Tiếng Việt | English

10/05/2017 - 13:47

Những phụ nữ nghèo nhưng giàu lòng nhân ái

Bản thân còn tất bật mưu sinh, chạy cơm từng bữa nhưng có những phụ nữ sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo” cho những mảnh đời khó khăn hơn mình.


Chị Châu Thị Tuyết Nga (bìa trái) và chị Dương Thị Mỹ Nương (bìa phải) cùng các thành viên nấu ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa

Xe thức ăn của tình thương

6 năm nay, vào sáng thứ năm hoặc thứ sáu hàng tuần, trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Bến Lức lại có một xe đẩy đầy ắp thức ăn chay phục vụ miễn phí bệnh nhân và người nuôi bệnh. Xe thức ăn đặc biệt ấy của chị Đặng Kim Thanh (ngụ khu phố 3, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Chị Thanh bán chuối chiên dạo hơn 30 năm. Thấy những bệnh nhân nghèo, không có tiền chữa bệnh, chị tận dụng chiếc xe đẩy đi bán mọi ngày thành xe mang những suất ăn miễn phí phục vụ người nghèo.

Vào ngày nấu ăn, 4 giờ sáng, chị dậy nhóm bếp. Ngoài cơm chay, chị Thanh còn làm bún xào, nui, phở, hủ tiếu,... Và, dù là món nào đi nữa thì vẫn rất ngon, luôn được múc thật đầy khi đến tay người nhận. Ban đầu, chị chỉ nấu với số lượng ít - khoảng 50 suất vì tất cả kinh phí đều là tiền túi nên chỉ làm vừa đủ, tránh lãng phí. Giờ đây, mỗi buổi, chị phát khoảng 50kg phở hoặc 30kg gạo hay 20-30kg nui được chế biến thành món điểm tâm.

Hiện tại, bán chuối chiên ế ẩm, thu nhập chủ yếu của chị từ tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Có tuần, mua được rau, củ tốt, giá rẻ được nhiều tiểu thương hỗ trợ, chị nấu 2-3 lần/tuần. Chị cho biết, động lực để chị duy trì việc làm thầm lặng mà ý nghĩa này là nối tiếp tâm nguyện của người con trai út vừa qua đời vì tai nạn giao thông. Chị nghẹn ngào: “Các con tôi làm công nhân, thu nhập chỉ vừa đủ sống và đều có gia đình riêng, chỉ có đứa con út của tôi có điều kiện kinh tế. Trước đây, con thường gửi thêm tiền và động viên tôi duy trì nấu ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Bây giờ, dù con không còn bên cạnh hỗ trợ nhưng tôi vẫn tiếp tục nấu ăn từ thiện, đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”.

Giờ đây, hoạt động này không chỉ có riêng mình chị mà còn có sự giúp sức của người mẹ già ngoài 80 tuổi mà mọi người thường gọi là ngoại và một số người trong gia đình. Chẳng quản trời mưa, trời nắng, xe thức ăn đầy ắp tiếng cười của gia đình 3 thế hệ lại tất bật sẻ chia cùng bệnh nhân nghèo. Bà Lê Thị Hai (ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức) cho biết: “Tôi bị bệnh nên thường khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Nhà xa, nên tôi nhận cơm từ thiện của chị Thanh được vài lần. Dù miễn phí nhưng chị nấu rất chất lượng và rất ngon!”.


Dù kinh tế eo hẹp nhưng chị Đặng Kim Thanh luôn nỗ lực duy trì xe thức ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức

Làm việc thiện là niềm vui trong cuộc sống

Cũng như chị Thanh, 2 người phụ nữ ở huyện Thủ Thừa cũng lấy việc nấu cơm từ thiện làm niềm vui dù cuộc sống cũng thiếu trước, hụt sau. Không tổ chức nấu ăn độc lập nhưng chị Dương Thị Mỹ Nương (sinh năm 1968, ngụ xã Bình An, huyện Thủ Thừa) và chị Châu Thị Tuyết Nga (sinh năm 1963, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) lại có nhiều năm gắn bó cùng bếp ăn từ thiện chùa Hư Không (thị trấn Thủ Thừa).

Chị Nương là công nhân Công ty TNHH Giày Ching Luh (huyện Bến Lức), đồng lương chỉ 5 triệu đồng/tháng, công việc kín hết tuần nhưng hôm nào nấu ăn là chị đều có mặt, bất kể sớm khuya, mưa nắng. Những hôm tặng cháo cho bệnh nhân nghèo lúc 5 giờ sáng thì 0 giờ đêm hôm trước, các chị có mặt tại bếp để chuẩn bị. Chủ nhật phát cơm chay lúc 10 giờ thì 3, 4 giờ bếp ăn lại đỏ lửa. Sau khi nấu xong, chị tranh thủ đến công ty lúc 6 giờ sáng. Không lập gia đình, chị Nương xem việc giúp đỡ mọi người chính là niềm vui trong cuộc sống.

Chị Nga cũng sống một mình vì hôn nhân không trọn vẹn. Năm 2000, với đôi bàn tay trắng, chị rong ruổi đến TP.HCM phụ bếp cho quán ăn, rồi dần dần được làm bếp trưởng. Nhờ vậy mà chị có thể nấu được suất cơm cho nhiều người, có thể hỗ trợ các chị của bếp ăn từ thiện. Hiện tại, chị Nga sống bằng nghề bán bánh tằm, bánh ướt,... tại chợ Thủ Thừa. Mỗi ngày, thu nhập 100.000-200.000 đồng, đủ chi phí trong gia đình. Chị chia sẻ: “Được cùng các chị nấu ăn, giúp đỡ mọi người, chúng tôi đổi lại được tình thương, nụ cười hạnh phúc. Tiền mình làm ra rồi cũng hết nhưng sẻ chia với mọi người thì sẽ chẳng bao giờ hết. Do đó, chúng tôi - dù mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều cố gắng mỗi người một tay, sẻ chia cùng những người khó khăn hơn mình”.

Tất cả những phụ nữ này đều là những người lao động, da sạm, tay chai nhưng họ đều rất đẹp. Vẻ đẹp ấy không phải từ ngoại hình mà toát lên từ chính tâm hồn và tấm lòng nhân ái. Với họ, cái “được”, cái “lời” lớn nhất là tình thương, nụ cười của những người đang cần được giúp đỡ. Sự lan tỏa niềm vui chính là món quà quý giá để các chị có thêm động lực giúp ích cho đời./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết