Tiếng Việt | English

29/05/2017 - 19:57

Nỗ lực cho trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc tốt. Vì vậy, thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Phạm Văn Bốn dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết, những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?

Ông Phạm Văn Bốn: Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tham mưu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Tổ Chuyên viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đồng thời củng cố đội ngũ cộng tác viên dân số - gia đình - trẻ em, triển khai Luật Trẻ em năm 2016 và hệ thống phần mềm quản lý trẻ em đến cấp huyện và cấp xã.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong năm đạt kế hoạch. Theo đó, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình giai đoạn 2016-2020 như Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Chương trình bảo vệ trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; tổ chức các hoạt động Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu,… Các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6, Tháng hành động Vì trẻ em, tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp; cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ khuyết tật; trao học bổng tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong ngày khai trường,…

Thực hiện tốt Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Chất lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em ngày càng cao. Năm 2016, có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, trong đó, 50% đơn vị đạt 900 điểm trở lên.

Thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc dưới mọi hình thức; 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được nuôi dưỡng và hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; được miễn, giảm học phí; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại cơ sở y tế công lập.

PV: Xin ông cho biết, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?

Ông Phạm Văn Bốn: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nên mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được triển khai thực hiện tốt; các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng dưới mọi hình thức ngày càng tăng, nhiều trẻ em khuyết tật được phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng,… Từ đó, các em có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Với chính sách trợ cấp nuôi dưỡng từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn gặp nhiều khó khăn: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở một số nơi còn hạn chế; một số gia đình còn chủ quan trong việc quản lý dẫn đến trẻ em bị tử vong do đuối nước; cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã kiêm nhiệm nhiều công việc lại liên tục thay đổi nên việc thu thập thông tin, báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời; một số địa phương, ngân sách còn khó khăn, do vậy chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

PV: Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em, ngành LĐ-TB&XH có những hoạt động thiết thực nào? Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực từ 01/6/2017 được ngành triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bốn: Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2017, với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, ngành LĐ-TB&XH tham mưu tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tại huyện Vĩnh Hưng. Trước khi tháng hành động diễn ra, ngành tổ chức nhiều hoạt động: Khám, chữa bệnh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng quà, học bổng cho trẻ em nghèo; xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng; thành lập Câu lạc bộ Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em ở 15 huyện, thị xã, thành phố,…

Nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ảnh: P.T.N

Thời gian qua, ngành cũng triển khai các luật liên quan đến trẻ em đến tận các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hầu hết, các cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều nắm được các điểm mới trong Luật Trẻ em. Thời gian tới, ngành phối hợp các cấp, các ngành triển khai Luật Trẻ em lồng ghép trong các cuộc họp; tổ chức phát tờ rơi, gắn các panô tuyên truyền về Luật Trẻ em; tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật Trẻ em;…

PV: Những giải pháp nào góp phần bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là kiềm chế tai nạn đuối nước và xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bốn: Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được ngành LĐ-TB&XH quan tâm đặc biệt. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các luật liên quan đến trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của trẻ em trong xã hội; vận động các cấp, các ngành chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, để tạo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và hạn chế tai nạn, thương tích, ngành LĐ-TB&XH tăng cường hơn nữa công tác phối hợp các cấp ủy Đảng, UBND các cấp đối với công tác phòng, chống tại nạn, thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung phòng, chống đuối nước cho trẻ em nói riêng; tiếp tục xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”; duy trì hình thức tổ chức các điểm giữ trẻ trong mùa lũ, tổ chức phổ cập bơi cho trẻ em, hướng dẫn trẻ không tắm, bơi ở những nơi nước sâu, chảy xiết hoặc chèo xuồng khi không có người lớn đi cùng để phòng chết đuối; cấp cặp phao cho các em đi học vào mùa lũ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở các cấp; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trong những tháng học sinh nghỉ hè; phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em nhằm phòng ngừa tai nạn đuối nước; phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy; vận động “Người đi đò mặc áo phao”; bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông đường thủy.

Hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng. Đây là vấn đề nhức nhối gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, để kiềm chế nạn xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho đối tượng là trẻ em và tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã, cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở ấp, khu phố, tạo tiền đề cho việc thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường truyền thông về đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh (072.3.513663) để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; phối hợp Công an tỉnh thông tin rộng rãi về các số điện thoại đường dây nóng tố giác tội phạm, trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thuận lợi trong việc cung cấp thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường công tác tranh tra, kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết