Tiếng Việt | English

19/06/2015 - 07:41

Những người truyền lửa và giữ lửa

Họ là những người luôn mang trong mình “lửa nghề”, dành trọn vẹn tâm huyết với nghề báo và là những cây bút “gạo cội” luôn được các phóng viên trẻ học hỏi làm theo.

 

Truyền “lửa” đam mê

38 năm gắn bó với nghề, nhà báo Hùng Dũng (Báo Long An) - người vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen với thành tích nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp báo chí nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015) chưa từng nản chí, không ngại “xông pha” vào những khoảng tối, gặp biết bao khó khăn, vất vả, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng để có những bài viết mang hơi thở của cuộc sống đời thường.

Ông đã từng rơi nước mắt khi được chứng kiến cuộc sống đầy gian khổ, nhưng rất tình cảm của các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, những nông dân phải “một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để có cái ăn, cái mặc,… Mỗi bài viết luôn chứa chan tình cảm cùng những trăn trở về trách nhiệm của người làm báo đối với cuộc sống, trước những số phận của con người.

Phóng viên Hùng Dũng chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm về đạo đức của người làm báo

Mặc dù đồng lương trong những ngày đầu bước vào nghề báo ít ỏi mỗi tháng chỉ được 36 đồng, 15kg gạo và 20 trứng hột vịt, phương tiện tác nghiệp khiêm tốn,... nhưng ông vẫn bám trụ với nghề cho đến ngày hôm nay. Với ông, tự sâu thẳm lòng mình, nghề báo vẫn là máu thịt, là tình yêu mãi mãi.

 Nhà báo Quốc Sỹ (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) đã hơn 30 năm kinh nghiệm với nghề, lúc nào lửa nghề cũng rực cháy. Vốn xuất thân là nông dân, lúc nhỏ, một buổi đi học, một buổi về rải mạ, gặt lúa,… nên khi phụ trách về mảng nông nghiệp đối với ông quá dễ dàng. Ông đã không ngại khó, bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở của cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của người nông dân phản ánh qua những tác phẩm hấp dẫn, mang tính nhân văn sâu sắc.

Mỗi mảng có cái khó riêng nhưng đối với mảng nông nghiệp khi tác nghiệp đôi lúc cảm thấy buồn, mặc dù có hẹn trước nhưng khi đến nơi, nhân vật không cho quay phim vì lý do đơn giản “sợ chết cây, chết con” nên phóng viên đành ngậm ngùi vác máy ra về. Theo ông, một nhà báo giỏi phải biết dấn thân, máu lửa với nghề, làm hết sức mình, vượt qua những cám dỗ,… để từng bước khẳng định mình.

 

Nhắc đến nhà báo Quang Hảo, độc giả nghĩ ngay đến một cây bút sắc sảo, “trời phú” cho thế mạnh với các thể loại phóng sự điều tra, ký, ghi nhanh,… của Báo Long An. Bằng tấm lòng của một người khát khao muốn góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho tỉnh nhà, ông đã có nhiều bài phóng sự phản ánh mặt trái của đời sống KT-XH.

 Chẳng ngại khó khăn gian khổ, ông đã thức khuya, chấp nhận những hiểm nguy để tiếp cận các đối tượng tệ nạn xã hội, phản ánh, góp phần cho xã hội “sạch hơn”. Vào giữa thập niên 1980, ông nổi tiếng với bài phóng sự “Bia ôm, ôm ai, ai ôm” đề cập đến tệ nạn xã hội ở huyện Đồng Tháp Mười, khiến phải mất ngủ cả tháng trời vì nhận sự phản ứng gay gắt từ địa phương. Hay những trận truy sát của các “nài” khi ông điều tra về buôn lậu thuốc lá ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa dẫn đến câu chuyện “bắn nhà báo, trúng nhà thơ”,…

Nhà báo Quang Hảo, từng là cây bút phóng sự điều tra của Báo Long An

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng nhà báo Quang Hảo hiện là cộng tác viên đắc lực của Báo Long An, không chỉ tác phẩm báo chí mà còn cả văn, thơ. Các bài viết của ông đều mang tính hiện thực và hơi thở của cuộc sống đời thường, để lại nhiều ấn tượng và xúc cảm, nghĩ suy đối với đông đảo bạn đọc ngay cả thời kỳ đầu với bộn bề công việc cải tạo cái cũ, khôi phục xây dựng cái mới.

Trong không khí phấn khởi cùng cả nước kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2015), Báo Long An điện tử chính thức ra mắt và đi vào hoạt động trên mạng internet vào ngày 19/06/2015 với tên miền:baolongan.vn

Theo ông “Để viết được những phóng sự điều tra rất cần sự ủng hộ, quan tâm của các cấp lãnh đạo và không thể thiếu niềm đam mê, tâm huyết và đồng cảm của phóng viên: Một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và hai bàn tay sạch. Thế hệ trẻ bây giờ hội đủ điều kiện để làm báo, do vậy cần phải bám sát cơ sở, mạnh dạn dấn thân vào những khoảng tối của cuộc đời để cho ra đời những đứa con tinh thần chất lượng”.

 

Phóng viên trẻ với nghề

Mới “chập chững” bước vào nghề báo, những người làm báo trẻ không thể tránh khỏi những khó khăn về nghiệp vụ, cách xử lý thông tin và kiến thức pháp luật. Do vậy, sự giúp đỡ chân tình của những đàn anh đi trước vừa là nguồn động viên, truyền lửa đam mê, vừa khơi gợi nguồn sáng tạo vào nghề trong họ.

Ngày đầu bước vào nghề báo, phóng viên Kim Ngân (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) cứ nghĩ nghề này chỉ đơn giản là được đi nhiều rồi viết những gì tai nghe mắt thấy. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm với nghề, Ngân nhận ra rằng, nghề báo không dễ dàng, hào nhoáng như những gì mình tưởng tượng trước đây.

 

Để có được một tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, tạo được dư luận xã hội tốt, đòi hỏi Kim Ngân không chỉ năng động, tích cực đi cơ sở mà còn phải quan sát thực tế tốt, có sự tổng hợp vấn đề, từ đó nghiên cứu, phân tích, có sự chắt lọc để phản ánh đúng sự việc, sự kiện của cuộc sống.

2 năm vào nghề, Kim Ngân dần vượt qua sự lạ lẫm và bỡ ngỡ ban đầu, những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật, được “hòa mình” với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những kỷ niệm, những dấu ấn trong nghề không thể nào quên đối với bản thân và cảm thấy yêu nghề hơn.

Phóng viên Kim Ngân đang tác nghiệp

 Vốn là người nhút nhát nhưng với niềm đam mê, yêu thích nghề báo, phóng viên Thúy Phương (Báo Long An) đã quyết tâm khắc phục khuyết điểm, thử thách bản thân để đến với nghề báo. Qua 2 năm trải nghiệm trong công việc, Thúy Phương cảm thấy mình trưởng thành hơn trong cả cách nghĩ, cách làm đến tác phong ứng xử trong cuộc sống, thật sự thấy tự tin, yêu thích và tự hào với công việc mình đang làm.

Đặc biệt, qua những chuyến tác nghiệp thực tế cùng các anh, chị đồng nghiệp đi trước, Thúy Phương dần hình dung được quy trình công việc của một phóng viên và bớt được một phần lo lắng, từng bước khẳng định mình qua các giải thưởng báo chí cấp tỉnh.

Phóng viên trẻ tâm huyết với nghề

Dù làm báo có hơi vất vả, đặc biệt đối với giới nữ nhưng phóng viên trẻ Thúy Phương quyết tâm đeo đuổi theo nghề mà mình đã chọn, không ngừng học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước từng bước hoàn thiện hơn.

 Mới chập chững bước vào nghề, những người làm báo trẻ không tránh khỏi những khó khăn về nghiệp vụ, cách xử lý thông tin,... Do vậy, sự giúp đỡ chân tình của những người đi trước vừa là nguồn động viên, vừa khơi gợi nguồn sáng tạo để lửa nghề luôn rực cháy./.

Hữu Bằng - Thanh Hiểu

 

Chia sẻ bài viết