Tiếng Việt | English

22/11/2019 - 08:58

Những 'trái tim hồng'

Có những người nguyện toàn tâm toàn ý cho những việc làm thiện nguyện. Họ làm việc không cần thù lao, không cần đền đáp, chỉ cần thấy một hoàn cảnh được giúp đỡ, một công trình được xây tặng,... để giúp người dân vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống thì đã đủ vui, hạnh phúc. Đó là những người mang “trái tim hồng” giàu lòng nhân ái, tình yêu thương.

Kết nối yêu thương

10 năm gắn bó với công tác Hội Chữ thập đỏ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Tùng đã “giàu lên” rất nhiều. Đó là giàu tình yêu thương với những mảnh đời bất hạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (bìa trái) tặng quà từ mô hình Kết nối yêu thương

Một buổi sớm se lạnh của những ngày giữa tháng 11, chúng tôi cùng ông đến phát suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An. Cứ mỗi tháng 2 lần, từ 6 giờ sáng, ông đã có mặt tại đây để chuẩn bị 50 suất ăn miễn phí. Những suất ăn ấy phần nào làm ấm lòng những người điều trị bệnh tại đây.

Sau khi phát thức ăn xong, trời bắt đầu nắng hanh, chúng tôi lại theo ông đến thăm gia đình chị Phạm Thị Thúy, ngụ khu phố Bình An 2. Trong căn nhà Đại đoàn kết vừa được UBMTTQ Việt Nam phường hỗ trợ xây dựng, chị Thúy đang chăm sóc đứa con trai tật nguyền. Chị kể: “Tôi lập gia đình và sinh được 2 người con. Từ khi con trai bị bệnh, tôi ở nhà trông nom, chăm sóc. Tất cả chi phí, sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào số tiền làm mướn ít ỏi của chồng. Vợ chồng tôi ngoài miếng đất nhỏ được Nhà nước hỗ trợ xây nhà thì chẳng có gì quý giá nên bao năm nay, nghèo khó vẫn đeo bám. Mấy tháng nay, được Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ phường đến thăm, tặng một số nhu yếu phẩm, gia đình tôi giảm được một phần chi phí”.

Những suất ăn miễn phí hay mô hình Kết nối yêu thương chỉ là phần nhỏ trong hoạt động vì cộng đồng của ông. Tóc đã điểm bạc, chuyện đi lại khó khăn vì bệnh tật nhưng tình yêu thương, sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh trong ông vẫn luôn đong đầy. Sau khi khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh của những hộ gia đình khó khăn, ông đi “gõ cửa” các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để “xin” tài trợ. Trong hành trình nhân ái của mình, ông Tùng không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người, chỉ biết rằng, với mỗi trường hợp được cứu giúp, ông lại thấy lòng vui đến lạ. Ông không nhắc về số tiền đã hỗ trợ cho cộng đồng nhưng chúng tôi nhẩm tính, con số hơn nửa tỉ đồng mỗi năm.

Ông kể, 1 giờ sáng, ông đã thức giấc. Sau khi nấu rượu, phụ vợ chăm sóc đàn vịt là ông có thể làm những công việc mình yêu thích. Trong hàng loạt câu chuyện ông kể, chúng tôi khâm phục nhất chính là tấm lòng của ông đối với những “người dưng”. Ông nói: “Có khi đang ngon giấc, đầu dây bên kia có người điện báo có xác chết nhưng không có người thân đến nhận. Thế là tôi thức giấc, đến tìm hiểu, đi xin quan tài ở những nơi quen rồi đứng ra xin đất chôn cất họ”.

Từ sự vận động của ông Nguyễn Thành Lang, nhiều cây cầu nông thôn tại xã Tân Chánh được xây dựng

Tháng năm qua đi, tình thương ở lại...

... Ngày ...

Đã kêu gọi hỗ trợ cho ông Trần Văn Lợi, ấp Đông Trung, được 60 triệu đồng để giúp ông điều trị bệnh. Sau khi phẫu thuật đôi chân, ông Lợi không thể đi lại được, công việc chạy xe ôm trước đây của ông cũng đành dang dở... Từ ngày điều trị bệnh, vợ ông bỏ đi, 2 đứa con nhỏ lại đang trong độ tuổi đi học,... Tiếp tục vận động để xây tặng nhà tình thương cho ông.

… Ngày …

Vừa mới hoàn thành cầu giao thông nông thôn, đang chuẩn bị bàn giao thêm một cây cầu nữa. Viết thư cảm tạ ông Đỗ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Thanh Quý,... Có hẹn đi TP.HCM để vận động, xin quà của mạnh thường quân,... Tháng này vận động của ông… được số tiền tương đối, cũng đủ một phần chi phí giúp cho người nghèo. Làm việc này xong là đến đợt phong trào hiến máu tình nguyện. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết, phải vận động thêm để người nghèo có cái tết đầm ấm...

Ông Nguyễn Thành Lang (bìa trái) cùng mạnh thường quân, lãnh đạo địa phương và người dân vui mừng khi khánh thành cầu được vận động xây dựng

Đó là những dòng nhật ký của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - Nguyễn Thành Lang. Khi chúng tôi hỏi thăm có bao nhiêu người được tiếp sức trong 12 năm công tác ở địa phương, ông Lang nói không nhớ rõ. Nhưng chúng tôi tin chắc một điều, những người ấy luôn nhớ đến ông, nhớ hình ảnh một ông lão dù bước qua độ tuổi thất thập nhưng vẫn tận tụy đi vận động, tặng quà, hỗ trợ tiền, xây nhà, làm cầu giao thông nông thôn,... Thời gian có thể qua đi, còn tình thương ở lại.

Ông Lang chia sẻ, từ những ngày đảm nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Chánh, điểm trường ở vùng sâu (nay điểm trường này đã xóa), chứng kiến cuộc sống nơi này còn nhiều người cơ nhỡ nên sau khi nghỉ hưu vào năm 2007, ông tham gia công tác Hội Chữ thập đỏ. Những nơi ông đến để giúp đỡ thường là những mảnh đời neo đơn, bệnh tật, già yếu, bệnh hiểm nghèo,… Ông cũng là người có duyên với việc xây cầu giao thông nông thôn. Tính đến nay, tại Tân Chánh có hơn 10 cây cầu được ông vận động xây dựng. Cứ như thế, số tiền ông vận động làm công tác xã hội từ những ngày đầu khoảng 100 triệu, 200 triệu đồng/năm, đến năm 2018 tăng lên hơn 1 tỉ đồng và năm 2019 là 2,4 tỉ đồng. Đến nay, dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông vẫn nặng lòng với việc giúp đời.

“Tôi tiếp tục cố gắng vì còn nhiều mảnh đời cần giúp, nhiều nơi cần đến lắm! Cũng nhờ được nhiều mạnh thường quân tin tưởng, ủng hộ nên mình mới có thể làm tốt được công việc” - ông Lang nói.

Ấm lòng những người dân biên giới

Men theo con đường đất gồ ghề, nắng bụi, chúng tôi đến xã biên giới Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Nơi đó có một “địa chỉ” từ thiện của bà Tống Thị Hồng.

Bà Tống Thị Hồng làm nhiều việc có ý nghĩa giúp người dân biên giới, trong đó có việc vận động sửa chữa trạm cấp nước ấp Trà Cú

Bà cho biết, vùng biên này tuy có đổi thay nhưng so với những địa phương khác, điều kiện còn khó khăn. Chứng kiến nhiều người gặp khó khăn nên bà tự nguyện giúp đỡ, gắn bó hết lòng với công tác từ thiện - xã hội. Nhiều năm qua, không ít mảnh đời bất hạnh, hàng loạt công trình ý nghĩa do bà vận động góp phần sẻ chia khó khăn với người dân nơi đây.

Bà đưa chúng tôi đi xem những công trình nghĩa tình mà bà đã “xin được”. Đó là những căn nhà tình thương, bếp ăn, nhà vệ sinh của Nhà văn hóa ấp Trà Cú, cầu bêtông,... Chỉ cho chúng tôi xem trạm cấp nước, bà nói, trước đây, đài nước này bị hư nhưng số hộ dân ít nên không đủ tiền sửa chữa. Họ gọi điện báo cho tôi. Thế rồi, tôi “đi xin” mạnh thường quân được một số tiền để sửa chữa, từ đó người dân có nước hợp vệ sinh sử dụng. Đâu chỉ có vậy, bà còn thành lập mô hình Địa chỉ nhân đạo, thường xuyên hỗ trợ những người có hoàn cảnh kém may mắn, học sinh nghèo,... với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bà tự nhủ: “Cán bộ Hội Chữ thập đỏ là những người phải có “trái tim hồng”, tâm huyết, biết sẻ chia và làm nhiều điều có ích cho xã hội. Làm công việc này phải có tâm trong sáng, không tính toán thiệt hơn. Chồng, con khuyên nên nghỉ ngơi nhưng tôi thấy còn nhiều người nghèo khó nên không đành lòng”.

Với tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh, những người mang “trái tim hồng” viết tiếp những câu chuyện đẹp về sự tử tế giữa đời thường./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết