Tiếng Việt | English

23/07/2019 - 20:58

Niềm tin hàng Việt

10 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, thực hiện và lan tỏa vào khu dân cư, cơ quan, đơn vị, chợ truyền thống. Bên cạnh đó, cuộc vận động còn giúp doanh nghiệp và giới doanh nhân nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với việc nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Kết quả đáng ghi nhận

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) với mục đích vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn kết hợp “Ngày Hội Thanh niên khởi nghiệp năm 2017” tổ chức tại huyện Tân Trụ

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn kết hợp “Ngày Hội Thanh niên khởi nghiệp năm 2017” tổ chức tại huyện Tân Trụ

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An - Phạm Ngọc Tiệp thông tin, qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, các cấp, các ngành trong tỉnh nỗ lực tổ chức tuyên truyền, thực hiện, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm tài sản công, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và tiêu dùng cá nhân. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh xây dựng nhiều mô hình thực hiện rất cụ thể. Đó là mô hình Vận động nhân dân tổ dân cư sử dụng phân bón Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, Điểm mua bán hàng Việt tại hộ kinh doanh; Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP sử dụng phân bón Việt; Công đoàn viên ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt gia đình; chương trình Tự hào hàng Việt của các cửa hàng bán lẻ; Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại;...

Có thể khẳng định, sau 10 năm triển khai cuộc vận động, hàng hóa Việt Nam dần chiếm lĩnh được thị trường và chinh phục người tiêu dùng trong nước. Sở Công Thương, một trong những đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, 10 năm qua, phối hợp nhiều đơn vị chức năng, DN trong và ngoài tỉnh tổ chức gần 120 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh. Ở các phiên chợ, DN nhỏ và vừa có điều kiện giới thiệu, quảng bá hàng hóa cũng như phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng. 

Là một trong những đơn vị tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn liên tục nhiều năm qua, Cơ sở Sản xuất Nước mắm Vĩnh Hương (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ bán hàng. Chủ cơ sở - Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Đây là một trong những cuộc vận động có mức độ lan tỏa sâu, rộng. Từ cuộc vận động, người tiêu dùng trong nước hạn chế được tâm lý sính hàng ngoại. Đặc biệt, cơ sở càng ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua chú trọng chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đưa thiết bị hiện đại vào sản xuất để hạ giá thành”.

Qua tìm hiểu thực tế, trên địa bàn tỉnh, hàng Việt được bày bán tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống đều tăng cao trong nhiều năm trở lại đây, duy trì từ mức 90% trở lên. Cuộc vận động tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Bà Nguyễn Mai Thu, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, cho rằng: “Mỗi khi mua sắm hàng tiêu dùng, thực phẩm, tôi luôn ưu tiên các sản phẩm Việt Nam vì phong phú về chủng loại, giá phù hợp với thu nhập người tiêu dùng trong nước và chất lượng cũng không thua các sản phẩm nước ngoài".

Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, kết quả tích cực, đáng kể nhất sau 10 năm triển khai cuộc vận động là tư duy của các nhà sản xuất nội địa. Đây được xem là thời cơ vàng giúp DN củng cố niềm tin, tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tỉnh có rất nhiều thương hiệu Việt “cất cánh” và nhận được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong nước như trứng gà Ba Huân, thịt gà San Hà, dầu ăn nhãn hiệu An Long, pin năng lượng mặt trời RedSun,...

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Ba Huân

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (Ba Huân) - Phạm Thị Huân chia sẻ, cuộc vận động như làn gió mới thổi vào DN, bởi ngoài việc thay đổi tư duy người tiêu dùng, DN còn được gắn kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng bình ổn thị trường. Theo đó, Ba Huân mạnh dạn đầu tư 2 dây chuyền thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Không dừng lại ở việc xử lý trứng sạch, Ba Huân còn tiến đến xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Thạnh Hóa, Bến Lức, nhà máy chế biến thực phẩm tại huyện Đức Hòa. Theo bà Phạm Thị Huân, với công nghệ xử lý trứng và chuỗi trang trại chăn nuôi vừa đầu tư, người tiêu dùng sẽ dùng sản phẩm trứng sạch đúng nghĩa cũng như tạo nguồn nguyên liệu ổn định, hình thành chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long (Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) quyết tâm chinh phục người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm dầu ăn thông qua chú trọng chọn lựa nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm. Giám đốc Tài chính công ty - Huỳnh Huy Hoàng phấn khởi: “Hiện nay, hàng hóa của công ty được bày trên kệ khá trang trọng, đẹp mắt tại các siêu thị lớn và nhiều cửa hàng bách hóa. Hiện sản phẩm dầu ăn thương hiệu An Long chiếm vị trí thứ 3 trên toàn quốc về sức tiêu thụ của người tiêu dùng. Kết quả này không tự nhiên mà có, DN phải tập trung nhiều khâu quan trọng từ quảng bá sản phẩm, đầu tư thiết bị dây chuyền tự động cho đến tìm hiểu tâm lý khách hàng”. 

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long

Qua 10 năm thực hiện, cuộc vận động mang lại hiệu ứng tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tạo được niềm tin, sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Tuy nhiên, cuộc vận động cũng như DN đang đứng trước nhiều thách thức trong điều kiện hiện nay, đó là Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, sức ép và sức cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng quyết liệt hơn. 

Bà Phạm Ngọc Tiệp cho biết, để cuộc vận động đạt kết quả cao hơn, UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và người tiêu dùng quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, nói không với hàng lậu, hàng giả. Bên cạnh đó, DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy mối liên kết với DN, hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại ra mạng lưới bán lẻ truyền thống. Đối với hàng tiêu dùng, DN cần tiếp tục nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý để bảo đảm yêu cầu hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết