Tiếng Việt | English

21/11/2018 - 14:29

Những người “đưa đò” tận tụy - Bài 3: Dạy học bằng cả cái tâm người thầy

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi, những thầy giáo, cô giáo luôn yêu nghề, mến trẻ, dạy học bằng cả cái tâm và cống hiến hết sức mình vì học sinh thân yêu. Họ như những con đò âm thầm, lặng lẽ đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.

32 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Kim Nương - giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Tân Phước Tây, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An luôn hết lòng, tận tụy với nghề, với học sinh (HS). Bởi, theo cô Nương, người thầy có trách nhiệm vô cùng lớn lao, vừa dạy “lễ”, vừa dạy “văn”, góp phần đào tạo những công dân có kiến thức, nhân cách tốt. Do đó, cô Nương luôn dạy học bằng cả cái tâm người thầy để từng thế hệ học trò của mình có đủ đức, đủ tài phụng sự quê hương.

Cô Nguyễn Thị Kim Nương

Cô Nguyễn Thị Kim Nương

Phát huy tính tự học của học sinh

Cô Nương quan niệm, HS muốn học giỏi, khắc sâu kiến thức thì phải tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy. Do đó, cô thay đổi phương pháp dạy theo hướng đổi mới. Tùy vào nội dung, kiến thức bài học, cô áp dụng phương pháp dạy phù hợp. Những phương pháp ấy có điểm chung là phát huy tính tự học của HS. Các em là người chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Giáo viên chỉ là người gợi ý, hướng dẫn và bổ sung kiến thức.

Một trong những phương pháp đó là đặt câu hỏi tình huống trong học tập. Đó cũng là câu hỏi lớn của bài học, cần HS tìm hiểu, khám phá. Theo đó, cô Nương luôn lựa chọn câu hỏi mở, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, bảo đảm theo yêu cầu phù hợp với trình độ và gây mâu thuẫn nhận thức, từ đó kích thích tính tò mò, thích tìm tòi, nghiên cứu của HS.

Cô Nương chia sẻ: “Trong câu hỏi lớn, tôi đặt thêm những câu hỏi nhỏ để gợi ý nội dung từng vấn đề. Sau một loạt câu hỏi gợi ý, HS tìm ra được đáp án cho câu hỏi lớn. Thông qua cách học này, HS rèn luyện kỹ năng quan sát và nhận biết bằng câu hỏi; phát triển kỹ năng tư duy nhờ phân tích, tổng hợp các câu hỏi nhỏ lại với nhau; biết vận dụng kiến thức được học vào cuộc sống hàng ngày”.

Nhờ thay đổi phương pháp dạy, HS của cô Nương có sự chuyển biến rõ rệt. Các em có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn tốt hơn; phát huy tính tự học, tự đặt ra mục tiêu học tập để nỗ lực, phấn đấu. Đặc biệt, HS biết hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin có sẵn, biết đề xuất giải pháp hay, thay thế những giải pháp không còn phù hợp trong quá trình học tập.

Quan tâm học sinh yếu, học sinh cá biệt

Ngoài tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, cô Nương còn đặc biệt quan tâm HS yếu, HS cá biệt. Đầu năm học, cô chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về mọi mặt của HS lớp mình để có biện pháp giáo dục phù hợp nhằm giúp các em tiến bộ.

Đối với HS yếu, cô Nương luôn quan tâm, theo sát mức độ hiểu bài và sẵn sàng giảng kỹ lại những phần các em chưa hiểu. Cô cũng thường xuyên cho các em trả lời những câu hỏi dễ, giúp các em thêm mạnh dạn, tự tin trước tập thể lớp và hứng thú học tập hơn.

Riêng HS cá biệt, cô Nương tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư của từng em và có hướng giúp đỡ cụ thể. Cô tâm sự: “Với những HS này, các em rất nhạy cảm. Giáo viên phải chân thành quan tâm và kiên nhẫn khuyên nhủ; khen ngợi, động viên khi các em tiến bộ, đồng thời phân tích để các em hiểu việc làm đúng và chưa đúng. Giáo viên cũng phải giải thích rõ cho các em hiểu ý nghĩa việc học, tình cảm cha mẹ, thầy cô dành cho các em. Khi giáo viên đối xử thật lòng, các em sẽ cảm nhận được sự quan tâm và dần thay đổi”.

Cô Nguyễn Thị Kim Nương luôn gần gũi và quan tâm học sinh

Cô Nguyễn Thị Kim Nương luôn gần gũi và quan tâm học sinh

Bên cạnh đó, cô Nương còn nhờ sự giúp đỡ của cán bộ lớp. Mỗi cán bộ lớp sẽ là bạn cùng tiến với các em ấy. Trong đó, nhiệm vụ của cán bộ lớp là nhắc nhở bạn mình nghiêm túc học tập, chấp hành đúng nội quy của trường và có những ứng xử đúng mực khi giao tiếp với bạn bè. Không chỉ vậy, cô Nương còn phối hợp tất cả giáo viên bộ môn, nhất là môn Giáo dục công dân để theo dõi, uốn nắn các em ngay trong tiết học. Cô cũng gần gũi, giáo dục HS cá biệt thông qua các tiết ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp với những câu hỏi, trò chơi, kể chuyện thực tế để các em rút ra bài học cho bản thân; đồng thời kết hợp nhiều thành phần, đoàn thể trong và ngoài trường để cùng giáo dục các em từ mọi phía nhằm giúp các em có sự chuyển biến tích cực.

Nhờ sự nỗ lực của mình, tập thể lớp cô Nương chủ nhiệm và đảm trách dạy môn Sinh học luôn năng động, đoàn kết. Những HS yếu, HS cá biệt dần tiến bộ qua từng năm học. Đó được xem là một trong những thành công của người làm nghề dạy học.

Trong sự nghiệp “trồng người” của mình, cô Nương được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm nhận bằng khen của UBND tỉnh; đặc biệt năm 2017, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.

(còn tiếp)

Bài cuối: Chủ động xin về vùng sâu

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết