lương thực và nuôi giấu cán bộ. Năm 1968, người thiếu niên Phan Văn Tươi chỉ vừa tròn 14 tuổi đã tham gia du kích hoạt động bí mật tại địa phương. Lúc này, ấp Tân Điền nơi ông và gia đình sinh sống là địa bàn bị địch chiếm đóng. Nhiệm vụ của ông là đào hầm nuôi giấu cán bộ và nắm tình hình để báo cho quân ta ở căn cứ vào tiêu diệt địch.

Dù quãng thời gian tham gia cách mạng không dài, chỉ vỏn vẹn 7 năm nhưng trong ngần ấy thời gian, ông cùng các anh em thuộc tiểu đội du kích đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng, giúp quân ta đánh thắng nhiều trận, góp phần tiêu hao sinh lực địch ở vùng ven thành phố. Bản thân ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Nhắc về những kỷ niệm khi chiến đấu, ông Tươi không khỏi bùi ngùi, năm 1969, trong một lần về căn cứ để sinh hoạt, quân ta không may bị giặc phục kích khiến 4 người hy sinh, 5 người bị thương nặng. Tuy quân địch cũng bị tiêu diệt khá nhiều nhưng nhìn cảnh đồng đội hy sinh, ông càng thêm căm hận lũ giặc bạo tàn, từ đó, ý chí chiến đấu trong ông càng bừng lên mạnh mẽ. 

Sau khi hòa bình lập lại, năm 1975, ông được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Long Thượng kiêm Trưởng Công an xã. Đến năm 1985, ông xin nghỉ về nhà làm kinh tế. Năm 1993, được địa phương động viên, ông ra làm trưởng ấp và tiếp tục cống hiến cho quê nhà. Từ năm 2013-2015, với vai trò Trưởng ấp Tân Điền, ông vận động người dân hiến đất mở đường, kéo điện, nước, xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Dù công tác ở cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, trong vai trò hội viên cựu chiến binh, thành viên Mặt trận ấp, ông luôn tận tình giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, vận động người dân thực hiện nếp sống mới, đoàn kết, gắn bó ở khu dân cư. 65 tuổi đời và 33 năm tuổi Đảng, người lính Cụ Hồ - Phan Văn Tươi luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, được nhân dân kính trọng.

Quyết tâm chiến đấu đến cùng

Thấm thoát 44 năm trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trải qua biết bao thăng trầm, người lính Cụ Hồ năm xưa, Trung tá Nguyễn Văn Tôi, ngụ ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, nay đã bước sang tuổi 85. Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, có những chuyện không còn nhớ rõ nhưng ký ức về một thời hoa lửa, được kề vai sát cánh chiến đấu cùng đồng đội vẫn đầy ắp trong tâm trí của người lính già.

Vừa nhanh tay pha trà, ông Tôi vừa kể về những ngày tháng chiến đấu năm xưa. Cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, trước cảnh quân thù tàn phá quê hương, ông tham gia cách mạng như một lẽ tự nhiên. Năm 1956, ông bắt đầu làm công tác mật tại địa phương, chịu trách nhiệm nắm tình hình địch để báo cho bộ đội ta. Những năm này, Mỹ lê máy chém khắp miền Nam hòng tiêu diệt lực lượng cộng sản nhưng ông không hề khiếp sợ hay nao núng, vẫn quyết tâm chiến đấu và hoạt động ngay trong lòng địch.

Năm 1961, bị giặc bắt đi lính nhưng ông không chịu nên vào vùng giải phóng, tiếp tục hoạt động bí mật. 2 năm sau, ông thoát ly gia đình, tham gia vào lực lượng bộ đội tỉnh Kiến Tường, làm công tác quân báo. Ông Tôi nhớ lại: “Trong suốt những năm binh nghiệp của mình, tôi tham gia khá nhiều trận đánh và cũng bị thương không ít lần nhưng trận đánh mà tôi nhớ nhất có lẽ là trận Ông Nhan (xã Bình Hiệp). Trong trận này, nhờ được cung cấp tin tức chính xác, quân ta dù chỉ có 18 người nhưng tiêu diệt được 33 tên địch”.

Ông Nguyễn Văn Tôi bồi hồi nhớ lại quá trình tham gia chiến đấu

Ông Nguyễn Văn Tôi bồi hồi nhớ lại quá trình tham gia chiến đấu

Năm 1978, lúc này ông đang là Phó ban Quân báo, tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, đến năm 1989 thì về nước và nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức, nhất là các hoạt động của cựu chiến binh. Từ năm 1990 đến năm 2006, ông được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Trong vai trò mới, ông luôn quan tâm chăm lo hội viên, tạo điều kiện giúp họ phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, ông còn gương mẫu hiến đất, góp tiền và vận động người dân tham gia xây cầu, làm đường, góp sức xây dựng quê hương.

Mỗi lần nhắc đến những năm tháng chiến đấu với quân thù để bảo vệ Tổ quốc, trên gương mặt những người lính già vẫn không giấu được niềm xúc động. Có lẽ, những ký ức ấy sẽ mãi in sâu trong tâm trí họ như một minh chứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết