Tiếng Việt | English

03/05/2018 - 19:29

Những ông đồ trẻ

Ông đồ và nghệ thuật thư pháp là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Ngày nay, hình ảnh ông đồ dần vắng bóng. Nhưng đâu đó giữa bộn bề cuộc sống, vẫn có những người trẻ miệt mài tìm hiểu về nghệ thuật viết “chữ ông đồ”.

Luyện thư pháp, rèn nết người!

Người viết thư pháp được nhắc đến với tên gọi “ông đồ”. Ông đồ trong ký ức thường mặc áo the đen, mài mực tàu viết trên giấy đỏ và ngồi cho chữ mỗi dịp xuân về.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm học về thư pháp

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm học về thư pháp (Trong ảnh: Các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt biểu diễn thư pháp)

Ngày nay, ít ông đồ cho chữ đầu xuân, cũng ít người xin chữ vào những dịp quan trọng của đời mình như xưa. Hình ảnh ông đồ dần vắng bóng, nhưng nghệ thuật thư pháp vẫn tồn tại và trở thành thú chơi tao nhã. Nhà thư pháp, nghệ nhân Nguyễn Huỳnh Triều nhận xét: “Thư pháp là thú vui lành mạnh, bổ ích. Thư pháp ngoài nét đẹp thướt tha trong từng con chữ, còn tiềm ẩn bên trong lời hay, ý đẹp và tô đậm thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta”. Chính vì thế, ngày nay, người viết thư pháp không chỉ có ông đồ quắc thước mà cả người trẻ tuổi cũng bị mê hoặc bởi bộ môn nghệ thuật giàu truyền thống này”.

Học thư pháp được 2 năm, Phương Thanh (15 tuổi), ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An, cảm thấy mình có niềm đam mê bất tận với bộ môn này. Với Phương Thanh, thư pháp là một thế giới rộng lớn, thỏa sức mình sáng tạo. Cùng học một thầy nhưng mỗi người lại có một cách viết và thể hiện khác nhau, tùy khả năng và phong cách từng người.Thư pháp không chỉ hấp dẫn trong cách thể hiện từng nét chữ mà còn vì từng chữ viết ra ẩn chứa biết bao đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Phương Thanh nói: “Thư pháp của em viết các câu ca dao, tục ngữ và cả câu đối. Những bài học sâu sắc được đúc kết trong ca dao, tục ngữ. Đặt bút viết nghĩa là em học được một bài học ý nghĩa”.

Giống như Phương Thanh, Nguyễn Tấn Hào - học sinh lớp 6, Trường TH, THCS và THPT Bồ Đề Phương Duy (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), cũng say mê thư pháp. Duy chia sẻ: “Em rất thích viết thư pháp, khi thầy mở lớp tại trường, em đăng ký học ngay. Thư pháp dạy cho mình tính kiên nhẫn và hướng về cái đẹp!”.

“Ông đồ” 7 tuổi

Để nét chữ thanh thoát, bố cục đẹp mắt, đòi hỏi “ông đồ” ngoài tài viết chữ, còn phải thật bình tâm, đặt bút viết là không cách nào rút lại nên phải thật vững vàng. Chữ viết phải thể hiện tính thẩm mỹ, bố cục chắc chắn và nổi bật. Những tưởng, với những đòi hỏi khắt khe đó, thư pháp sẽ không được lòng giới trẻ. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Bộ môn thư pháp không chỉ sống mà sức sống còn vô cùng mãnh liệt khi độ tuổi ông đồ ngày càng trẻ hóa. Tại Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh, có một ông đồ đặc biệt, vừa tròn 7 tuổi. Đó là bé Vân Hạ.

Vân Hạ thật đáng yêu trong bộ áo dài đỏ, dáng người bé nhỏ giữa các anh chị, cô chú khác

Vân Hạ thật đáng yêu trong bộ áo dài đỏ, dáng người bé nhỏ giữa các anh chị, cô chú khác

Gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng Vân Hạ lại đặc biệt yêu thích thư pháp, nên dù mới học lớp 1, em vẫn theo học viết thư pháp tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Vân Hạ cho biết: “Xem tivi thấy người ta viết thư pháp thích quá nên em muốn học”. Nói là làm, cô bé “ốc tiêu” xin cha mẹ cho mình được học thư pháp. Còn nhỏ tuổi nên nét chữ còn phải rèn luyện nhiều, nhưng tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật thư pháp của Vân Hạ thật đáng trân trọng. Nhìn em trong bộ áo dài đỏ, dáng người bé nhỏ ngồi viết thư pháp giữa các anh chị, cô chú lớn tuổi khác thật đáng yêu. Em mang cả sự hồn nhiên, trong sáng vào từng nét chữ.

Nhà thư pháp, nghệ nhân Nguyễn Huỳnh Triều nhận định: Ngày nay, thư pháp nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh. Thư pháp cũng không còn bó hẹp trong “mực tàu, giấy đỏ” mà rất dễ nhìn thấy trong cuộc sống: Bảng quảng cáo, sách vở, báo chí và cả trên mâm ngũ quả,... Vì vậy, Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt phối hợp một số giáo viên mỹ thuật truyền đạt lại nghệ thuật viết thư pháp cho các em học sinh đam mê thư pháp. Từ đó, giúp bộ môn này đến gần cuộc sống hơn.

Thư pháp là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Và thật vui khi thư pháp được giữ gìn và phát triển bởi những người tâm huyết và các bạn trẻ muốn hướng về cội nguồn dân tộc. Bộ môn nghệ thuật này không chỉ được biết đến qua bốn câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên mà tồn tại lâu dài trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt trẻ:

"Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua"!

Mới đây, Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt chính thức được thành lập với mục đích đẩy mạnh phong trào thư pháp để mọi người, mọi giới được tiếp cận và thưởng thức nét đẹp của thư pháp. 

Phương Phương

Chia sẻ bài viết