Tiếng Việt | English

08/03/2018 - 09:55

Những phụ nữ vượt khó vươn lên

Họ là những phụ nữ (PN) nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được sự tiếp sức từ các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN), vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm công tác an sinh xã hội. (Trong ảnh: Chủ tịch hội - Nguyễn Hồng Mai tặng học bổng cho học sinh nghèo xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ)

Đồng vốn nghĩa tình

Chúng tôi đến thăm căn nhà cũng là nơi thu mua phế liệu của chị Trần Thị Thu Lan tại ấp Chánh Nhứt, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Giữa trưa nắng, chị cặm cụi lựa từng loại phế liệu để kịp giao cho đại lý. “Dạo này, hàng gấp nên tôi tranh thủ làm buổi trưa, chứ ngày thường thì nghỉ” - chị nói.

Chị lập gia đình và sinh được 2 người con. Không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Năm 2014, chồng chị bị bệnh và không thể lao động. Từ đó, gánh nặng lại đè lên đôi vai người vợ trẻ.

Biết được hoàn cảnh gia đình chị, Hội LHPN VN xã hỗ trợ chị vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Với số tiền đó, chị đầu tư thu mua phế liệu. Tích lũy thêm một sốn vốn, chị mở rộng cơ sở thu mua, tạo việc làm cho 4 nhân công. Hiện nay, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, chị lãi từ 7-10 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, có tiền chữa bệnh cho chồng, chị còn có điều kiện nuôi 2 con ăn học.

Kinh tế gia đình ổn định, chị tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, đóng góp sửa chữa đường, các phong trào thi đua do Hội PN phát động,... “Nhờ được hỗ trợ vốn nên gia đình tôi mới có được như ngày nay. Vì vậy, trong khả năng, tôi sẵn sàng ủng hộ các phong trào của địa phương” - chị chia sẻ.

Nhờ đồng vốn nghĩa tình, chị Trần Thị Thu Lan (bìa trái) vượt khó vươn lên

Được Hội PN tiếp sức và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, giờ đây, chị Bùi Thị Chông, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, thoát nghèo và trở thành một trong những hộ khá tại địa phương.

Vợ chồng chị Chông không có đất sản xuất, cuộc sống gia đình chỉ trông vào tiền làm thuê, làm mướn, lúc có, lúc không. Năm 2007, thông qua Hội LHPN VN xã, chị được xét vay 5 triệu đồng. Từ số tiền này, chị đầu tư nuôi heo và tích lũy vốn phát triển đàn heo. Nhờ chịu khó, chị không chỉ trả được nợ mà còn mua 1,5ha đất ruộng.

Đến năm 2010, chị tiếp tục được xét cho vay 15 triệu đồng mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, heo bị rớt giá, chị chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Cứ thế, đàn bò ngày càng nhiều và số tiền tích lũy của chị cũng tăng lên. Vợ chồng chị mua thêm đất sản xuất. Hiện tại, gia đình có 16ha đất ruộng, 4 chiếc máy cày, 3 máy cuộn rơm, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Chị cho biết, nhờ những đồng vốn nghĩa tình mà gia đình chị có được cuộc sống ổn định như hiện nay. Từng trải qua thời gian khó khăn nên chị thường xuyên giúp đỡ những hộ nghèo trong ấp.

Theo Hội LHPN VN tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh quản lý nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.150 tỉ đồng, xét cho hơn 54.000 hộ gia đình PN vay,... Nhờ số tiền này, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế, nuôi con ăn học,...

Người khá giúp người khó

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm tại ấp 4, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh là nơi cư ngụ của chị Trần Thị Hiền. Gia đình chị là một trong những hộ nghèo của xã, không đất canh tác, cuộc sống chủ yếu dựa vào số tiền làm mướn. Có được căn nhà hiện tại đối với chị là niềm ao ước, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ những thành viên của Chi hội PN ấp 4. Chị từng 2 lần được chi hội cho mượn tiền sửa nhà.

Chị Hiền chia sẻ: “Hàng ngày, tôi chật vật mưu sinh còn chưa đủ nên đâu dám mơ về một ngôi nhà kiên cố. Được các chị trong Chi hội PN ấp cho mượn tiền không tính lãi, tôi mới có được căn nhà đàng hoàng”.

Không chỉ có chị Hiền, chị Nguyễn Thị Bích Tiền cũng được mượn vốn từ chi hội. Cuộc sống tuy không quá khó khăn như chị Hiền nhưng sau khi lập gia đình, chị Tiền phải ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Để có thêm thu nhập, chị bàn với chồng dành dụm tiền mua máy về xe nhang. Không đủ chi phí, chị được các chị PN tại ấp cho mượn vốn. Nhờ cơ sở xe nhang, chị có thu nhập, phụ chồng nuôi con ăn học.

Chị Tiền tâm sự: “Tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập là vợ chồng vui rồi! Tôi cảm ơn các chị quan tâm đến gia đình mình!”.

Nhờ mô hình "10 giúp 1" tại xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, chị Nguyễn Thị Bích Tiền có thêm vốn để mở cơ sở xe nhang

Chị Hiền, chị Tiền là 2 trong 7 PN được các thành viên mô hình “10 giúp 1” của Hội LHPN VN xã Tân Thành hỗ trợ vốn không tính lãi. Chủ tịch Hội LHPN VN xã - Lê Thị Ngọc Sang thông tin, mô hình này được thành lập từ năm 2016 tại ấp 3, nay phát triển thêm tại ấp 2, ấp 4. Các chị có thể góp tiền, con giống, vật tư, máy móc,... cho những hộ còn khó khăn mượn để phát triển kinh tế gia đình. Các thành viên mô hình hầu hết là những người thích tham gia công tác xã hội, có cuộc sống ổn định nên cùng chung tay giúp hội viên, PN nghèo.

Đây cũng là cách làm được nhiều hội cơ sở trong tỉnh thực hiện. Tuy tên gọi có khác nhau ở từng địa phương nhưng hầu hết đều mang thông điệp “người khá giúp người khó”, cùng nhau xây dựng gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN VN tỉnh - Nguyễn Hồng Mai cho biết, với sự góp công, góp sức của đông đảo PN trong tỉnh, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, các cấp hội xây dựng hơn 100 công trình phục vụ cộng đồng, trị giá trên 7 tỉ đồng; phát hiện và biểu dương trên 1.900 gương điển hình tiêu biểu các lĩnh vực.

Ngoài ra, các cấp hội vận động công tác đền ơn đáp nghĩa, xã hội - từ thiện với tổng trị giá khoảng 10 tỉ đồng; giúp nhiều hộ PN vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế gia đình, nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư cho con đi học. Bên cạnh đó, trong năm, các cấp hội giúp gần 600/6.278 hộ PN làm chủ hộ thoát nghèo; phối hợp giới thiệu việc làm cho hơn 10.400 lao động nữ vào các công ty, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh,...

Thời gian tới, PN Long An tiếp tục vượt khó, chung tay thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) nhất là 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của PN. Không những vậy, hội còn khuyến khích, động viên PN phấn đấu, tự vươn lên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính chủ động của hội cơ sở trong tổ chức các hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, thực hiện hiệu quả khâu đột phá giảm nghèo đối với những hộ do nữ làm chủ,... ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết