Tiếng Việt | English

08/07/2020 - 20:28

Nỗ lực cải thiện chỉ số đào tạo lao động

Năm 2019, chỉ số đào tạo lao động (thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)) giảm 0,1 điểm so với năm 2018, đạt 6,20 điểm. Điều này làm PCI năm 2019 của tỉnh Long An đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng, giảm 5 bậc so với năm 2018. Để góp phần nâng cao PCI, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp tốt  doanh nghiệp để cải thiện chỉ số về đào tạo lao động

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp tốt  doanh nghiệp để cải thiện chỉ số về đào tạo lao động

Chỉ số đào tạo lao động gồm 10 chỉ tiêu, trong đó Long An có 2 chỉ tiêu tăng điểm, 1 chỉ tiêu giữ nguyên và 7 chỉ tiêu giảm. 7 chỉ tiêu giảm, gồm: Tỷ lệ doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh giảm 6% (từ 76% năm 2018 xuống 70% năm 2019); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm tăng 11% (từ 54% năm 2018 lên 65% năm 2019); phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động tăng 0,46% (từ 6,76% năm 2018 lên 7,22% năm 2019); phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động tăng 1,21% (từ 3,22% năm 2018 lên 4,43% năm 2019); lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp giảm 4% (từ 93% năm 2018 xuống 89% năm 2019); tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động giảm 1% (từ 8% năm 2018 xuống 7% năm 2019); tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp giảm 12% (từ 48% năm 2018 xuống 36% năm 2019). 

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An - Trần Văn Tiếng cho biết: “Nguyên nhân chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm và tỷ lệ phần trăm tổng chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động giảm do nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, đồng thời doanh nghiệp tự thông báo tuyển dụng, từ đó lao động tham gia tìm việc thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An ngày càng giảm; đối tượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, đa số lao động không muốn tham gia phỏng vấn tìm việc làm mới khi thất nghiệp mà trước mắt chỉ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, do đó chính sách hỗ trợ học nghề chưa thật sự thu hút đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề để tìm việc làm mới”.

Được biết, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An thu thập, tổng hợp 806 doanh nghiệp trong tỉnh, với tổng số nhu cầu tuyển dụng 57.138 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 78,85%; lao động qua đào tạo 21,15% (từ sơ cấp đến đại học). Kết quả, trung tâm đã tư vấn 130.355 lượt người (66.632 nữ), giới thiệu việc làm cho 1.058 người (chiếm 1,85%). Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) năm 2019 là 25.494 người; số người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp 25.209 người; số người hưởng TCTN có quyết định hỗ trợ học nghề 696 người, chiếm 2,7%.

Đối với chỉ tiêu lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp giảm 4%, nguyên nhân tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp; tay nghề, tác phong lao động công nghiệp, kỹ năng mềm của người lao động chưa đáp ứng theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hơn hết, mức lương, an sinh xã hội và các chế độ ưu đãi từ một số doanh nghiệp chưa thật sự thu hút lao động so với doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai,...

Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 24.721 lao động. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng năm tăng lên nhưng còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu trình độ đào tạo chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Đây cũng chính là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động giảm 1% so với năm 2018.

Để khắc phục hạn chế trên, tăng điểm số chỉ số thành phần 9 về đào tạo lao động năm 2020 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề, tác phong lao động cho đối tượng lao động; tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích học nghề phù hợp; đa dạng các ngành nghề, trong đó quan tâm ngành nghề thị trường lao động cần; xây dựng mạng lưới cộng tác viên để tuyên truyền và tạo nguồn cung ứng lực lượng lao động cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa của tỉnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp...”.

Tin rằng, với những biện pháp trên, Long An sẽ tăng điểm số thành phần về đào tạo lao động, góp phần nâng PCI của tỉnh lên thứ hạng cao./.

Kim Ngọc

 

Chia sẻ bài viết