Tiếng Việt | English

29/09/2020 - 21:00

Nhựt Ninh: Hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Theo lộ trình, năm 2020, Nhựt Ninh là xã tiếp theo của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Trần Hồng Phong cho biết: “Sau khi được triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM (năm 2011), Đảng ủy xã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động; xây dựng nghị quyết từng năm để tổ chức thực hiện. Các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM được địa phương cụ thể hóa, tuyên truyền để người dân thông suốt và cùng hưởng ứng”.

Trường Tiểu học Nhựt Ninh đạt chuẩn quốc gia

Với tổng kinh phí thực hiện hơn 135,6 tỉ đồng, đến nay xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến nay, 100% số kilômét đường xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, bảo đảm ôtô lưu thông; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu; 98% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 2 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trên 91,61% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó nước sạch trên 65%,...

Ngoài ra, lực lượng trong độ tuổi lao động và có việc làm qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao. Bộ máy lãnh đạo, quản lý của xã được củng cố, kiện toàn theo hướng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH trên địa bàn.

Những năm qua, do ảnh hưởng của thiên tai nên tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nâng cao đời sống người dân, xã tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành các ngành và vận động nhân dân nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt một số kết quả khả quan. Sản lượng, năng suất lúa thu hoạch mỗi năm đạt kế hoạch đề ra.

Hoa màu tổng diện tích 4,2ha (dưa hấu, đậu bắp, bầu, bí, ớt) nhìn chung phát triển tốt, nông dân có lãi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, cây thanh long có giá trị kinh tế cao. Diện tích cây thanh long đạt 68,4ha, trong đó đang cho trái 68ha.

Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện

Hiện nay, xã thành lập được 1 hợp tác xã thanh long (22 thành viên); 1 tổ liên kết nuôi thủy sản ấp Bình Thạnh gồm 21 thành viên và 6 tổ kinh tế hợp tác theo Nghị định 151/CP của Chính phủ về hợp tác ao lắng trong nuôi tôm nước lợ, tổng cộng có 25 thành viên được duy trì, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, xã còn phối hợp ngành chuyên môn cấp trên mở 135 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, 7 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp có 2.135 lượt người dự.

“Qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng như không để xảy ra dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm, giảm chi phí sản xuất, năng suất được nâng lên. Bên cạnh đó, địa bàn xã gần các khu công nghiệp lân cận (Bến Lức, Cần Đước) đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, từ đó đời sống người dân ngày càng ổn định. Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã góp phần ổn định sản xuất, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay, xã còn 40 hộ nghèo (đã trừ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội), chiếm 2,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 46,62 triệu đồng, mục tiêu cuối năm 2020 đạt 50 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Long An,... với tổng số tiền 66,454 tỉ đồng để phát triển sản xuất” - ông Trần Hồng Phong cho biết thêm.

Ông Trần Văn Vàng, ngụ ấp Nhựt Hòa, chia sẻ: “Trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi nhỏ, lẻ nên thu nhập chưa cao. Từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, xã tập trung đầu tư hạ tầng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là vận động nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của xã hiện nay là cây thanh long, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao,... nên đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.

Người dân nuôi tôm ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng lợi nhuận

Theo ông Trần Hồng Phong, thời gian tới, để nâng chất các tiêu chí và nâng cao đời sống người dân, xã sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; ưu tiên phát triển chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng việc liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp..., nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh của người dân.

Bên cạnh đó, xã xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đã bêtông hóa những năm trước đây; tiếp tục đầu tư hệ thống kênh, mương thủy lợi để bảo đảm phục vụ tưới tiêu hợp lý; đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An để phục vụ người dân trên địa bàn; có giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để tái nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm hộ nghèo còn dưới 2%; củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh;... ./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết