Tiếng Việt | English

20/11/2018 - 15:14

Những người “đưa đò” tận tụy - Bài 2: Người mẹ thứ hai của học sinh

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi, những thầy giáo, cô giáo luôn yêu nghề, mến trẻ, dạy học bằng cả cái tâm và cống hiến hết sức mình vì học sinh thân yêu. Họ như những con đò âm thầm, lặng lẽ đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.

Những thầy giáo, cô giáo có thâm niên gắn bó với nghề 20 năm trở lên đều trải qua một thời gian khó, đặc biệt là tại các trường thuộc vùng sâu, vùng xa. Và để kiên trì bám trụ, giáo viên phải nhiệt huyết, giữ lửa nghề và thương học sinh như những đứa con của mình. Một trong những nhà giáo như vậy là cô Lê Thị Hồng Liễu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học Lê Văn Rỉ, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Cô Lê Thị Hồng Liễu

Cô Lê Thị Hồng Liễu

4 giờ sáng đi bộ đến trường

Năm 1996, cô Liễu được về nhận công tác tại Trường Tiểu học Bình Hòa Nam (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) và dạy ở một điểm lẻ của trường. Thời ấy, Đức Huệ còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại rất vất vả, với giáo viên ở các điểm lẻ càng khó hơn. Khoảng cách từ nhà cô Liễu đến điểm trường là 16km và chỉ có thể đi bộ vì đường là những mô đất lỏm chỏm được múc lên từ con kênh nội đồng. Ấy vậy mà, cô Liễu vẫn không bỏ lớp, bỏ học sinh mà luôn kiên trì bám trụ với nghề.

Cô Liễu tâm sự: “Vì đi bộ nên tôi phải dậy rất sớm, cứ 4 giờ sáng là bắt đầu rời nhà để đến lớp. Vào mùa mưa, con đường ấy như dài thêm vài cây số”.

Ngoài đường đi khó khăn, điều kiện dạy và học của trường cũng còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, bàn, ghế cũ được tận dụng lại. Đa số học sinh thuộc diện gia đình nghèo, thiếu dụng cụ học tập. Điều kiện vui chơi của các em cũng không có, chỉ quanh quẩn với những trò chơi dân gian: Trốn tìm, ô ăn quan, nhảy lò cò,...

Cô Liễu kể: “Có lần, tôi thấy học sinh đi học đem theo cái giỏ bàng nhưng trưa lại không thấy đâu. Tìm hiểu, tôi mới biết, gia đình cho các em mang theo để đổi bánh ăn trong giờ ra chơi. Học sinh nghèo như vậy đó! Điều kiện dạy học cũng khó khăn lắm nhưng tôi không có ý định bỏ nghề dù chỉ một lần. Thấy các em đi tìm “con chữ” quá vất vả mà vẫn ngoan, hiền, chịu khó và nghĩ đến hoàn cảnh của mình ngày xưa cũng vậy, tôi càng thương các em hơn. Tôi đặt hết tâm huyết vào công tác giảng dạy với mong muốn giảm phần nào sự thiệt thòi của trẻ vùng sâu”.

Và lửa nghề vẫn luôn rực cháy dù cô Liễu có chuyển sang Trường Tiểu học Lê Văn Rỉ hay khi điều kiện dạy và học tốt hơn. Với cô, học trò luôn là những đứa con mà mình phải tận tâm dạy chữ, rèn người.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Trong giảng dạy, cô Liễu luôn chú trọng phương pháp. Cô luôn đổi mới và lựa chọn những phương pháp phù hợp với từng nội dung bài học, đối tượng học sinh và luôn lấy học sinh làm trung tâm trong mọi tiết dạy.

Cô Liễu cho biết: “Tôi áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới. Trong đó, tôi tâm đắc phương pháp tổ chức hoạt động trò chơi cho học sinh. Tôi chia lớp làm 2 đội, nội dung chơi là những kiến thức học sinh học trên lớp. Kết thúc trò chơi, đội thắng cuộc được tuyên dương bằng những tràng pháo tay của cả lớp; đội thua cuộc được cô động viên và giải thích, hướng dẫn lại để có đáp án đúng. Hiệu quả phương pháp này là phát huy tính sáng tạo, năng động và tinh thần đoàn kết của học sinh”.

Ngoài ra, cô Liễu còn thường xuyên sáng tạo đồ dùng dạy học để áp dụng vào các phương pháp giảng dạy, góp phần tăng sự hứng thú học tập của học sinh. Những vật liệu cô lựa chọn để làm đồ dùng thường là những thứ có sẵn của địa phương, phế phẩm,... nhờ vậy, ít tốn kém và gần gũi với học sinh. Trong đó, cô làm các bảng vần, bảng cộng, bảng trừ phát cho tất cả học sinh và phụ huynh. Có các bảng này, học sinh dễ học, dễ nhớ và phụ huynh biết cách hướng dẫn ôn tập cho con em mình tại nhà.

Cô Liễu đặc biệt quan tâm học sinh tiếp thu bài còn chậm

Cô Liễu đặc biệt quan tâm học sinh tiếp thu bài còn chậm

Bên cạnh đó, cô Liễu cũng chú trọng phụ đạo học sinh chưa theo kịp bài. Trên lớp, cô theo sát các em này, đặt câu hỏi dễ và ưu tiên các em phát biểu. Khi các em tiến bộ, cô luôn khen ngợi, động viên tinh thần. Cô cũng phối hợp phụ huynh để rèn thêm các em ở nhà.

Không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức, cô Liễu còn quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách từng học sinh. Cô lồng ghép kể những câu chuyện, gương thực tế để các em rút ra những bài học bổ ích. Cô Liễu cũng dạy học sinh các kỹ năng sống cần thiết: Khả năng tự phục vụ, kiến thức về an toàn giao thông, biết ứng xử lễ phép với người lớn,...

Nhờ dạy học bằng cái tâm người thầy và luôn xem học sinh là những đứa con của mình, những thế hệ học trò lớp cô Liễu không chỉ ngoan, lễ phép mà còn học giỏi. Những nỗ lực ấy của cô được ghi nhận bằng nhiều thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bằng khen của UBND tỉnh và đặc biệt năm 2017, cô Liễu vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.

(còn tiếp)

Bài 3: Dạy học bằng cả cái tâm người thầy

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết