Tiếng Việt | English

12/12/2018 - 10:07

Những tỉ phú nông dân

Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân trong tỉnh Long An đã biến khó khăn thành lợi thế, cố gắng vươn lên, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người khác trong vùng.

Dám nghĩ, dám làm

Về xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Vạn Thành, có lẽ không ai là không biết bởi ông là nông dân dám nghĩ, dám làm, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp ở địa phương. Hơn 20 năm trước, sau khi xuất ngũ, ông gặp không ít khó khăn, gia đình chỉ có 0,3ha đất sản xuất, mặc dù luân phiên 3 vụ lúa trong năm kết hợp chăn nuôi heo, gà nhưng chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Vạn Thành được biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc

Ông Nguyễn Vạn Thành được biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc

Đến năm 2005, thấy vài hộ chuyển từ sản xuất lúa sang trồng thanh long, ông cũng bắt đầu “kết duyên” với thanh long. Ngay vụ đầu tiên, tuy giá cả còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định nhưng cũng mang lại cho ông nguồn lợi nhất định. Điều đó tạo động lực giúp ông bám trụ với cây thanh long và tiếp tục thuê đất để mở rộng diện tích trồng.

Chỉ sau thời gian ngắn, diện tích thanh long trên địa bàn tăng nhanh nhưng nông dân chủ yếu bán thanh long qua thương lái nên bị ép giá, nhất là khi thu hoạch đồng loạt. Ông nghĩ đến việc thực hiện liên kết để tìm đầu ra ổn định cho thanh long. Nghĩ là làm, năm 2012, ông rủ một số hộ góp vốn thành lập Hợp tác xã (HTX) Vạn Thành nhưng hoạt động không hiệu quả nên chỉ sau một thời gian, nhiều thành viên xin rút. Không nản lòng, năm 2014, ông quyết tâm gầy dựng lại HTX, lấy thanh long vườn nhà hoặc của những thành viên còn lại với hình thức mua trước, trả tiền sau. Thấy thanh long xuất đi Trung Quốc nhiều may rủi, ông tìm hợp đồng xuất hàng đi Nhật. Ông Thành chia sẻ: “Thanh long xuất đi các nước tiên tiến có giá cao, tạo được uy tín, gầy dựng lại HTX mang đến lợi nhuận cho các xã viên”. Nhờ sự quyết tâm của ông, các hợp đồng xuất hàng đi Nhật của HTX ngày càng nhiều. Thành công với thị trường Nhật, HTX Vạn Thành tiếp tục “lấn sân” sang các thị trường khác: Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan,... Hiện nay, mỗi tháng, HTX xuất bán hàng chục tấn thanh long.

Từ sản xuất, mua bán thanh long, hàng năm, ông Nguyễn Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) thu lợi nhuận hàng tỉ đồng

Hiện tại, HTX có 100 xã viên sản xuất 100ha thanh long. Thanh long được HTX hợp đồng bao tiêu với giá ưu đãi, cao hơn giá thị trường. Thu nhập của xã viên được cải thiện. Bên cạnh đó, xã viên còn được hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, với 1,5ha thanh long của gia đình cùng với việc kinh doanh xuất khẩu thanh long hàng năm, ông Thành thu lợi hàng tỉ đồng, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 15 lao động thường xuyên (từ 10-12 triệu đồng/tháng/người) và hàng chục lao động thời vụ. Nhiều năm liền, ông được công nhận Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh; năm 2017, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc.

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh giỏi, ông cùng ban ấp vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương, tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, đóng góp hàng chục triệu đồng hỗ trợ các hoạt động của xã và công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng

Nhiều năm trước, người dân ở vùng đất nhiễm phèn nặng của huyện Bến Lức phải gắn chặt sản xuất với cây mía, giá cả bấp bênh, sâu, bệnh đe dọa vì không có cây trồng nào thay thế được cây mía trên vùng đất bưng phèn. Giờ thì mọi chuyện đã khác, cả một vùng trồng chanh rộng lớn được mở ra, phát triển song song với cây mía mà hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Trong đó, ông Phan Văn Sần, ngụ ấp 5, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng mía kém hiệu quả và thành công với mô hình trồng chanh không hạt.

Kinh tế gia đình ông Phan Văn Sần ngày càng phát triển với mô hình trồng chanh không hạt

Kinh tế gia đình ông Phan Văn Sần ngày càng phát triển với mô hình trồng chanh không hạt

Năm 2007, từ 1,5ha thử nghiệm trồng chanh không hạt, ông có thu nhập ổn định hơn và bắt đầu chuyển đổi hết 5ha sang trồng chanh. Kinh tế dần ổn định, ông mạnh dạn mở rộng thêm diện tích sản xuất với quy mô lớn hơn và thuê thêm đất để trồng. Tính đến nay, ngoài 5ha đất trồng chanh của gia đình, ông còn thuê thêm 8ha trồng chanh không hạt.

Ông Sần tích cực tham gia vào tổ hợp tác của địa phương để học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn. Ông chia sẻ: “Để bảo đảm cho mô hình gia đình phát triển an toàn, tôi thường xuyên tìm hiểu, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất qua các chuyên gia, các mô hình làm ăn hiệu quả, các buổi tập huấn,... Tôi luôn nghĩ rằng, phải cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình trong thời gian tới”. Hiện tại, 13ha đất trồng chanh không hạt của ông được bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, cao hơn so với giá thị trường. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông lên đến gần 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 20 lao động trên địa bàn xã với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Nhiều năm liền, ông được công nhận Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, năm 2017, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích trong phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Làm giàu từ cây lúa

Bằng sự nỗ lực, siêng năng, sau hơn 30 năm cần cù lao động, cuộc sống gia đình ông Phạm Văn Hải, ngụ ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, đã đổi khác, vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả. Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, vợ chồng ông có được bao nhiêu vốn thì cứ dồn hết cho việc sản xuất và cứ thế, dần dần ông tích lũy vốn mua đất để canh tác. Sau nhiều năm tích góp, đến nay, gia đình ông có gần 40ha đất trồng lúa. 

Sau hơn 30 năm lao động, ông Phạm Văn Hải có gần 40ha đất sản xuất lúa, mua sắm nhiều máy móc phục vụ sản xuất

Không dừng lại ở đó, ông mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy cắt đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất của gia đình cũng như làm dịch vụ trên địa bàn và các xã lân cận, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập. Từ đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.

Bình quân mỗi năm, lợi nhuận từ trồng lúa và các dịch vụ gần 2 tỉ đồng, đời sống gia đình ổn định, ông Hải chia sẻ: “Có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết là phải quyết tâm, cần cù trong lao động, nắm bắt kịp thời các thông tin, kỹ thuật tiên tiến, sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo địa phương qua việc tạo điều kiện cho nông dân được học tập, tập huấn kỹ thuật và tham khảo, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Từ những cách làm hay, tiên tiến trong sản xuất, ông Phạm Văn Hải là một trong những nông dân tiêu biểu biết vượt khó làm giàu, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất trị giá hàng trăm triệu đồng để thi công công trình thủy lợi, lộ giao thông với mong muốn góp phần xây dựng, thay đổi diện mạo quê hương. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Hải còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương, hàng năm, ông đóng góp ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các phong trào an sinh xã hội./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết